Ra mắt Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN

GD&TĐ - Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN chính thức ra mắt chiều nay (16/9) trong khuôn khổ hội nghị cấp Bộ trưởng Lao động và Giáo dục ASEAN về phát triển nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay.

Từ phải sang trái: Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn nút ra mắt Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN.
Từ phải sang trái: Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn nút ra mắt Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN.

Trả lời báo chí tại họp báo giới thiệu về hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về "Phát triển nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay”, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Trương Anh Dũng, cho biết: Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN sẽ tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ lớn.

Trong đó có nhiệm vụ đưa ra các khuyến nghị chính sách dựa trên các bằng chứng nhằm cải thiện hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Tăng cường hợp tác với doanh nghiệp và các nền công nghiệp nhằm cải thiện chất lượng giáo dục nghề nghiệp và khả năng thích ứng với yêu cầu thị trường lao động đang thay đổi.

Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN cũng có nhiệm vụ hỗ trợ các chương trình để thu hẹp khoảng cách cung cầu kỹ năng nghề trong ASEAN dựa trên cải thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, khai thác hệ thống này phục vụ phát triển giáo dục nghề nghiệp. Cải thiện cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là cải thiện kỹ năng kỹ thuật số để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cho nhóm yếu thế.

Hỗ trợ cho quan chức cấp cao về giáo dục, lao động trong xác định, thúc đẩy, giám sát thúc đẩy các chương trình liên quan đến phát triển nguồn nhân lực nói chung và phát triển giáo dục nghề nghiệp nói riêng. Xác định phản ứng toàn diện của ASEAN trước các vấn đề mới, đặc biệt là những thách thức tác động đến việc làm và tương lai việc làm thông qua các tham vấn với các cơ quan, tổ chức liên quan.

Cùng việc ra mắt Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN, hội nghị Bộ trưởng Lao động và Giáo dục ASEAN năm nay cũng tạo một dấu ấn quan trọng khi các Bộ trưởng phụ trách lao động và giáo dục của ASEAN cùng xem xét và thông qua lộ trình ASEAN về phát triển nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, đây là những nỗ lực nhằm kiện toàn về cả thế chế và định hướng, chiến lược thúc đẩy hợp tác ASEAN một cách hiệu quả hơn nữa trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực của khu vực và từng quốc gia.

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, chúng ta đang sống và làm việc trong một thời đại khi tiến bộ khoa học công nghệ đang có tác động sâu sắc lên mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị và xã hội của tất cả các nước. Ứng dụng công nghệ và số hóa là nhân tố góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, tạo điều kiện cho việc ra đời và phát triển các sản phẩm mới, các mô hình sản xuất kinh doanh mới, thị trường mới và cơ hội việc làm mới.

Nhưng đồng thời, đổi mới công nghệ cũng đặt ra không ít những thách thức do sự gia tăng tính phân đoạn trong quy trình sản xuất, làm xuất hiện các công việc đòi hỏi kiến thức và kỹ năng mới. Ngoài ra, thế giới việc làm cũng đang có những sự thay đổi sâu sắc trước nhữngtác động của biến đổi khí hậu, của xã hội già hóa, của dịch bệnh và đặc biệt là đại dịch Covid-19 đang diễn ra hiện nay.

Nhận thức được những cơ hội cũng thách thức đặt ra từ những tác động trên, các nước thành viên ASEAN đều nhận thấy phát triển nguồn nhân lực chính là chìa khóa để nâng cao năng suất lao động và nâng cao tính cạnh tranh của khu vực để phù hợp với một thế giới công việc đang đổi thay.

“Phát triển nguồn nhân lực cũng chính là một trong những mục tiêu lâu dài, là kim chỉ nam cho sự phát triển của Cộng đồng ASEAN như đã được ghi trong Hiến chương ASEAN. Trong điều kiện thế giới đang đổi thay nhanh chóng, ASEAN luôn xác định lấy con người là trung tâm của quá trình phát triển, bởi xét đến cùng thì tăng trưởng và phát triển bền vững cũng chính là để phát triển con người và vì con người.

Vì vậy, Việt Nam đã chọn phát triển nguồn nhân lực là một trong những ưu tiên của cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN, góp phần thúc đẩy phát triển của cộng đồng kinh tế, tăng cường khả năng chủ động thích ứng của ASEAN” – ông Đào Ngọc Dung phát biểu tại hội nghị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...