Lễ ban lịch thời xưa

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thời xưa ở Việt Nam, cứ đến đầu tháng Chạp âm lịch, triều đình tổ chức lễ “Ban Sóc” (ban lịch) cho các quan và các địa phương.

Tái hiện lễ Ban Sóc tại Kinh thành Huế.
Tái hiện lễ Ban Sóc tại Kinh thành Huế.

“Sóc” là ngày đầu của tháng âm lịch (ngày mồng Một, còn Vọng là ngày Rằm). Do đó, chữ Sóc cũng được dùng để chỉ lịch.

Các nước Đông Á đều chú trọng nông nghiệp, nên rất cần có lịch để tính mùa màng, thời vụ. Bộ lịch chính thống cũng mang ý nghĩa về tầm ảnh hưởng của một triều đại, các nước trung tâm hay hoàng đế mới được ban lịch cho các chư hầu, và chỉ vua mới được ban lịch cho các địa phương, phiên thần.

Thời Lê trung hưng, chúa Nguyễn ở Đàng Trong tuy độc lập về nhiều mặt nhưng vẫn không xưng vương, vẫn dùng niên hiệu của vua Lê và dùng lịch của nhà Lê. Phải đến cuối thời gian chiến tranh giữa nhà Tây Sơn và Chúa Nguyễn, sau khi chúa Nguyễn Ánh xưng vương đầu năm 1780 ở Gia Định, sử triều Nguyễn, bộ “Đại Nam thực lục” cho biết, tháng 12 năm đó, vị chúa này đã tiến hành ban lịch năm sau cho bề tôi, gọi là lịch Vạn Toàn.

Cuối năm 1790, chúa Nguyễn Ánh tổ chức ban lịch cho bề tôi vào ngày 28 tháng Chạp. Sử ghi: “Nhà vua dâng lịch ở Thái miếu, dâng lịch vào Nội. Đầu giờ thìn, vua ngự ở gác Triêu Dương. Quan Hộ bộ đến trước quỳ tâu rằng: “Năm mới ban lịch, chúc mừng hoàng thượng muôn tuổi”. Lễ bốn lạy, vái, đứng dậy ra. Phụng chỉ truyền ban lịch.

Hộ bộ truyền cho thuyền kiệu Thủy quân bưng hai tráp lịch đặt ở trên án gian chính giữa. Quan Hộ bộ quỳ tâu rằng: “Phụng chỉ ban lịch năm mới cho các văn võ thần liêu”. Lễ bốn lạy, vái, đứng dậy ra. Hoàng tử và các quan văn võ đến trước lễ bốn lạy. Lễ xong, vua ngự vào Nội. Các quan đều lui ra”.

Sau khi thắng nhà Tây Sơn và đặt niên hiệu, cuối năm Gia Long thứ nhất (1802), nhà vua cũng làm lễ dâng lịch Vạn Toàn ở Thái miếu, rồi “ban lịch mới cho trong ngoài”. Đến năm Gia Long thứ 5 (1806), triều Nguyễn quy định lễ ban lịch Vạn Toàn sẽ diễn ra vào ngày 1 tháng Chạp hàng năm.

Năm 1809, vua Gia Long thấy Gia Định thành và Bắc Thành mỗi năm quan lịch từ Kinh ban ra, phu trạm vận chuyển khó nhọc, nên chuẩn định cho hai thành mỗi năm cứ đến thượng tuần tháng 4 đều ủy cho ty Chiêm hậu về Kinh lĩnh bản thảo lịch sang năm, đem về viết rõ rồi khắc in.

Đến thượng tuần tháng 10 lại cử người đem bìa lịch vào cho Khâm Thiên giám đóng ấn. Vua lại thấy từ Bình Hòa (Khánh Hòa) trở ra, từ Thanh Hóa trở vào, theo lệ cũ thì cứ đến ngày mồng 1 tháng Chạp ban lịch, rồi sau đó các bộ thần mới gửi đi, bèn hạ lệnh cho các dinh trấn từ nay ủy người đến lĩnh, đến ngày ấy ban cấp một loạt.

Lịch Vạn Toàn, đến tháng Chạp năm 1812, đổi tên thành lịch Hiệp Kỷ. Nghi thức của lễ Ban Sóc được định lại vào tháng Chạp năm Minh Mạng thứ 21 (1840). Theo đó, trước lễ Ban Sóc một ngày, ty có chức trách đặt một cái án vàng ở chính giữa trước Ngọ môn, lại đặt 1 cái bàn vàng ở phía Nam cái án vàng, trên che lọng vàng; hai bên tả hữu sân đặt 4 cái tán vàng; đặt chỗ đứng lạy của các hoàng tử có tước công, hoàng tử, các tước công, và quan văn võ từ tam phẩm trở xuống, đặt vị đứng lạy ở phía Nam cầu Kim Thủy. Ở viện Tả đãi lậu, quan chính giữa đặt một cái long đình.

Đến buổi sớm ngày Ban Sóc, hoàng tử tước công, hoàng tử, các tước công, văn võ trăm quan đều mặc triều phục theo thứ tự đứng hầu ở ngoài cửa Ngọ môn. Một viên Khâm Thiên giám bưng hòm đựng lịch vẽ rồng đứng đợi ở ngoài ban bên trái và đặt quan lịch ở trên cái bàn vàng, rồi một viên bưng hòm đựng lịch vẽ rồng đặt lên trên cái long đình ở viện Tả đãi lậu, đồ nghi trượng và nhã nhạc đứng xếp hàng 2 bên tả, hữu trước sân Ngọ môn. Phía Nam cầu Kim Thủy, hai bên dàn bày cờ, giáo, tán, lọng, gươm dài và một dàn nhã nhạc. Một viên Nội các mặc triều phục đứng đợi ở chái bên Đông điện Cần Chính. Một viên quan truyền Chỉ cũng mặc triều phục đứng đợi ở chái bên Đông lầu Ngọ môn.

Bắt đầu lễ, viên quan ở ty bộ Lễ xướng: “Hành tiến lịch lễ”, quan quản lý ở Khâm Thiên giám đem thuộc viên chiếu theo thứ tự đứng xếp hàng rồi đều quỳ xuống. Viên ở Khâm Thiên giám bưng hòm đựng lịch vẽ rồng đi rảo bước đến bên cạnh quản lý rồi quỳ xuống, trao hòm cho quan quản lý tiếp nhận, bưng giơ cao lên trán, xong rồi lại trao trả viên bưng trước đem để lên trên án vàng, rồi đi rảo ra. Từ quan quản lý trở xuống đều làm lễ 5 lạy, xong rồi, quân của vệ Loan nghi khiêng án vàng ấy theo cửa giữa Ngọ môn đi vào, nhã nhạc nghi trượng dẫn trước, tán, lọng giương che, quan quản lý đem thuộc viên đi theo sau.

Qua cầu Trung Đạo chuyển sang phía Đông, theo cửa Nhật Tinh đến cửa Đại Cung, án vàng theo cửa giữa đi vào, đến sân điện Cần Chính, đặt án vàng ở dưới thềm giữa. Một viên Nội các từ chái bên Đông đi rảo đến thềm giữa, theo phía bên trái đi xuống. Một viên Khâm Thiên giám bưng hòm đựng lịch vẽ rồng trao cho viên Nội các tiếp nhận, rồi chuyển giao cho cung giám đệ vào trong cung.

Trước đây, cung tiến lịch vẽ rồng, qua cầu Trung Đạo, đến chỗ đường lát gạch bên trái thềm rồng, quan truyền chỉ theo chái bên Đông lầu Ngọ Môn, đi rảo đến bên tả gian chính giữa đứng ngoảnh mặt về phía Nam, tuyên lên rằng “có chỉ”, rồi lại chuyển đứng ngoảnh mặt về phía Tây. Trăm quan đứng vào ban rồi, đều quỳ xuống.

Quan tuyên Chỉ lại đứng ngoảnh mặt về phía Nam tuyên rằng: “Lịch năm Tân Sửu đã xong, ban cho trong Kinh và ngoài các tỉnh”. Tuyên xong đi rảo ra. Trăm quan làm lễ tạ ơn, rồi chia ban. Một viên Lễ bộ, một viên Khâm Thiên giám, đều mặc triều phục tới viện Tả đãi lậu, đem vệ Loan nghi khiêng long đình để hòm lịch vẽ rồng đến cửa Tiên Thọ, theo cửa phía trái chuyển giao cho cung giám tiếp lĩnh dâng lên.

Sau đó, một viên ở Hộ bộ, một viên ở Khâm Thiên giám, đều mặc triều phục sức cho vệ Loan nghi khiêng bàn vàng để quan lịch, đến nhà Duyệt Thị, chuyển giao cho cung giám dâng vào trong đại nội. Ngày hôm ấy văn võ trăm quan đều tới viện Tả đãi lậu để lĩnh quan lịch về phần mình; phủ Thừa Thiên gọi họp nhân viên 6 huyện, chiếu lĩnh quan lịch của hạt mình, cấp phát cho các xã dân trong Kinh kỳ, từ đó về sau ghi làm lệ mãi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ