Nâng cao kỹ năng của nguồn nhân lực Việt Nam
Như chúng ta đã biết, do tác động của cuộc cách mạng 4.0, của công nghệ thông tin, robot, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo… trong 10-15 năm tới, khoảng 40% lao động toàn cầu sẽ không có kỹ năng phù hợp với công việc của mình khi robot thay thế con người.
Để thích ứng với cách mạng 4.0, đến nay trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp(GDNN) Việt Nam, đã có hàng chục trường nghề có chương trình đào tạo nghề đạt chuẩn kiểm định uy tín của Mỹ, Anh, Pháp, Đức…
Mặc dù vậy, vấn đề kỹ năng lao động của Việt Nam vẫn cần thẳng thắn đánh giá về hiệu quả các mô hình để nhân rộng cũng như nhìn nhận chính xác các khó khăn vướng mắc để tìm ra nguyên nhân và khắc phục nó.
Bên cạnh đó, cần chia sẻ những kinh nghiệm hoặc đưa ra những kỹ năng trong tương lai với xu hướng tuyển dụng và việc làm. Đặc biệt khi dịch bệnh Covid – 19 đã ảnh hưởng đến nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động, đòi hỏi phải nâng cao kỹ năng của nguồn nhân lực Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trên trường quốc tế.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: Với thông điệp "Muốn phát triển bền vững và bao trùm, cần quan tâm phát triển kỹ năng, việc làm thỏa đáng và nền an sinh bền vững cho con người và doanh nghiệp đồng hành với nhà trường, tạo đột phá về quy mô và chất lượng GDNN, góp phần nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam", đây là một trong những hoạt động GDNN, với nội dung về kỹ năng lao động Việt Nam.
Vừa qua, đoàn công tác của Tổng Liên đoàn Lao động (TLĐLĐ) Việt Nam đã có buổi làm việc với Tổng cục GDNN về kế hoạch phát triển GDNN giai đoạn 2021 - 2025.
Buổi làm việc đã đưa ra kế hoạch triển khai đề án một cách cụ thể quy mô đối tượng công đoàn viên lao động cần chuyển đổi nghề, xu hướng những ngành nghề nào cần chuyển đổi và những giải pháp triển khai đào tạo đáp ứng được xu hướng chuyển đổi theo chiều ngang - tức chuyển đổi từ ngành nghề này sang ngành nghề khác và chuyển đổi theo chiều dọc - tức nâng cao cấp trình độ trong cùng một nghề.
Đồng thời kế hoạch phát triển GDNN 5 năm, bên cạnh các nội dung về đầu tư trang thiết bị, cần phải tính đến công tác kiểm định, đảm bảo chất lượng, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, phát triển kỹ năng nghề cho người lao động, tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông GDNN…
Trước hết là chính sách về đào tạo cần được thể hiện cụ thể hóa, sát với thực tiễn trong đề án chuyển đổi nghề cho người lao động của TLĐLĐ Việt Nam. Sau đó là chính sách sắp xếp lại mạng lưới và đầu tư cho các cơ sở GDNN thuộc TLĐLĐ Việt Nam.
Chungtay nâng cao kỹnăng lao động Việt
Và vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định lấy ngày 4/10 hằng năm là "Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam” và được tổ chức thống nhất trong toàn quốc nhằm hưởng ứng Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới hằng năm (15/7) được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 2014. Đồng thời kêu gọi cộng đồng trong nước hưởng ứng và ủng hộ phát triển kỹ năng lao động bằng các hành động cụ thể để nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đây là việc làm nhằm khích lệ tinh thần học tập, rèn luyện suốt đời để nâng cao kỹ năng, trình độ của học sinh, sinh viên và người lao động; tôn vinh và khẳng định vị thế, tầm quan trọng của người lao động có kỹ năng, nhất là người lao động có tay nghề cao, kỹ năng nghề nghiệp xuất sắc. Qua đó, thúc đẩy sự đồng hành, gắn kết của Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp và toàn xã hội trong phát triển kỹ năng cho người lao động thích ứng với bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, Ủy ban Trung ương MTTQVN, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức sự kiện "Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam" nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN, thực hiện các giải pháp đột phá mạnh mẽ gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia... là mục tiêu xuyên suốt những năm qua. Với phương châm xuyên suốt “Đoàn kết - Kỷ cương - Sáng tạo - Hiệu quả” trong chỉ đạo điều hành và thực hiện nhiệm vụ của Tổng cục GDNN (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã mang lại nhiều kết quả quan trọng.
Giai đoạn 2015 - 2020, nhận diện và nắm bắt được thời cơ, thuận lợi, lĩnh vực GDNN đã có những nỗ lực, vượt qua khó khăn, tiếp tục đổi mới và có bước phát triển quan trọng góp phần đạt được những kết quả nổi bật.
Theo đó, kết quả tuyển mới hằng năm tăng và vượt kế hoạch đề ra góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến hết năm 2019 đạt khoảng 62%; trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 24%.
Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp GDNN có việc làm và mức thu nhập ở mức cao (hơn 80%, một số ngành, nghề đạt mức 100%). Các điều kiện bảo đảm chất lượng GDNN được củng cố và tăng cường, tiếp tục xây dựng và ban hành các chuẩn trong GDNN; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng để đạt chuẩn...
Hiện nay cả nước có 1.917 cơ sở GDNN; tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã có trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng; đã quy hoạch mạng lưới trường nghề chất lượng cao và các nghề trọng điểm quốc gia, khu vực, quốc tế.
Đồng thời, gắn kết với doanh nghiệp được xác định là một trong ba khâu đột phá để đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN với nhiều hoạt động gắn kết với doanh nghiệp đã được triển khai. Cơ chế phối hợp ba bên: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp đang bắt đầu hình thành và vận hành tốt trong thực tiễn thông qua chương trình phối hợp công tác giữa Tổng cục GDNN với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), với các hiệp hội, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và ngoài nước.
Những kết quả quan trọng này đã góp phần đưa chỉ số chất lượng đào tạo nghề nghiệp tại Việt Nam tăng 13 bậc (xếp thứ 102 trong số 141 quốc gia, vùng lãnh thổ) tại báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI 4.0) năm 2019 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).
Năm 2020 là năm có ý nghĩa rất quan trọng để hoàn thành kế hoạch 5 năm và chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới của lĩnh vực GDNN, với mục tiêu tiếp tục đổi mới hướng tới tăng quy mô và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả đào tạo đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, nhất là những ngành, lĩnh vực trọng điểm, mũi nhọn. Do vậy cần sự chung tay của các cấp, các ngành để triển khai hiệu quả các chính sách phát triển GDNN, các Luật được ban hành.
“Ngày kỹ năng lao động Việt Nam” một lần nữa khẳng định chính sách đúng đắn của Đảng ta để tôn vinh, lan tỏa những giá trị của nhân lực có kỹ năng nghề tới giới trẻ và xã hội.