Từ một vài năm nay, giới chuyên môn nhận thấy ngày càng ít các hoạt động của Nga trong lĩnh vực vũ trụ. Chẳng hạn như: Số lượng các phi hành gia trên trạm vũ trụ quốc tế ISS giảm; tần suất các vụ phóng tên lửa vũ trụ giảm; ngân sách dành cho nghiên cứu vũ trụ tiếp tục giảm…
Kế hoạch phát triển nền công nghiệp vũ trụ của Nga ngày càng bị đẩy lùi xa vào tương lai và bị “đơn giản hóa”. Một ví dụ mới nhất có thể là tàu vũ trụ có phi hành đoàn PTK
Federation, được thiết kế từ hơn chục năm trước. Trong so sánh với các kế hoạch ban đầu, cấu hình hiện tại của PTK Federation được đơn giản hóa rất nhiều. Đồng thời, chuyến bay đầu tiên của Federation (lên Mặt trăng) liên tục bị đình hoãn. Các vấn đề liên quan đến con tàu này trở nên khá nghiêm trọng, đến mức cuối tháng Sáu vừa qua, Giám đốc mới của Cơ quan vũ trụ Nga đã phải cân nhắc việc sử dụng loại tàu vũ trụ Soyuz cải tiến cho các chuyến bay về hướng trạm quỹ đạo Mặt trăng Lunar Orbital Platform Gateway (thay thế cho trạm ISS).
Những năm tháng tới đây sẽ trở nên nặng nề hơn đối với nền công nghiệp vũ trụ Nga. Chẳng bao lâu nữa, NASA sẽ ngừng trả tiền cho các chuyến bay chở phi hành gia lên trạm ISS bằng các capsule (khoang chứa) Soyouz. Người Mỹ dự định sử dụng tàu không gian Dragon 2 và CST-100. Cả hai loại tàu này có khả năng vận chuyển phi hành gia lớn và được cả các cơ quan vũ trụ khác (ESA và JAXA) sử dụng.
Trên thị trường tên lửa đẩy cũng có nhiều thay đổi lớn. Từ những năm 90 thế kỷ XX, sử dụng các tên lửa của Nga thường là cách tốn ít kinh phí nhất để đưa vệ tinh lên quỹ đạo. Tình hình thay đổi rõ rệt trong những năm gần đây cùng với việc đưa tên lửa đẩy Falcon 9 vào hoạt động. Kết quả là nước Nga, vốn có số vụ phóng tên lửa nhiều nhất thế giới, đã phải lùi lại sau Mỹ và Trung Quốc. Trong số 58 lần phóng tên lửa trong năm 2018, nước Nga chỉ thực hiện 10 vụ. Trong khi đó, Trung Quốc thực hiện 20 vụ và Mỹ - 18 vụ.
Từ năm 2011, các tên lửa Soyuz của Nga (phiên bản STB) hoạt động cả trên sân bay vũ trụ châu Âu Kourou (Pháp). Tuy nhiên gần như chắc chắn là vào đầu thập niên tới sự hợp tác Nga - châu Âu này sẽ dừng lại. Điều này có liên quan đến việc hai loại tên lửa của châu Âu được đưa vào sử dụng: Đó là tên lửa đẩy Vega phiên bản mới và Ariane 6.
Trong những năm gần đây các dự án nghiên cứu – phát triển của Nga tỏ ra không tương thích với bức tranh biến đổi toàn cầu trong lĩnh vực vũ trụ. Chẳng hạn, tên lửa Proton lẽ ra phải được thay thế bằng loại tên lửa mới là Angara. Tuy nhiên, hóa ra chi phí cho việc phóng loại tên lửa mới này lớn gần gấp 2 lần so với chi phí phóng tên lửa Falcon 9 do Công ty SpaceX (Mỹ) thiết kế. Chính vì vậy, Cơ quan Vũ trụ Nga Roskosmos đề nghị chế tạo loại tên lửa Soyuz 5. Chi phí phóng tên lửa này tương đương với Falcon 9. Tuy nhiên, chuyến bay đầu tiên của Soyuz 5 diễn ra không sớm hơn 6-8 năm nữa, nghĩa là tên lửa mới có thể trở nên lạc hậu khi bắt đầu được đưa vào sử dụng.
Bên cạnh đó, kinh phí nhà nước Nga rót vào lĩnh vực vũ trụ cũng giảm thiểu đáng kể. Toàn bộ ngân quỹ cho giai đoạn 2016 - 2024 với giá trị khoảng 30 tỷ USD đã bị cắt giảm khoảng 30% và dự đoán sẽ còn bị cắt giảm tiếp tục. Kết quả là lĩnh vực vũ trụ của Nga có ngân quỹ cho giai đoạn gần 10 năm còn ít hơn ngân quỹ hằng năm của NASA.