Nghệ An: Chăm sóc trẻ cả khi trường đóng cửa

Nghệ An: Chăm sóc trẻ cả khi trường đóng cửa

Trong đó, phương pháp ghi hình, quay clip theo chủ đề tích hợp, phối hợp và cùng phụ huynh quản lý, chăm sóc trẻ tại nhà được thực hiện hiệu quả và có sự lan tỏa cao.

Cùng phụ huynh quản lý, nuôi dạy trẻ tại nhà

Có mặt tại Trường Mầm non Nghi Diên (huyện Nghi Lộc, Nghệ An), cô Nguyễn Thị Nhung cùng đồng nghiệp quay clip chủ đề bố mẹ làm đồ chơi cho con. Với chiếc điện thoại, các cô ngồi ngay tại phòng và thực hiện thao tác như ngày thường trên lớp. “Trên tivi, mạng Internet có nhiều video dạy học cho trẻ chuyên nghiệp, nhưng khi cô tự mình thực hiện sẽ phù hợp với khả năng tiếp nhận của trẻ, phương pháp truyền đạt hiệu quả hơn”, cô Nhung cho biết.

Trường Mầm non Nghi Diên năm học này có hơn 500 trẻ. Chẳng ai bảo ai, mỗi giáo viên tự làm từ 2 - 3 clip hướng dẫn phụ huynh chăm sóc, giáo dục trẻ theo chủ đề tích hợp. Chị Đậu Thị Ngọc, mẹ bé Nguyễn Diệu Anh (xã Nghi Diên, Nghi Lộc) chia sẻ: “Nghỉ học lâu ngày nên con nhớ cô, nhìn thấy cô trên clip rất vui. Nhiều khi bố mẹ dạy con không chú ý, nhưng cô nói lại nghe lời, hứng thú. Con cũng thích vẽ, đọc thơ, hát, vận động để mẹ quay video khoe với cô. Ban đầu, tôi lo lắng vì con đang học lớp 5 tuổi, chuẩn bị vào lớp 1. Nhưng được cô và nhà trường quan tâm, liên lạc thường xuyên, có nhiều video hướng dẫn, giúp bố mẹ cùng chơi và học với con nên vơi nỗi lo”.

Trường Mầm non Xá Lượng đóng tại địa bàn khó khăn của huyện Tương Dương, Nghệ An. Trong đó có 2 điểm bản Na Bè và Hợp Thành ở vùng cao, vùng sâu không có sóng liên lạc. Tuy nhiên, nhà trường vẫn cố gắng sử dụng nhiều biện pháp tăng cường tương tác đến tất cả trẻ và phụ huynh. Cô Lê Hồng Quang - Hiệu trưởng Trường Mầm non Xá Lượng cho biết: Chúng tôi chuẩn bị tài liệu, chuyển mục tiêu chương trình, bài học về cho phụ huynh thực hiện. Sau đó, bố mẹ phản hồi lại với các cô bằng video, hình ảnh hoạt động của trẻ. Tuy nhiên, hiệu quả của biện pháp trên không cao do phụ huynh vùng cao tiếp cận thông tin không tốt, thậm chí ngại đọc chữ.

Vì vậy, nhà trường triển khai ghi băng hình hướng dẫn theo nhóm chuyên đề tích hợp: Cùng chơi với con, giáo dục kỹ năng sống, thực hành trải nghiệm sáng tạo, tăng cường tiếng Việt cho trẻ… Riêng với trẻ 5 tuổi tăng cường hoạt động nhận biết mặt chữ cái, con số. Băng hình các cô thực hiện sẽ gửi cho Ban Giám hiệu biên tập, kiểm duyệt về nội dung, nếu có đoạn nào không phù hợp, khó hiểu, không bảo đảm an toàn cho trẻ sẽ cắt đi. Sau đó mới đưa lên trang website của nhà trường và gửi cho phụ huynh. Đến nay, trường có 10 video, thu hút số lượng người theo dõi, xem, bình luận cao. Ngoài ra, trường cũng phối hợp với thôn bản, truyền thanh, đưa tài liệu đến tận nhà phụ huynh đối với vùng sâu, vùng xa.

“Các phương pháp trên cũng đòi hỏi giáo viên tự nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng sư phạm, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, chăm sóc trẻ. Đồng thời, khi phụ huynh dành thời gian cùng chơi, cùng học sẽ biết được nhu cầu của con là gì. Đây cũng là cách tác động đến nhận thức, sự quan tâm đến việc học của con trẻ”, cô Lê Hồng Quang chia sẻ.

Quan tâm đến trẻ 5 tuổi

Ông Trần Thế Sơn - Trưởng phòng GD Mầm non (Sở GD&ĐT Nghệ An) cho biết: Bắt đầu nghỉ học, Sở có văn bản hướng dẫn phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường mầm non tuyên truyền, thực hiện phòng dịch Covid-19; Xây dựng chủ đề tích hợp, hỗ trợ phụ huynh trong quản lý, chăm sóc, giáo dục trẻ; Chú trọng đến công tác phòng chống tai nạn, thương tích, đuối nước cho trẻ khi nghỉ ở nhà. Hiện các trường mầm non của Nghệ An thực hiện rất tích cực, hiệu quả, phù hợp theo điều kiện thực tế từng địa phương. Trong đó, nhiều trường linh hoạt, sáng tạo video phát triển kỹ năng, phẩm chất cho trẻ, hướng dẫn phụ huynh quản lý, giáo dục, chăm sóc trẻ bảo đảm an toàn.

“Riêng với trẻ 5 tuổi, chuẩn bị bước vào lớp 1, các trường chú trọng hình thành kỹ năng cơ bản cho trẻ như nhận biết con số, chữ cái, tư thế ngồi học, cách cầm bút. Nhưng lưu ý không dạy sớm, dạy trước cho trẻ. Bảo đảm khi vào lớp 1 trẻ được học bài bản, đúng logic sư phạm và khoa học”, ông Trần Thế Sơn nói.

Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới giai đoạn 2018 - 2025, Nghệ An có nhiều quyết sách nhằm tăng cường cơ sở vật chất, rà soát, sắp xếp và hỗ trợ xây dựng hệ thống trường lớp. Tăng cường xã hội hóa giáo dục mầm non, trong đó hệ thống mầm non ngoài công lập đã góp phần giảm tải cho công lập, nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ. Ngành cũng xây dựng chương trình kế hoạch đáp ứng yêu cầu đầu ra giáo dục mầm non phù hợp với thực tiễn và tính khả thi của địa phương.

Một trong những chủ trương quan trọng của ngành Giáo dục là tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, cộng đồng trong lập kế hoạch, triển khai, xây dựng môi trường chăm sóc giáo dục trẻ. Với sự quan tâm, chỉ đạo bài bản, sát thực tiễn nên ngành Giáo dục mầm non, đơn vị trường học có sự chuẩn bị, chủ động trong thực hiện kế hoạch từng năm học. Sẵn sàng các giải pháp khi có tình huống phát sinh, đặc biệt là trong thời điểm toàn tỉnh đang nghỉ học phòng dịch bệnh như hiện nay. - Ông Thái Văn Thành

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh giác với dòng rip

GD&TĐ - Dòng rip là luồng nước mạnh chảy vuông góc từ bờ ra biển. Hiểu nôm na, đó là một dòng nước chảy xiết nhưng bằng mắt thường rất khó phát hiện.
Ảnh minh họa.

Cân nhắc khi học trung cấp y

GD&TĐ - Bộ Y tế thông báo không cấp giấy phép hành nghề đối với y sĩ trình độ trung cấp sau ngày 31/12/2026.
Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Võ Trường Toản (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Ảnh NTCC

Hiểu đúng về giai đoạn tiền Tiểu học

GD&TĐ - Nhiều gia đình tìm các lớp học tiền tiểu học nhằm học trước kiến thức mà quên việc quan trọng là trang bị tâm thế, kỹ năng để bắt nhịp với cấp học mới.