Trái phiếu chậm thanh toán đạt con số kỷ lục

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo FiinRatings, tổng giá trị các lô trái phiếu doanh nghiệp chậm thanh toán lên đến 89.300 tỷ đồng, với 63 doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ nợ.

Trái phiếu chậm thanh toán đạt con số kỷ lục

Báo cáo Trái phiếu doanh nghiệp của FiinRatings mới công bố cho thấy, tính đến ngày 8/3/2023 có 67 doanh nghiệp chậm thanh toán nghĩa vụ nợ trái phiếu.

Trong số 67 doanh nghiệp này, có 63 doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ nợ và 4 doanh nghiệp đã thực hiện tái cơ cấu nợ thông qua việc giãn kỳ hạn.

Đáng chú ý, tổng giá trị các lô trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận chậm thanh toán đạt 89.300 tỷ đồng, chiếm gần 55% lượng trái phiếu đang lưu hành của các doanh nghiệp trên.

Khả năng đáp ứng nghĩa vụ nợ cho các lô trái phiếu này phụ thuộc vào phân kỳ đáo hạn sắp tới, khả năng huy động nguồn vốn khác của doanh nghiệp cũng như kỳ vọng vào dòng tiền từ hoạt động kinh doanh.

Ngoài ra, tính trên tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phi tài chính đang lưu hành, tỷ lệ nợ xấu từ các lô trái phiếu ở mức 11,3%.

Riêng đối với các tổ chức phát hành là doanh nghiệp bất động sản, tỷ lệ nợ xấu ở mức cao hơn là 18,7%.

Cũng trong tháng 2/2023, chỉ có 3 lô trái phiếu phát hành thành công với tổng giá trị 2.000 tỷ đồng.

Trong đó, lô trái phiếu riêng lẻ của Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Sơn Kim trị giá 500 tỷ và lãi suất danh nghĩa 13,5%/năm cho kỳ hạn 2 năm.

Còn hai lô trái phiếu phát hành ra công chúng thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Masan, tổng giá trị 1.500 tỷ với lãi suất cố định của hai kỳ đầu tiên là 9,5%. Cả 3 lô trái phiếu đều không chuyển đổi và không kèm chứng quyền.

Như vậy, khối lượng phát hành riêng lẻ trong tháng 2 chỉ tương đương 17,4% so với tháng liền kề, nhưng tổng giá trị phát hành đã tăng đáng kể trên nền phát hành thấp của tháng trước.

Giới phân tích nhận định, đây là một chiều hướng đáng chú ý và có thể tiếp tục tiếp diễn trong thời gian tới. Đặc biệt trong bối cảnh bối cảnh kiểm soát tín dụng bất động sản, Nghị định 08/2023/NĐ-CP đã ra đời với mục tiêu tháo gỡ khó khăn, nhất là trong giai đoạn đáo hạn cao điểm của trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2023 và 2024.

Tổng giá trị các lô trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận chậm thanh toán đạt 89.300 tỷ đồng, chiếm gần 55% lượng trái phiếu đang lưu hành của các doanh nghiệp.

Tổng giá trị các lô trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận chậm thanh toán đạt 89.300 tỷ đồng, chiếm gần 55% lượng trái phiếu đang lưu hành của các doanh nghiệp.

Trước đó, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã công bố danh sách 54 doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu. Trong đó, có 34 doanh nghiệp thuộc ngành bất động sản - xây dựng như nhóm Đất Xanh, nhóm Vạn Thịnh Phát, Danh Khôi, Novaland…

Khó khăn về dòng tiền khiến nhiều doanh nghiệp chịu áp lực thanh toán lãi trái phiếu cho nhà đầu tư, với số tiền lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Trái phiếu chưa đến hạn nhưng doanh nghiệp đã mua lại hoặc nhà đầu tư đề nghị mua lại, điều này phản ánh khó khăn của thị trường. Trong đó, lần lượt các tập đoàn địa ốc như: Novaland, Hưng Thịnh Land, Phát Đạt, CenGroup… đã công bố mua lại chính các lô trái phiếu vừa phát hành trong quý III/2022 với giá trị mua lại từ vài chục tỷ đồng đến vài trăm tỷ đồng.

Báo cáo thị trường trái phiếu tuần 27/2-3/3 của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, các nhóm ngành có giá trị trái phiếu doanh nghiệp đến hạn lớn là bất động sản với 7.690 tỷ đồng, chiếm 43% giá trị đến hạn; hàng tiêu dùng 5.100 tỷ đồng, chiếm 29% giá trị đến hạn và xây dựng 2.270 tỷ đồng, chiếm 12,8% giá trị đến hạn.

Theo nhận định của các chuyên gia tài chính, khó khăn thanh khoản trái phiếu sẽ tiếp diễn trong năm nay. Áp lực đáo hạn sẽ tăng mạnh trở lại trong quý II và quý III/2023 với giá trị lần lượt đạt 93.139 tỷ đồng và 89.488 tỷ đồng.

Ước tính của FiinRatings cho hay, giá trị trái phiếu riêng lẻ đáo hạn trong năm 2023 ở mức 235.000 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp bất động sản có số dư trái phiếu sẽ đến hạn ở mức 100.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, tổng dư nợ trái phiếu riêng lẻ đáo hạn trong hai quý sắp tới lần lượt ở mức 36.200tỷ VNĐ vào quý II và 35.400 tỷ đồng vào quý III/2023.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ukraine đang giấu mình trong lòng đất

Ukraine đang giấu mình trong lòng đất

GD&TĐ - Báo Tây Ban Nha đưa tin, Ukraine đang tích cực xây dựng mạng lưới nhà máy sản xuất vũ khí ngầm ở trong lòng đất, nhằm tránh đòn tấn công của Nga.