Theo thống kê của Công ty Chứng khoán VNDirect, áp lực trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn tiếp tục gia tăng trong tháng 5.
Ước tính, khoảng 17.900 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong tháng 5, tăng 12,6% so với tháng 4. Số liệu đã loại trừ các trái phiếu được mua lại trước hạn đến ngày 24/4. Trong đó, hơn một nửa giá trị trái phiếu thuộc về nhóm Vingroup và Masan là 5.780 tỷ đồng và 5.600 tỷ đồng.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Vinhomes (Công ty con của Tập đoàn Vingroup) có lô trái phiếu trị giá 5.280 tỷ đồng đáo hạn vào ngày 31/5/2023. Lô trái phiếu này phát hành vào tháng 5/2020 với kỳ hạn 3 năm và lãi suất năm đầu 9%.
Công ty Cổ phần Phát triển Thành phố Xanh cũng có 2 lô trái phiếu tổng giá trị 500 tỷ đồng đáo hạn vào ngày 29/5.
Ngoài ra, nhóm Masan có 2 lô đáo hạn trong tháng 5, bao gồm 2.600 tỷ đồng của Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo (đáo hạn vào ngày 29/5) và 3.000 tỷ đồng của Masan Group (đã đáo hạn vào ngày 6/5/2023).
Tính từ đầu tháng 4 cho đến ngày 24/4 không có đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ mới nào được thực hiện.
Trong khi đó, danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán theo công bố của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) tiếp tục tăng lên. Tính đến ngày 24/4, có khoảng 57 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp.
HNX ước tính, tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp này vào khoảng 152.700 tỷ đồng, chiếm khoảng 13,9% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ toàn thị trường.
Trong đó, nhóm bất động sản chiếm lớn nhất với 11,1% dư nợ toàn hệ thống, nhóm sản xuất 1,6%, còn lại các nhóm khác chiếm mức nhỏ 1,2%.
Ước tính, khoảng 17.900 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong tháng 5, tăng 12,6% so với tháng 4. (Ảnh minh họa) |
Trong khi hoạt động mua lại trước hạn cũng có sự chững lại, với hơn 4.833,1 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được mua lại trước hạn trong tháng 4, tổng giá trị mua lại trước hạn trong 4 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 39.388 tỷ đồng.
Trước đó, Nghị định 08/2023 về việc sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế có hiệu lực.
Động thái này giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu khởi sắc trong tháng 3. Cụ thể, trong quý 1/2023, có 29.366 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành qua các kênh riêng lẻ và công chúng, giảm khoảng 59% so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, trong tổng số đó có tới 2.400 tỷ đồng được phát hành ra công chúng, chiếm khoảng 8% tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp huy động.
Tiếp đó, ngày 23/4, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 03/2023 quy định ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN về quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp đến hết năm 2023.
Giới phân tích nhận định, đây là một cách để các ngân hàng có thể thúc đẩy tăng trưởng cho vay qua việc mua trái phiếu doanh nghiệp, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng còn yếu (xấp xỉ 2% tính đến cuối quý I) và thanh khoản tại ngân hàng đang dư thừa.
Bên cạnh đó, Thông tư 03 còn giúp tăng lực cầu trên thị trường trái phiếu, có lợi cho các ngân hàng hoạt động mạnh trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.