Ngành du lịch vẫn 'khát' nhân lực có chuyên môn

GD&TĐ - Dẫu trên đà phục hồi nhưng theo nhận định của các chuyên gia, ngành du lịch đang đối mặt với thách thức thiếu trầm trọng nhân lực có chuyên môn.

Du lịch Việt Nam tăng trưởng mạnh sau đại dịch.
Du lịch Việt Nam tăng trưởng mạnh sau đại dịch.

Những tín hiệu vui

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính chung 6 tháng đầu năm 2023, ngành du lịch đón gần 5,6 triệu lượt khách quốc tế, đạt 69% kế hoạch năm 2023, phục hồi 66% so với mức năm 2019 (trước đại dịch).

Theo dữ liệu từ Tổng cục Du lịch, về mức độ phục hồi, đáng chú ý, có 5 thị trường trong 6 tháng đầu năm 2023 đã vượt mức năm 2019 gồm: Campuchia (338%), Ấn Độ (236%), Lào (117%), Thái Lan (108,4%) và Singapore (107,4%). Có 2 thị trường về gần mức năm 2019 là Mỹ (95%), Australia (92%).

Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất trong nửa đầu năm 2023 với 1,6 triệu lượt (chiếm 28%). Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2, còn Mỹ đứng thứ 3. Thị trường Trung Quốc mới phục hồi 22,4% do mới mở lại tour theo đoàn đến Việt Nam từ ngày 15/3.

Theo dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng du lịch của Google, từ đầu năm tới nay, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam liên tục tăng, nằm trong tốp đầu thế giới. Cụ thể, Việt Nam đã vươn từ vị trí thứ 11 lên vị trí thứ 6 hiện nay.

Việt Nam là nước duy nhất ở Đông Nam Á lọt vào nhóm tăng trưởng cao hàng đầu thế giới với mức tăng trưởng ở nhóm 10% đến 25%, xếp thứ 6 trên thế giới. Mức này cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng chung của khu vực Đông Nam Á (-10% đến 10%).

Các nước còn lại xếp ở vị trí thấp hơn khá nhiều như Indonesia (18), Thái Lan (19), Malaysia (21), Philippines (23), Singapore (30).

Các thị trường quan tâm nhiều nhất đến du lịch Việt Nam gồm có: Mỹ, Nhật, Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Malaysia, Đức, Pháp.

Thống kê cũng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 9 tỉnh/thành phố đạt doanh thu du lịch từ 10.000 tỉ đồng trở lên. Bên cạnh đó, nhiều địa phương có mức doanh thu đạt khá.

Khách quốc tế đến Việt Nam phục hồi 66% so với trước Covid-19.
Khách quốc tế đến Việt Nam phục hồi 66% so với trước Covid-19.

Bài toán lấp “lỗ hổng” nhân lực

Để đạt được mục tiêu năm 2023 đón 8 triệu lượt khách quốc tế và 102 triệu lượt khách nội địa, ngành du lịch đã “gỡ nút thắt” visa để mở đường tăng tốc và phát triển.

Mới đây, Quốc hội đã đồng ý kéo dài thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần và nâng thời hạn tạm trú cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày. Những chính sách này sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 15/8. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang xem xét mở rộng diện miễn thị thực đơn phương nhằm thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.

Theo Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, ngành du lịch cần hơn 3 triệu lao động, trong đó khoảng 1 triệu lao động trực tiếp. Bộ VH,TT&DL đã ban hành Đề án Phát triển nguồn nhân lực du lịch thích ứng với tác động của đại dịch Covid-19 giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, giai đoạn 2022 - 2023, sẽ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho 100% đội ngũ nhân lực du lịch hiện nay, gồm kiến thức, kỹ năng liên quan đến xử lý tình huống phòng, chống dịch bệnh, kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ và các kỹ năng bổ trợ cần thiết khác.

Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đã kiến nghị Chính phủ ban hành Chương trình phục hồi lao động trong ngành du lịch. Trong đó, Chính phủ hỗ trợ chi phí đào tạo cho người lao động thông qua doanh nghiệp du lịch hoặc Hiệp hội Du lịch. Mức kinh phí hỗ trợ là 50% chi phí đào tạo từ ngân sách Trung ương hoặc địa phương, thực hiện trong 2 năm 2023 - 2024.

Dù ngành du lịch đang bước vào giai đoạn phục hồi mạnh mẽ, nhưng lại phải đối mặt với thách thức thiếu hụt nhân sự cả về lượng và chất. Theo các chuyên gia, ngành vẫn đang gặp khó khăn trong việc thu hút nhân lực có chuyên môn cao, bài toán lấp “lỗ hổng” nhân lực đang đặt ra vô cùng bức thiết.

Giải bài toán lấp “lỗ hổng” nhân lực ngành kinh tế xanh cũng được các chuyên gia nêu ra tại Tọa đàm “Hiến kế hút khách du lịch” mới đây. TS Nuno Ribeiro, giảng viên cao cấp, Trưởng nhóm Nghiên cứu ngành Quản trị du lịch và khách sạn (Đại học RMIT), chỉ ra rằng, thực tế, nhân sự du lịch Việt Nam không chỉ thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, tình trạng mất cân bằng cung - cầu đối với lao động có trình độ đã là vấn đề nan giải của ngành kinh tế xanh từ lâu.

Ông dẫn chứng, trước đại dịch, số liệu thống kê cho thấy, chỉ có 42% lao động được đào tạo bài bản về du lịch (đào tạo nghề hoặc tương đương), 38% từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy.

Do đó, theo chuyên gia này, công tác đào tạo nhân sự mới cho ngành du lịch Việt Nam phải đi theo hướng thị trường cần. Trong điều kiện bình thường mới của ngành du lịch, kỹ năng giao tiếp xuất sắc, kiến thức về an toàn, công nghệ thông tin và du lịch thông minh càng được chú trọng.

Để nâng cao chất lượng nhân sự du lịch, ông Nuno Ribeiro khuyến nghị, các cơ quan có thẩm quyền cần ưu đãi thuế cho các tổ chức tư nhân, phi lợi nhuận đang hoạt động trong lĩnh vực đào tạo về du lịch và khách sạn, bởi nhiều doanh nghiệp có cơ sở vật chất tốt và phù hợp cho việc đào tạo nhân sự du lịch, nhưng họ cần hỗ trợ về chi phí.

Còn theo ông Nguyễn Tiến Đạt, đồng sáng lập Trung tâm Đào tạo du lịch thực tế Prato, cho rằng, việc phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch cần sự tham gia tích cực, bắt tay chặt chẽ và đóng góp hiệu quả giữa ba nhà là Nhà nước - nhà trường - nhà tuyển dụng. Trước mắt, cần ưu tiên xây dựng và thực hiện chuẩn hóa chương trình đào tạo nhân lực từ quản lý du lịch, đến những vị trí nghiệp vụ phù hợp các hệ thống tiêu chuẩn khu vực và về lao động.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành liên quan cần xem xét, đánh giá toàn diện về hệ thống cơ sở đào tạo du lịch phù hợp yêu cầu phát triển ngành. Đồng thời, tham khảo hệ thống đào tạo, đưa vào chương trình đào tạo kiến thức về các loại hình mới ở những nước có ngành du lịch phát triển, bảo đảm cơ cấu đào tạo ở các cấp hợp lý, phù hợp với chuẩn mực chung của khu vực và quốc tế.

Các tỉnh, thành phố doanh thu du lịch từ 10.000 tỉ đồng trở lên gồm có TPHCM đứng đầu (80.833 tỉ đồng), Hà Nội (44.880 tỉ đồng), Quảng Ninh (16.660 tỉ đồng). Tiếp đến là Thanh Hóa (15.072 tỉ đồng), Khánh Hòa (12.567 tỉ đồng), Nghệ An (11.491 tỉ đồng), Bình Thuận (11.348 tỉ đồng), Lào Cai (10.813 tỉ đồng) và Đà Nẵng (10.618 tỉ đồng).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tùy bút: Những ngày khói lửa

Tùy bút: Những ngày khói lửa

GD&TĐ - Chúng tôi đã sống nghèo nhưng trong sáng trong thời bao cấp, tự hào lên đường theo “tiếng gọi non sông” để lại một phần tuổi xuân trên chiến trường...