Chỉ biết, chuyện thời Hai Bà Trưng, cuốn sử Trung Quốc là “Hậu Hán thư” đã ghi lại chuyện hôn nhân của bà Trưng Trắc rằng “Trưng Trắc là con gái Lạc tướng huyện Mê Linh, gả cho làm vợ Thi Sách người Chu Diên”. Như vậy, chuyện cưới gả đã xuất hiện cách đây hai nghìn năm.
Theo “Đại Việt sử ký ngoại kỷ toàn thư” được Ngô Sĩ Liên biên soạn từ thời Lê, bổ sung phần họ Hồng Bàng vào chính sử mà Lê Văn Hưu đời Trần chưa chép, thì thủy tổ nước ta xuất hiện từ những cuộc hôn nhân, từ Đế Minh lấy con gái Vụ Tiên mà sinh ra Kinh Dương Vương. Kinh Dương Vương lấy Thần Long, con gái của Động Đình Quân sinh ra Lạc Long Quân… Sách “Đường kỷ” cũng nói hai dòng dõi Kinh Xuyên và Động Đình này thông gia với nhau từ nhiều đời.
Mặc dù vậy, theo truyền thuyết về họ Hồng Bàng được ghi lại trong “Lĩnh Nam chích quái”, được cho là của tác giả Trần Thế Pháp, danh sĩ thời Trần, biên soạn, nói về mối hôn phối giữa Lạc Long Quân và Âu Cơ, chỉ nói Long Quân đón Âu Cơ về cùng ở chứ không nói đến cưới xin.
Cũng trong truyện này cho biết, sau khi Hùng Vương đầu tiên làm vua, dân ta mới bắt đầu biết trồng lúa nếp, nướng cơm lam, dệt áo mặc... Việc cưới hỏi giữa nam nữ khi đó trước hết lấy gói muối làm lễ vật đi hỏi, sau đó mới giết trâu dê làm đồ lễ, lấy cơm nếp để vào phòng cùng ăn, rồi mới thành thân. Đây là lúc chưa có trầu cau.
Trong khi đó, cũng theo truyền thuyết về Sơn Tinh, Thủy Tinh, chúng ta mới được biết những câu chuyện về cưới hỏi, thách cưới, sính lễ, rước dâu được đề cập cụ thể. Kết thúc thời các vua Hùng cũng là một câu chuyện về hôn nhân, khi người con trai là Trọng Thủy lại đến ở rể tại nhà của An Dương Vương để gây ra câu chuyện bi thảm về sau.
Đó cũng chỉ là những truyền thuyết về hôn phối của tầng lớp quý tộc. Còn trong dân gian, câu chuyện được ghi trong “Đại Việt sử ký ngoại kỷ toàn thư” là thời nhà Tây Hán đô hộ nước ta, cử Nhâm Diên làm thái thú (khoảng năm 35), cho biết tục lệ cưới xin nước ta lúc đó đã cần phải có sính lễ. Thấy những người dân nghèo không có sính lễ, Nhâm Diên đã yêu cầu từ trưởng lại trở xuống bớt bổng lộc ra để giúp đỡ, nên lúc đó đã diễn ra một “đám cưới tập thể” đầu tiên của nước ta, với 2.000 thanh niên lấy được vợ một lúc.
Do ân đức ấy, nên những người dân nước ta đẻ con sau đó đều đặt tên con là Nhâm để ghi ơn.
Sau hàng nghìn năm Bắc thuộc, ảnh hưởng Nho giáo, phong tục cưới xin của nước ta cũng chịu những ảnh hưởng của Chu Lễ, tất nhiên có những điều chỉnh để phù hợp với đặc thù riêng, như lễ vật luôn có mâm trầu cau.
Có thể thấy, ở mệnh lệnh vua Lê Thánh Tông ban hành năm Hồng Đức thứ 9 (1478), quy định nghi lễ hôn nhân giá thú. Các nghi lễ đó là: “Khi lấy vợ, trước hết phải nhờ mối lái đi lại bàn định, rồi sau mới định lễ cầu thân; lễ cầu thân xong, rồi mới bàn việc dẫn cưới; dẫn cưới xong, rồi mới chọn ngày lễ đón dâu. Ngày hôm sau, con dâu chào cha mẹ chồng, ngày thứ ba đến làm lễ ở nhà thờ, phải theo đúng trình tự các nghi thức tiết văn đã ban xuống mà thi hành”.
Theo ghi chép trong “Đại Việt sử ký toàn thư” thì vua Lê Thánh Tông phải chấn chỉnh nghi lễ, vì trước đó, có hiện tượng “nhà trai đã dẫn lễ cưới rồi còn để qua 3, 4 năm sau mới cho đón dâu”.
Trước thời Lê, nhà Trần từ vua đến tôi vốn có đời sống rất phóng khoáng, nên chuyện cưới xin rất khác thường. Nhà Trần được nước từ một đám cưới “kín” trong cung cấm, và vua quan đều kết hôn với người ngay trong họ gần.
Việc hôn lễ trong hoàng tộc nhà Trần không giống một triều đại nào, mà chuyện Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn lấy vợ là tiêu biểu. Đó là chuyện năm 1251, khi vua Trần Thái Tông đem Trưởng công chúa Thiên Thành (em vua) gả cho Trung Thành vương. Từ ngày 15 tháng 2, vua cho mở đại hội 7 ngày đêm, bày các đồ về lễ “kết tóc” và các trò chơi, cho người trong triều ngoài nội chơi xem, và cho công chúa đến nhà Nhân Đạo vương là cha của Trung Thành vương từ trước.
Nhưng Trần Quốc Tuấn vốn đã yêu công chúa Thiên Thành, muốn lấy nàng mà không được nên ban đêm đã lẻn vào ở cùng công chúa. Việc này khiến mẹ nuôi của ông là công chúa Thụy Bà phải nửa đêm gõ cửa điện vua cầu cứu. Sáng hôm sau, công chúa Thụy Bà dâng lễ vật 10 mâm vàng sống để xin cho Trần Quốc Tuấn được lấy công chúa Thiên Thành, còn vua Trần Thái Tông phải đem 2.000 khoảnh ruộng ở phủ Ứng Thiên để trả lại sính lễ cho Trung Thành vương.
Bàn luận chuyện này, Ngô Sĩ Liên, sử quan nhà Lê – triều đại rất trọng Nho giáo – đã phê bình rằng: Con gái vua đi lấy chồng, thì phải nhờ chư hầu đứng làm chủ hôn. Vậy mà vua Trần Thái Tông cho công chúa về nhà Nhân Đạo vương từ trước, thì hóa ra lễ cưới không có ai đứng làm chủ hôn sao?
Chuyện lễ vật cưới xin liên quan đến tham nhũng được thể hiện rõ nét ở thời Lê Nhân Tông, năm 1448. Lúc đó, vua còn quá bé, quyền thần lấn lướt, nên đại thần như Thái úy Lê Thụ có thể tác oai tác quái.
Lê Thụ xin cho con là Lê Quát được lấy Vệ Quốc trưởng công chúa, chị gái vua, dù công chúa mới có 10 tuổi. Lễ cưới này thì có đại thần là Tư khấu Trịnh Khắc Phục đứng ra làm chủ hôn. Tuy nhiên khi Lê Thụ sắm lễ cưới, thì những kẻ cầu tiến đạt đua nhau đem cúng của cải để mong phú quý, đến mức “Toàn thư” ghi rằng “các thứ gấm thêu lĩnh là vóc lụa ở hàng phố bán hết nhẵn”. Lê Thụ còn bắt các quan trấn lộ huyện phải biện đủ trâu dê các thứ…
Trong đời sống dân gian thời Lê, phong tục cưới xin của người dân Việt Nam được các tác giả phương Tây là Samuel Baron, trong cuốn “Mô tả Vương quốc Đàng Ngoài” và Jean-Baptiste Tavernier, trong cuốn “Tập du ký mới và kỳ thú về Vương quốc Đàng Ngoài” ghi lại cụ thể. Dù chúng ta đã đọc nhiều về những phong tục này, nhưng nhìn theo góc nhìn của người nước ngoài, cũng nhận ra nhiều điều thú vị.
Theo đó, người dân Đại Việt (cụ thể là người dân Đàng Ngoài thời Lê mạt) không thể cưới hỏi nếu không có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người gần gũi thân thích nhất. Khi người con trai đến tuổi 16, 18 hay 20, cha mẹ anh ta sẽ lên kế hoạch gả vợ cho con, bằng cách đánh tiếng cho cha mẹ cô gái mà họ đã lựa chọn, sau đó gửi lễ vật gồm một hộp trầu têm 100 miếng, một vò rượu mạnh, một con lợn sống; chỉ khi lễ vật được đem tới thì mọi sự mới hanh thông… Nếu cha mẹ cô gái không đồng ý, họ thường mượn cớ thoái thác rằng con gái mình vẫn còn nhỏ dại, chưa thể nào gánh vác được việc nhà cửa, còn lễ vật thì đương nhiên họ phải gửi lại để nhà trai mang về.
“Trường hợp nhà gái bằng lòng gả con cho người con trai kia thì họ sẽ nhận lễ vật, bày tỏ sự ưng thuận với lời dạm ngõ của nhà trai. Rất nhanh chóng, chẳng cần lễ nghi gì nhiều, đôi bên định ngày lành tháng tốt để tổ chức đám cưới. Trong thời gian chờ đến ngày cưới, nhà trai thường xuyên gửi quà cáp thăm hỏi cô gái, nhưng cặp trai gái lại không được phép nói chuyện với nhau nhiều”.
“Đến ngày cưới, hai nhà tổ chức một bữa tiệc phù hợp với điều kiện và khả năng của cha mẹ đôi trẻ và thường kéo dài không quá một ngày. Nghi lễ đám cưới diễn ra như sau: Vào ngày trước hôm đám cưới, chú rể tùy theo khả năng của mình mang đến nhà cô dâu vàng bạc hoặc tiền (thường thì càng nhiều càng vinh dự) cùng sính lễ đã chuẩn bị sẵn, sau khi trao xong chú rể về nhà nghỉ ngơi. Sáng ngày cưới, cô dâu mặc bộ trang phục đẹp nhất và đeo lên người các món trang sức như dây chuyền vàng, vòng vàng. Cha mẹ, họ hàng cùng người hầu đều sẵn sàng đưa dâu về nhà chồng. Đoàn đưa dâu mang theo tất cả của hồi môn của cha mẹ cho và đồ sính lễ của chú rể…”, Baron mô tả.
Việc hôn nhân của nhân dân, thời Lê và thời Nguyễn đều được quy định cụ thể trong Hình luật. Riêng lệ cưới, dưới thời Nguyễn, vào năm Tự Đức thứ 17 (1864), triều đình đã định rõ lại lễ cưới xin của dân gian. Theo đó, từ lễ vấn danh đến khi xin cưới, cho kỳ hạn là 6 tháng, đều phải tiết kiệm, không được quá xa xỉ. Tiền nộp cheo, thì người giàu 1 quan 2 tiền, người vừa 6 tiền, người nghèo 3 tiền, ở làng khác thì phải nộp gấp đôi.