Thời xưa học bằng những sách gì?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chúng ta thường nghe sĩ tử thời xưa học tập qua các sách kinh điển của Nho giáo, như Tứ thư, Ngũ kinh. Ngoài ra, họ còn học những sách gì nữa?

Bản được in thành sách Tam Tự Kinh thời phong kiến.
Bản được in thành sách Tam Tự Kinh thời phong kiến.

Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, vào đời Lê, năm 1435, vua Lê Thái Tông cho in khắc ván bộ sách “Tứ thư đại toàn”. Còn thời Lê Thánh Tông, qua lời tâu của Thượng thư bộ Lễ kiêm Tả Xuân phường Tả trung doãn Quách Đình Bảo, ta cũng biết thêm một số loại sách ban xuống cho các phủ để sĩ tử học tập: “Trước đây, hằng năm sách công ban xuống cho các phủ ở ngoài như Tứ thư, Ngũ kinh, Đăng khoa lục, Hội thí lục, Ngọc đường văn phạm, Văn hiến thông khảo, Văn tuyển, Cương mục, cùng các loại sách thuốc. Nhưng có khi phủ quan tham ô, tư tiện giữ riệt lấy làm sách tư của mình, không hề giao cho học quan và y quan, rất là trái lệ. Vì thế xin tâu bày: Hiến ty các xứ hãy kiểm soát các phủ trong hạt mình, nếu thấy những sách nói trên mà quan bản phủ cố tình giữ riệt, sách học không giao cho học quan, sách thuốc không giao cho y quan, thì cứ thực tình tâu hặc lên, giao cho Hình bộ trị tội”. Lời tâu của vị Thám hoa, thành viên Hội Tạo Đàn được vua y theo.

Theo lệ cũ, thì triều Lê thi tuyền lại viên bằng các môn ám tả (chép chính tả), nghĩ của bản kinh và Tứ thư, viết chữ và làm toán.

Nói chung suốt thời Lê, các sách học của các nho sinh đều dùng Tứ thư, Ngũ kinh. Đời vua Lê Thuần Tông, năm Long Đức thứ 3 (1734) triều đình giao cho các quan ở Quốc Tử Giám hiệu đính kiểm duyệt Ngũ kinh theo bản khắc văn của Trung Quốc rồi khắc thành sách, ban bố cho các nơi trong nước, để theo đấy mà dạy bảo học trò, cấm mua sách của Trung Quốc. Chúa Trịnh lúc đó là Trịnh Giang đã sai Nguyễn Hiệu, Phạm Khiêm Ích chia nhau khắc các bản Tứ thư, Chư sử, Thi lâm và Tự vị ban hành trong toàn quốc. Như vậy, vào thời này, việc in ấn kinh sách ở Thăng Long đã có thể đủ cung cấp cho học sinh cả nước, không phải nhập sách từ Trung Quốc nữa.

Sang đến triều Nguyễn, tháng 5 năm Minh Mạng thứ 4 (1823), triều đình mới định quy trình cho Tập thiện đường (nơi các hoàng tử, vương tôn học). Hữu tham tri Bộ Hình sung Giáo đạo (thầy dạy vua) Ngô Đình Giới tâu rằng: “Việc học của vương công và việc học của học sinh khác nhau. Về phép học thì sách vở đã chép đủ, từ khi bọn thần nhận chức đến nay, ngày tìm các sách cũ, hoặc trích lấy các câu vặt ở văn đời Thanh, hoặc xen thêm ý kiến của mình, tùy nghi lập tắc để xây dựng nền tảng dạy trẻ buổi đầu. Còn như việc tròn thành đức tốt, thì sách vở rõ ràng, không thể kể hết. Nay xin định quy trình giảng học tất cả 11 điều”.

Trong các điều tâu của Ngô Đình Giới, thì về sách giảng học, ông dựa theo bài tựa “Lạc thiện đường toàn tập” của vua Thanh Cao Tông ngự chế, viết rằng: “Ta sinh, 9 tuổi mới đọc sách, 14 tuổi học làm văn, nay đã 20 tuổi, trong khoảng ấy sớm hôm theo học thì có Tứ truyện, Ngũ kinh, Tính lý, Cương mục, Đại học diễn nghĩa, Cổ văn uyên giám”. Vị Giáo đạo cho rằng, các sách ấy ghi chép đầy đủ những điều chứa kín của thánh hiền, những việc chính sự của các đời, trong học đường đều nên đem mà giảng.

Còn về các sách trích yếu kinh sử, Ngô Đình Giới phân tích: “Tứ truyện, Ngũ kinh từ đời Tống trở xuống, sau khi đã qua các bậc chân nho nêu nghĩa rõ ràng, thì số quyển giảng giải chú thích rất nhiều, trâu kéo cũng mệt. Trong đó có bộ thuần tuý, có bộ bác tạp. Sử thì ngoài bộ Tư trị thông giám của Ôn công (tức Tư Mã Quang) và bộ Cương mục của Chu tử (Chu Hi), những tập trích tuyển số lượng rất nhiều, mà lấy bỏ không giống nhau, khen chê cũng đều khác, phi người học thâm thuý thì không thể cứu xét ý chỉ mà hợp nhất các thuyết. Cho nên, các vua nhà Đại Thanh nhiều lần sai nho thần hội đồng sửa soạn làm thành sách riêng của một đời, gọi là các sách Khâm định, Ngự định, Ngự toản, Ngự phê, đều lấy trí của mọi người mà thành sách và theo sự định chính ở bề trên, ý nghĩa nhất định, có chỗ theo”.

Do đó, vị Giảng quan tâu xin việc dạy học cho các hoàng tử như sau: Ngày thì giảng Tứ thư giải nghĩa, ngày thì giảng Thư kinh giải nghĩa, ngày thì giảng Lễ ký giải nghĩa, ngày thì giảng Xuân Thu giải nghĩa, ngày thì giảng Dịch kinh giải nghĩa, Ngự toản thi nghĩa chiết trung, Ngự định Hiếu kinh, Tập chú Hiếu kinh, Ngự phê lịch đại thông giám tập lãm, định làm sách giảng luận, ban cho các vị học tập. Còn các sách Ngự toản Chu dịch chiết trung, Khâm định Thi thư Xuân Thu truyện thuyết vựng toản, Khâm định tam lễ nghĩa sớ, Ngự phê Tư trị thông giám cương mục, Ngự toản Xuân Thu trực giải, Ngự toản Chu dịch thuật nghĩa, thì xin chứa ở học đường để tra cứu. Đến như các sách học thường của dân gian, như Ngũ kinh Tứ thư và các sách Cương giám, Thiếu vi, đều là sách riêng của một nhà, có chú ý khác nhau, xin để làm sách bị khảo, không đem giảng học.

Ngô Đình Giới cũng đề ra thứ tự các sách giảng đọc cho các hoàng tử như sau: “Bắt đầu học Tiểu học; xong rồi tiếp đến Tứ thư, học xong thì theo thứ tự giảng Ngũ kinh, xen lẫn với sử. Phàm sách kinh sách thư, giảng đến thiên nào, cần phải gấp sách đọc lại bản văn cho thuộc làu, khiến cho thấm nhuần lời nói của thánh hiền. Sử thì chép việc làm ở các đời, chỉ cốt học cho rõ sự tích thì thôi, bất tất gấp sách đọc thuộc”.

Hạn lệ ngày học cũng được ông quy định: Ngày lẻ học Tứ thư hoặc Ngũ kinh, trước học ý nghĩa chính văn, sau đến lời chú để phát minh thêm. Ngày chẵn thì học sử, tách bạch ý nghĩa, khiến cho sự tích các đời cùng ý tứ sâu xa của sử gia đều được hiểu biết. Như lại muốn hiểu hết chế độ một đời và sự tích người làm tôi thì có Nhị thập nhất sử (các bộ sử các đời, từ Sử ký đến Minh sử) và Tam thông loại thư (Các sách Thông điển, Thông chí, Văn hiến thông khảo), các sách ấy có thể tham khảo lẫn nhau. Còn các sách tiểu thuyết, diễn kịch ở hàng phố bán thì Ngô Đình Giới đề nghị không nên cho các hoàng tử để mắt mà đãng tâm trí. Các điều tâu của ông đều được vua Minh Mạng khen phải.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.