(GD&TĐ)-Nhu cầu xã hội cao nhưng sinh viên ra trường khó tìm việc làm, đó là một thực tế trong đào tạo ngành công tác xã hội (CTXH) hiện nay.
Ảnh MH |
Nhu cầu nhân lực lớn
Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 – 2020 với tổng kinh phí thực hiện đề án là 2.347 tỷ đồng. Theo đề án này, đến năm 2020, cả nước cần đào tạo và đào tạo lại 60.000 nhân viên xã hội. Trong đó mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất từ 1 đến 2 cán bộ, nhân viên công tác xã hội thuộc chức danh không chuyên trách hoặc cộng tác viên công tác xã hội với mức phụ cấp hằng tháng bằng mức lương tối thiểu. Trước mắt, đến năm 2015, nguồn nhân lực cho ngành công tác xã hội phải đạt 30.000 người. Bộ Nội vụ cũng đã ban hành chức danh, mã ngạch viên chức công tác xã hội.
Mã ngành đào tạo và các chương trình khung đào tạo CTXH bậc cao đẳng, đại học được Bộ GD&ĐT ban hành từ năm 2004. Đến nay, ngành này đã được đào tạo ở khoảng trên 30 trường Đại học, Cao đẳng trong cả nước. Tuy nhiên, số sinh viên tốt nghiệp CTXH ở cả hai bậc học này không nhiều. Đối chiếu với số lượng nguồn nhân lực cần có và theo tiến độ đào tạo, khoảng 1.500 đến 2.000 sinh viên tốt nghiệp trên một năm thì phải mất khoảng 10 năm mới đáp ứng nhu cầu số lượng cần có cho 5 năm tới.
Theo ThS.Nguyễn Thị Dung – Trường ĐH Lao động – Xã hội, hơn lúc nào hết, đứng trước những vấn đề của thế giới như nghèo đói, suy thoái môi trường, bạo lực gia đình, khủng hoảng tài chính, hơn lúc nào hết, nhu cầu cung cấp nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực an sinh xã hội và CTXH và vấn đề đào tạo CTXH ngày càng trở nên cấp thiết và quan trọng.
Khó tìm việc do hạn chế thông tin
Mặc dù số người được đào tạo CTXH còn rất ít và nhu cầu thực tế về nguồn nhân lực là rất lớn. Tuy nhiên, vẫn còn có nghịch lý trong việc sử dụng nguồn nhân lực đã được qua đào tạo. Nhiều sinh viên được đào tạo chính quy ngành CTXH vẫn chưa tìm được việc làm phù hợp với ngành mình được đào tạo trong trường ĐH.
Tại lễ tôn vinh thủ khoa tốt nghiệp các trường ĐH trên địa bàn Hà Nội vừa qua, thủ khoa tốt nghiệp ngành công tác xã hội trường ĐH Thăng Long Hoàng Quý Ly cho biết, mình đã tốn khá nhiều thời gian để tìm việc, hồ sơ xin việc gửi đến các cơ quan không ít. Ly cho biết, mình từng muốn làm việc trái ngành như làm marketing, quảng cáo, truyền thông...vì tìm được công việc đúng ngành tốt nghiệp khó khăn.
ThS.Nguyễn Thị Dung – Trường ĐH Lao động – Xã hội cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến sinh viên tốt nghiệp CTXH ra trường khó tìm việc làm là do nhận thức về tính chuyên nghiệp và khoa học của công việc “giúp đỡ’ như nghề CTXH còn hạn chế. Chỉ có một số tổ chức phi chính phủ quốc tế hoặc dự án quốc tế đã có đăng tuyển nhân viên CTXH. Tuy nhiên, với các vị trí này, các sinh viên khó có thể tham gia dự tuyển vì trình độ ngoại ngữ hạn chế.
Tuy nhiên, theo phó chủ nhiệm bộ môn CTXH trường ĐH Thăng Long Trần Thị Thanh Hương, vấn đề sinh viên gặp phải hiện nay chính là do hạn chế thông tin. Chị Hương cho biết, hiện rất nhiều cơ quan có nhu cầu thi tuyển công chức ngành CTXH. Sinh viên ngành CTXH của trường không ít em chưa ra trường đã tìm được việc làm. Các em đã qua thi tuyển công chức ngành này đều cho biết việc thi tuyển khá thuận lợi do ít có sự cạnh tranh. Chị Hương cũng cho biết thêm, những nơi có tuyển dụng ngành này thường ít công khai thông tin, nên sinh viên cần chủ động, năng động nắm bắt thông tin tuyển dụng. “Mặc khác, nếu sinh viên trong quá trình học tham gia thêm các công tác xã hội và khi ra trường “thoáng” hơn trong quan niệm công việc, biết hài lòng với những công việc có thể sử dụng đến kiến thức đã được học trong nhà trường sẽ dễ kiếm việc hơn. Nếu các em chỉ chăm chăm tìm việc đúng mã nghề thì sẽ rất khó khăn” – chị Hương chia sẻ.
Hiếu Nguyễn