Tham nhũng chính sách cần phải được phát hiện và loại bỏ

GD&TĐ - Thảo luận tại nghị trường (sáng 26/3), một số đại biểu Quốc hội đã đề cập đến khái niệm "tham nhũng chính sách".

Toàn cảnh phiên làm việc sáng 26/3
Toàn cảnh phiên làm việc sáng 26/3

Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn TP Hà Nội) Quốc hội khóa XIV đã thông qua những đạo luật đảm bảo chất lượng, công khai, minh bạch, công bằng và không có biểu hiện tham nhũng chính sách.

Tuy nhiên, nếu rà soát thật kỹ, lật đi lật lại tất cả các quy định và đặt chúng trong mối quan hệ với việc tổ chức thực hiện thì có thể nhận thấy, có những quy định nếu như không giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức thực hiện, thì rất có thể dẫn đến nguy cơ tham nhũng chính sách.

“Nói về khái niệm tham nhũng chính sách, có thể hiểu đây là việc cố tình đưa vào các đạo luật, những quy định mà khi thực hiện sẽ đem lại lợi ích không chính đáng cho một số tổ chức cá nhân nhất định. Hành vi này đặc biệt nguy hiểm, vì nó tạo căn cứ pháp lý bảo vệ cho hành vi tham nhũng có hệ thống” – đại biểu Vũ Thị Lưu Mai trăn trở, đồng thời dẫn ví dụ về các quỹ tài chính ngoài ngân sách trong nhiều đạo luật.

Trên cơ sở giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 792, đề nghị rà soát và loại bỏ tất cả những quỹ hoạt động không hiệu quả. Bên cạnh những quỹ hoạt động hiệu quả, thì hiện nay trên thực tế vẫn tồn tại hơn 40 quỹ tài chính ngoài ngân sách, trong đó có những quỹ gây lãng phí rất lớn cho ngân sách nhà nước.

Điều đáng băn khoăn là, trong số 72 đạo luật được Quốc hội khóa XIV thông qua, thì vẫn còn nhiều đạo luật, có đến 1/4 số đạo luật có quy định đề xuất thành lập và duy trì các loại quỹ tài chính ngoài ngân sách.

Một dư địa khác có thể dẫn đến tham nhũng chính sách, đó là các quy định liên quan đến quản lý đất đai bao gồm: đền bù, giải phóng mặt bằng, định giá đất, đấu giá quyền sử dụng đất.

“Ngoài ra, các quy định liên quan đến ưu đãi trong thực hiện các nghĩa vụ tài chính về quy trình, thủ tục, về phân cấp, phân quyền trong quyết định các dự án cũng là những mảnh đất có thể phát sinh nguy cơ tham nhũng chính sách. Xuất phát từ hiểm họa của cái gọi là tham nhũng chính sách” – ĐB Vũ Thị Lưu Mai nói.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội, phát biểu tại phiên thảo luận
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội, phát biểu tại phiên thảo luận

Theo đại biểu đoàn TP Hà Nội, tới đây, nếu có thể được thì chúng ta nên quan tâm đến một số vấn đề như: Đề cao chất lượng của khâu phân tích chính sách trước khi thông qua các đạo luật. Đồng thời, cần đề cao hơn nữa việc lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp, những chủ thể chịu sự tác động trực tiếp của chính sách.

Ngoài ra, cần nâng cao hoạt động thẩm tra, hoạt động thẩm tra cần trí tuệ, bản lĩnh và tinh thần dám đấu tranh, dám phản biện. Đề cao trách nhiệm giải trình của cơ quan đề xuất chính sách, cương quyết xử lý những hành vi thông đồng, cố tình cài cắm vào quy định của pháp luật những quy định để trục lợi cá nhân.

Cùng với đó, cần sớm hoàn tất quá trình Chính phủ số, làm minh bạch hóa tất cả các quy trình, để người dân có thể thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình mà không phải trả những chi phí phi chính thức.

Đại biểu Ngô Trung Thành (đoàn Đắk Lắk)
Đại biểu Ngô Trung Thành (đoàn Đắk Lắk)

Tranh luận với ý kiến của đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, đại biểu Ngô Trung Thành (đoàn Đắk Lắk) cho rằng, vấn đề tham nhũng chính sách cần phải được phát hiện và loại bỏ.

 Với quy trình xem xét cho ý kiến thông qua luật tại Quốc hội như hiện nay, với ý kiến phát biểu nhiệt huyết, thẳng thắn, trách nhiệm của các vị đại biểu, Quốc hội đã thấy nhiều điều khoản của các dự án luật được chỉnh lý, thậm chí là được loại bỏ.

Có những nội dung dự án luật, Quốc hội đã quyết định để lại để nghiên cứu, chuẩn bị thêm. Có không ít những nội dung mới được bổ sung vào các dự án luật theo ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội. “Tất cả những điều đó tôi tin rằng, không có chỗ cho tham nhũng chính sách xảy ra trong các đạo luật của Quốc hội; hay nói cách khác trong các dự án luật được Quốc hội thông qua không có chỗ cho tham nhũng chính sách” – đại biểu Ngô Thành Trung khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bệnh nhi bị rắn cắn điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: BVCC

Nguy cơ tử vong khi trẻ bị rắn cắn

GD&TĐ - Rắn độc cắn là một tai nạn khá thường gặp, có thể dẫn đến tử vong nếu xử trí không thích hợp, đặc biệt khi bị rắn hổ cắn.