Ngày Thơ Việt Nam 2019: Tạo được chiều sâu cuốn hút

GD&TĐ - Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 17 - 2019 kéo dài từ ngày 15 - 21/2 với quy mô lớn và nhiều sự kiện nổi bật, góp phần thay đổi diện mạo văn chương Việt trong thời hội nhập. Đặc biệt, Ngày Thơ năm nay còn có sự tham dự của 190 nhà thơ, văn, dịch giả đến từ 46 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tiết mục chào mừng lễ khai mạc Ngày Thơ Việt Nam 2019
Tiết mục chào mừng lễ khai mạc Ngày Thơ Việt Nam 2019

Tưng bừng và hấp dẫn

Sáng ngày 17/2 (tức 13 tháng Giêng), mặc thời tiết mưa gió, các thi nhân mặc khách chung niềm đam mê thơ ca trong và ngoài nước vẫn đổ về Văn Miếu – Quốc Tử Giám dự chương trình khai mạc Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 17.

Theo lý giải của BTC, Ngày Thơ 2019 không khai mạc vào ngày rằm tháng Giêng như truyền thống mà dời sang ngày 13 tháng Giêng để sự kiện diễn ra vào ngày nghỉ cuối tuần, tạo điều kiện cho những người yêu tham dự sự kiện văn chương ý nghĩa này. Chính vì vậy, đã có hai sự kiện lớn được tổ chức trước ngày khai mạc. Đó là Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ tư và tọa đàm “Trên đôi cánh thơ ca” xoay quanh nội dung Văn học Việt Nam - Sức sống của một dân tộc yêu hòa bình giữa các nhà thơ Việt và quốc tế với giảng viên, và sinh viên hai trường Đại học Văn hóa và Sư phạm Hà Nội.

Các nhà thơ quốc tế tham dự giao lưu, tọa đàm “Trên đôi cánh thơ ca”
  • Các nhà thơ quốc tế tham dự giao lưu, tọa đàm “Trên đôi cánh thơ ca”

“Sông núi trên vai” hướng về biên cương Tổ quốc và kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17/2/1979 - 17/2/2019) được chọn là chủ đề cho Ngày Thơ năm nay. Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: Với chủ đề “Sông núi trên vai”, chúng tôi muốn gửi một thông điệp tâm huyết đến công chúng yêu thơ cả nước, đó là: Các nhà thơ đặt lợi ích của Tổ quốc, của dân tộc, nhân dân lên trên hết. Tổ quốc và nhân dân là cảm hứng, niềm say đắm và thăng hoa và trách nhiệm của các nhà thơ Việt Nam.

Các bài thơ bám sát chủ đề “Sông núi trên vai”, không chỉ bó hẹp nội dung đề tài về cuộc chiến bảo vệ biên giới, mà còn có thể hiểu theo nghĩa rộng, về tình yêu đất nước, vai trò, trách nhiệm của các nhà thơ và tinh thần bảo vệ Tổ quốc trong thơ ca. Nhà thơ Anh Ngọc mở đầu sân thơ bằng bài thơ “Sông núi trên vai” trích trong Trường ca cùng tên ông sáng tác năm 1977.

Đêm thơ quốc tế với sự tham gia của nhiều nhà thơ Việt và quốc tế sẽ diễn ra vào tối 18/2 tại TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh). Ngày 19/2, lễ khai mạc Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 17 sẽ diễn ra tại Xương Giang (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) với sự tham gia của nhiều CLB thơ và đoàn nghệ thuật dân gian đến từ các huyện, thị xã trong toàn tỉnh. Lễ bế mạc Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV, Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III và Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 17 sẽ được tổ chức vào tối 20/2 tại Hà Nội. 

Trong cảm hứng về thơ ca, đề tài về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã trình diễn bài thơ “Tổ quốc nơi biên thùy”. Bài thơ được ông hoàn thành vào ngày giỗ trận Vị Xuyên 12/7/2016, trong chuyến công tác cùng Hội Nhà văn Việt Nam lên Hà Giang. Ông xúc động chia sẻ: “Năm 2009, ngay khi tôi giới thiệu bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” đã nhận được những phản hồi tích cực, điều đó cho thấy, giới trẻ không thờ ơ với những vấn đề của dân tộc, họ đón nhận mảng thi ca yêu nước một cách tích cực. Mảng đề tài biên giới, hải đảo, về tình yêu quê hương, đất nước luôn cuộn xoáy tâm tư, khiến tôi luôn bồn chồn thao thức về những nỗi đau thương, mất mát của chiến tranh mà đất nưóc liên tục phải chịu đựng…”.

Tại sân thơ truyền thống, các nhà thơ đến từ Mỹ, Ấn Độ, Thái Lan, Nam Phi, Lào, Hàn Quốc, Nepan... đã hòa vào dòng sông thi ca với những sáng tác thể hiện tinh thần dân tộc, trách nhiệm với công cuộc bảo vệ Tổ quốc, ca ngợi quê hương, tình yêu, ước mơ tương lai của mình,

Nhà thơ, nhà báo Đỗ Huy Chí chia sẻ: Những năm trước các hoạt động chỉ tập trung diễn ra trong một, hai ngày, các sân thơ cùng khai mạc vào thời điểm cao trào nên các nhà thơ và những người yêu thơ không thể tham gia, không được thưởng thức được hết tất cả các hoạt động toàn diện của Ngày Thơ. Năm nay, cách đổi mới trong khâu tổ chức và thiết kế sự kiện liên hoàn nhưng tách riêng sẽ tạo điều kiện để các nhà thơ, nhà văn và giới yêu văn chương tiếp cận tốt hơn, có góc nhìn đa chiều hơn…

Các nhà thơ quốc tế tham dự giao lưu, tọa đàm “Trên đôi cánh thơ ca”
 Các nhà thơ quốc tế tham dự giao lưu, tọa đàm “Trên đôi cánh thơ ca”

Khơi thông dòng chảy văn học Việt

Tại Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV và Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III, nhà thơ Laura Garvaglia (Italia) bày tỏ: “Chúng tôi trước đây chỉ biết Việt Nam là đất nước nơi hòa bình và quyền con người bị quên lãng vì các thế lực thù địch và xâm lược ngoại bang. Bây giờ, nhờ cây cầu kết nối bằng thơ ca chúng tôi hiểu biết hơn về một Việt Nam tươi đẹp đang phát triển, giàu giá trị lịch sử và văn hóa”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phấn khởi phân tích: “Mọi cuộc trao đổi, tìm hiểu qua tọa đàm, hội thảo hoặc giao lưu văn hóa cũng không thể bằng đọc trực tiếp tác phẩm, có những khái lược chân dung cơ bản của các tác giả. Nếu ở những hội nghị, liên hoan quốc tế trước, chúng ta chưa xuất bản được các tác phẩm song ngữ Việt - Anh để giới thiệu, quảng bá văn học thì năm nay đã biên soạn, hoàn thành được ba tác phẩm: “10 thế kỷ văn học Việt Nam” của Phong Lê, Tuyển tập thơ Việt Nam “Sông núi trên vai” gồm 44 tác giả và Tuyển tập truyện ngắn Việt Nam hiện đại “Một loài chim trên sóng” gồm 22 tác giả.

Nhà thơ Trần Ðăng Khoa, Nguyễn Quang Thiều cùng bày tỏ hy vọng, từ sự tiếp cận đời sống văn học Việt Nam của nhiều văn nghệ sĩ trên thế giới sẽ mở ra những kết nối thực tế, thiết thự, giúp các nhà văn Việt Nam đẩy mạnh hoạt động dịch thuật, xuất bản và đưa tác phẩm ra thế giới. Đây cũng là những bước đổi mới trong công tác tổ chức các sự kiện văn học, văn hóa liên hoàn; chuẩn bị các sản phẩm tiêu biểu, cụ thể để chuyên nghiệp hóa hoạt động quảng bá cho văn học Việt đạt hiệu quả trong hội nhập vào dòng chảy văn học thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ