Trục lợi, tham nhũng chính sách, pháp luật là hành vi dù đã được nhận diện nhưng khó phát hiện, khó định lượng, định tính cụ thể bởi quá trình này diễn ra ở nhiều khâu, có sự tham gia của nhiều chủ thể trong khoảng thời gian dài. Bởi vậy, yêu cầu hiện nay là cần có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn.
Thực tế, trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật, hành vi tham nhũng diễn ra rất tinh vi và đương nhiên hậu quả cũng sẽ rất lớn bởi chính sách, pháp luật có mức độ ảnh hưởng, tác động rộng lớn hơn nhiều so với các hành vi tham nhũng đơn lẻ.
Tham nhũng chính sách, pháp luật có thể hiểu là chuỗi các hành vi có quan hệ chặt chẽ với nhau do nhiều cá nhân và nhóm chủ thể có vị trí, chức năng, quyền hạn khác nhau cùng tiến hành nhằm chuyển hóa quyền lợi thành những quy tắc pháp lý, thể hiện dưới dạng các chính sách, pháp luật.
Điều này, như khẳng định của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì lợi ích nhóm ban đầu chỉ đơn giản là lợi ích cục bộ, móc ngoặc với nhau theo kiểu “ông mất chân giò, bà thò chai rượu”, chung nhau làm ăn, đôi bên cùng có lợi.
Nhưng cùng với thời gian, lợi ích cục bộ bây giờ không chỉ dừng lại ở quan hệ giữa hai bên, hai người mà đã thành “sự ăn cánh”, “đường dây” của một nhóm người mưu lợi ích riêng, làm hại lợi ích chung.
Để ngăn chặn tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, trước tiên cần hoàn thiện cơ chế kiểm soát chất lượng văn bản quy phạm pháp luật. Bổ sung cơ chế xử lý, xem xét trách nhiệm cơ quan, người có thẩm quyền khi chậm ban hành văn bản quy định chi tiết hoặc ban hành văn bản trái pháp luật.
Theo đó, cơ quan, người có thẩm quyền đã ban hành văn bản trái pháp luật phải chịu trách nhiệm. Phải có quy định giao cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, tham mưu các quy định khắc phục hậu quả.
Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế về lấy ý kiến tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của các đối tượng, nhất là các đối tượng có liên quan, chịu tác động trực tiếp một cách hiệu quả thông qua các hình thức, phương pháp thực hiện khoa học nhằm bảo đảm tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật khi ban hành.
Ngoài các biện pháp trên, một vấn đề nữa cũng cần được chú trọng thực hiện đó là đơn giản hóa, giảm bớt tầng nấc, thu gọn đầu mối các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Làm rõ phạm vi, vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.
Cải tiến cách thức đề nghị, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật. Khắc phục những vướng mắc thời gian qua như đối với các dự án luật chưa được Quốc hội thông qua sẽ tiếp tục trình như thế nào, ai trình? Đặc biệt, cần làm rõ trách nhiệm của từng chủ thể tham gia vào từng công đoạn để tạo chuyển biến căn cơ trong quá trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất và tổ chức thi hành.
Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật luôn là yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết. Tuy nhiên, như ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính thì ngoài coi trọng số lượng, bảo đảm tiến độ, phải đặc biệt coi trọng chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là thực hiện phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới, thiết kế các công cụ giám sát, kiểm tra; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...
Và để làm được điều này, điều quan trọng là các khâu soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, kiểm tra, rà soát phải được thực hiện kỹ càng. Bởi nếu để “lọt lưới” các quy định “được cài cắm”, chính sách khi ban hành sẽ bị “méo mó”, từ đó tạo hành lang pháp lý chỉ để mang lại lợi ích cho một nhóm người chứ không phải lợi ích chung của cộng đồng, xã hội, đất nước.