Quảng Bình: Ngư dân neo đậu tàu, thuyền an toàn, tránh bão Kompasu

GD&TĐ - Để chủ động ứng phó với bão số 8 (cơn bão Kompasu) ngư dân tỉnh Quảng Bình đã đưa tàu, thuyền vào nơi tránh trú, neo đậu an toàn.

Ngư dân Quảng Bình chủ động đưa tàu, thuyền và ngư cụ vào khu vực neo đậu an toàn để tránh bão Compasu (Ảnh: H. T).
Ngư dân Quảng Bình chủ động đưa tàu, thuyền và ngư cụ vào khu vực neo đậu an toàn để tránh bão Compasu (Ảnh: H. T).

Theo dự báo, từ chiều hôm nay (13/10) đến ngày 14/10, do ảnh hưởng của bão khu vực tỉnh Quảng Bình có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 150-250mm/đợt, có nơi trên 250mm/đợt.

Từ ngày 16-18/10, trên các sông trong tỉnh có khả năng xảy ra một đợt lũ từ báo động 2 đến báo động 3.

Để bảo vệ tàu, thuyền và ngư cụ trước ảnh hưởng của bão số 8, các ngư dân tại Quảng Bình đã đưa tàu, thuyền lên bờ và đến khu vực an toàn để neo đậu.

Ngư dân dùng cần cẩu để đưa tàu, thuyền lên bờ nhằm tránh bão an toàn (Ảnh: H. T).
Ngư dân dùng cần cẩu để đưa tàu, thuyền lên bờ nhằm tránh bão an toàn (Ảnh: H. T).

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai (PCTT) và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) kiêm Phòng thủ dân sự (PTDS) tỉnh Quảng Bình yêu cầu các sở, ngành, địa phương rà soát, sẵn sàng triển khai phương án ứng phó thiên tai trong bối cảnh Covid-19, theo tình hình thực tế tại địa phương.

Khẩn trương rà soát, tổ chức sơ tán, di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, vùng ven biển, cửa sông, vùng có nguy cơ sạt lở trước khi bão, lũ xảy ra bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.

Bên cạnh đó, tập trung rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển, hướng dẫn di chuyển thoát ra và không đi vào vùng nguy hiểm (lưu ý cả các tàu du lịch, tàu vận tải, tàu vãng lai).

Tạo điều kiện cho tàu thuyền của các địa phương khác vào tránh trú trên địa bàn. Hướng dẫn neo đậu tàu thuyền, triển khai công tác đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại nơi tránh trú, không để tàu thuyền hư hỏng do va chạm khi neo đậu. Gia cố và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại đối với lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản.

Công nhân chở lồng đá gia cố các đoạn kè bị hư hỏng (Ảnh: H.T)
Công nhân chở lồng đá gia cố các đoạn kè bị hư hỏng (Ảnh: H.T)

Cùng với đó, sẵn sàng lực lượng, phương tiện triển khai phương án cứu hộ, cứu nạn. Rà soát kỹ các địa điểm sơ tán để gia cố, vệ sinh khử trùng kịp thời trước khi có tình huống thiên tai xảy ra, đảm bảo quy định phòng chống Covid-19.

Ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, ngoài phương châm “4 tại chỗ”, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, trang thiết bị, dụng cụ đáp ứng yêu cầu cứu hộ, cứu nạn cũng như phòng chống dịch Covid-19.

“Tỉnh đã lên phương án chủ động di dời dân theo đối tượng, tình huống cụ thể. Đồng thời chủ động dữ trữ lương thực thực phẩm, nước uống đảm bảo cho nhân dân. Xây dựng lực lượng phòng chống thiên tai đảm bảo sự chỉ huy thống nhất để ứng cứu kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra”, ông Lâm cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.