Ngành Giáo dục Quảng Trị chủ động ứng phó với bão số 8

GD&TĐ -Trước diễn biến của cơn bão số 8 (Kompasu), cùng với các ban ngành và nhân dân trong tỉnh, ngành Giáo dục Quảng Trị đã triển khai các biện pháp để ứng phó, nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Văn Đức - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa cho hay, là một trong những địa bàn xung yếu của tỉnh, thường xảy ra lũ quét và sạt lở sau mỗi đợt mưa bão. Vì thế công tác ứng phó với thiên tai luôn được các trường học trên địa bàn huyện chủ động trước mỗi mùa mưa bão đến. Tất cả các điểm trường đều xây dựng kế hoạch phòng chống lụt bão từ đầu năm học.

Trong đó, công tác tổ chức chằng chống lại phòng lớp, cắt tỉa cây cối… và tiến hành di dời các tài liệu, trang thiết bị dạy học, sách vở đến vị trí an toàn được gấp rút triển khai ngay khi có thông tin tỉnh nằm trong khu vực thuộc diện bị ảnh hưởng của cơn bão. Nếu mưa gió lớn, đơn vị sẽ cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Hiện ở địa bàn huyện có khu vực vùng Lìa (gồm các xã Ba Tầng, Thanh, Xy…) thường bị ngập ở điểm cầu tràn mỗi khi mưa lớn kéo dài, gây chia cắt giao thông. Do vậy, các thầy cô giáo ở đây sẽ theo sát, nắm bắt tình hình và thông báo cho các em học sinh nghỉ học khi xảy ra tình huống.

Còn đối với huyện Đakrông, ông Nguyễn Sỹ Huấn – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện này cho biết cũng đã nhận được công văn của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện về việc theo dõi chặt chẽ tin tức về cơn bão.

“Đối với các trường có học nội trú và bán trú, đơn vị đã chỉ đạo, yêu cầu phải đảm bảo an toàn cho học sinh khi ở lại. Còn với trường hợp học sinh không thể trở về nhà do đường bị ngập lụt, đơn vị cũng yêu cầu nhà trường bố trí nơi ở cho học sinh ngủ nghỉ lại. 

Nhìn chung, các điểm trường ở địa bàn nay đều kiên cố hóa và nằm ở vị trí cao ráo, chỉ có một đơn vị là Trường TH&THCS Ba Lòng (xã Ba Lòng) ở nơi trũng thấp nên thường xảy ra ngập lụt mỗi khi mưa lớn kéo dài. Vì thế, chúng tôi luôn sẵn sàng phương án sơ tán học sinh cũng như di dời tài sản ở đây đến nơi an toàn”, ông Huấn nói.

Trước diễn biến của thời tiết, trong chiều 13/10, Sở GD&ĐT Quảng Trị cũng đã có công văn số 2151/SGDĐT-VP gửi các đơn vị trực thuộc về việc triển khai ứng phó với cơn bão này và mưa lũ, trong đó có các yêu cầu như: tiếp tục theo dõi diễn biến của cơn bão và mưa lũ để chủ động phương án tổ chức dạy học, đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh; chủ động các biện pháp phòng tránh mưa ngập, giảm thiểu thiệt hại về cơ sở vật chất, công trình trường học, tài liệu…

Chủ động rà soát chuẩn bị sẵn sàng các phương pháp ứng phó trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ứng với các hình thế mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra. Đồng thời, cắt cử lãnh đạo và lực lượng xung kích trực ban nghiêm túc, chủ động nắm bắt tình hình và báo cáo kịp thời về Sở  để xử lý khi có tình huống.

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Trung Trung Bộ nối với cơn bão số 8, kết hợp với không khí lạnh tăng cường, nên từ ngày 12/10, tại Quảng Trị đã có mưa vừa và mưa to. 

Toàn tỉnh hiện có 2.312 tàu thuyền hiện đã được kêu gọi về nơi tránh trú an toàn. Diện tích lúa Hè Thu cơ bản đã thu hoạch xong, riêng tại 2 huyện miền núi Hướng Hoá và Đakrông còn  hơn 200 ha lúa của bà con đồng bào chưa thu hoạch.

Tỉnh đã xây dựng kịch bản sơ tán dân theo cấp độ 3 với 3 phương án cụ thể: di dân tránh bão, di dân tránh lũ, ngập lụt và di dân tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Trong đó ưu tiên phương án di dân khẩn cấp với hơn 1.700 hộ dân với hơn 6.200 nhân khẩu của 4 xã ven biển và huyện đảo Cồn Cỏ. Đặc biệt lưu ý đến di dân tại chỗ và xen ghép, đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.