Kẽ hở của chính sách đã tạo cơ hội cho tham nhũng và lợi ích nhóm

Kể từ thời điểm Việt Nam bắt đầu thí điểm cổ phần hóa (CPH) năm 1992 đến nay, ngoài nhiều kết quả khả quan thì cũng phát sinh hiện tượng sai phạm do cơ chế chính sách còn bất cập. Đây là điều kiện để một số cán bộ lạm quyền lợi dụng để tham nhũng và hình thành các nhóm lợi ích trục lợi tài sản Nhà nước.

Nhà đất công bị thất thoát qua việc thoái vốn theo lô là nỗi nhức nhối cần giải quyết. Ảnh: Thảo Du
Nhà đất công bị thất thoát qua việc thoái vốn theo lô là nỗi nhức nhối cần giải quyết. Ảnh: Thảo Du

Nhức nhối thoái vốn

Hầu hết các doanh nghiệp (DN) Nhà nước, mà cụ thể là các DN tại nhiều tỉnh, thành phía Nam, trong đó có các Tổng Công ty trực thuộc UBND TP Hồ Chí Minh, đều được giao, được thuê những diện tích nhà đất có vị trí đắc địa, có giá trị cao.

Vì vậy, trong các báo cáo quản trị, bản cáo bạch đi kèm với phương án CPH thì Ban Giám đốc, Ban Tổng Giám đốc của DN đều mô tả đậm nét về hiện trạng nhà, nguồn gốc đất của DN, cũng như phương án khai thác, sử dụng mà chủ yếu là kinh doanh bất động sản, xây dựng cao ốc cho thuê.

Dù giá trị nhà và đất của các DNCPH là tài sản Nhà nước nhưng một thời gian dài giá trị này đã không được tính vào giá trị cổ phần mà DN bán lại cho nhà đầu tư, cho các cổ đông.

Tại giai đoạn tiếp theo sau khi CPH thì chủ trương thoái vốn nhà nước bằng phương thức bán đấu giá cổ phần theo lô tiếp tục được triển khai ồ ạt. Khi đó đi kèm theo các phương án thoái vốn này là các tờ trình nêu rõ tên tuổi của nhà đầu tư chiến lược, cùng bản định giá khối lượng cổ phần thấp đến bất ngờ cho các phiên đấu giá, với giá sàn trung bình khoảng 10.000 đồng/cổ phần.

Hậu quả là sau vài phiên đấu giá thì hầu như toàn bộ cổ phần tương đương với vốn Nhà nước đã chuyển thành tài sản của nhà đầu tư chiến lược, kèm theo phương án khai thác quỹ nhà, đất không còn phục vụ mục tiêu kinh doanh chính của DN được CPH mà chủ yếu là kinh doanh bất động sản kết hợp văn phòng cho thuê. 

Ngoài việc Nhà nước thu được khoản kinh phí đấu giá cổ phần theo lô không đúng giá trị, vai trò của DN Nhà nước không còn, thì áp lực lên hạ tầng đô thị là vô cùng lớn khi tại các vị trí nhà, các khu đất trong trung tâm đô thị được chuyển thành nhà cao tầng, siêu thị mua sắm với khối lượng người, khối lượng phương tiện giao thông tăng đột biến.

Khi thanh tra vào cuộc, hàng loạt sai phạm được làm rõ nhưng trách nhiệm lại được các cơ quan quản lý Nhà nước cấp địa phương và lãnh đạo DN đổ lỗi cho cơ chế, cùng với đó là trách nhiệm chung chung theo kiểu đã thực hiện đúng theo ý kiến chỉ đạo của cấp trên.

Đây là hiện tượng đã và đang xảy ra đối với tài sản Nhà nước được UBND TP Hồ Chí Minh giao cho Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) quản lý. Đối với sự việc này, sai phạm đã rõ khi vốn Nhà nước được giao cho IPC đã biến thành tài sản của hàng loạt DN tư nhân. 

Theo kết luận của Thanh tra TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2016-2017, lãnh đạo IPC với trách nhiệm người đứng đầu là ông Tề Trí Dũng đã quyết định bán chỉ định vốn Nhà nước tại Cty Cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn, Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước cho 2 DN tư nhân dưới hình thức là cổ đông chiến lược, khối lượng 29 triệu cổ phiếu được bán theo lô, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Nhưng điều quan trọng hơn là phía sau các quyết định của lãnh đạo IPC là các văn bản chấp thuận chủ trương của ông Tất Thành Cang, trong thời gian làm Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh.

Sau khi hồ sơ sai phạm được chuyển cho cơ quan bảo vệ pháp luật thì Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã tiến hành điều tra làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của lãnh đạo IPC, còn Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã có kiến nghị xử lý sai phạm của ông Tất Thành Cang.

Nhưng hậu quả của các hành vi sai phạm này sẽ khó có thể khắc phục vì các DN ngay khi trở thành cổ đông chiến lược đã có phương án để chuyển hóa các diện tích đất của IPC tại Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giuộc…

Sai phạm tương tự này cũng là nỗi nhức nhối mà dư luận quan tâm đối với tài sản Nhà nước đang bị “bốc hơi” tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn, Tổng Công ty Bến Thành… mà cơ quan quản lý chưa có giải pháp ngăn chặn kịp thời.

Khu đất vàng 19.438m2 tại số 01 đường Võ Thị Sáu, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc đã trở thành tài sản của Tập đoàn Trần Thái. Ảnh: Thảo Du

Cần xử lý nghiêm

Tại các tỉnh, thành khác, tình trạng DNNN được giao tài sản là giá trị quyền sử dụng đất nhưng không quản lý, không khai thác đúng quy định mà chỉ chờ đợi để bàn giao cho cổ đông chiến lược cũng là câu chuyện cần có giải pháp chấn chỉnh kịp thời.

Đó là khu đất vàng 19.438m2 tại số 01 đường Võ Thị Sáu, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc là tài sản được UBND tỉnh Kiên Giang giao quyền quản lý cho Cty Cổ phần Du lịch Phú Quốc để khai thác theo quy định.

Trên phần đất này, ngoài phía bờ biển là nơi sinh hoạt công cộng của người dân thì còn có một khách sạn mang tên Hương Biển được xây dựng từ nhiều năm trước, nằm sát bên chợ đêm Dinh Cậu.

Nhưng sau đó Tập đoàn Trần Trái đã trở thành cổ đông chiến lược, với 90% vốn và đã triển khai xây dựng công trình khách sạn hình con tàu lấn chiếm toàn bộ không gian biển, làm biến dạng quy hoạch đô thị và trực tiếp ảnh hưởng đến Dinh Cậu là di tích lịch sử văn hóa được UBND tỉnh Kiên Giang công nhận từ năm 2012.

Trong khi đó, các diện tích nhà đất của Công ty Cổ phần Thương mại Kiên Giang (KTC) cũng đang là đích ngắm của nhiều đại gia tư nhân, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh xăng dầu của DN này tại huyện Phú Quốc, cũng như giá trị quyền sử dụng đất tại dự án khu dân cư 67ha tại khu phố 10, thị trấn Dương Đông.

Với chức năng kinh doanh đa ngành, trong đó KTC chiếm đến 40% thị trường xăng dầu của tỉnh Kiên Giang thì việc quản lý đúng quy định khối lượng tài sản, vốn Nhà nước tại DN này phải được siết chặt để tránh thất thoát.

Nhận định đây là các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng và lợi ích nhóm nên Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra toàn diện nhiều tập đoàn, tổng công ty và sau đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách để hạn chế hiện tượng lợi dụng kẽ hở của chính sách để chiếm đoạt tài sản Nhà nước. 

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng triển khai nhiều cuộc kiểm toán tài sản Nhà nước, nhà đất công tại các địa phương để đề xuất xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ hơn cho lĩnh vực này.

Đặc biệt về quan điểm thì Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước đều xác định rõ phải làm rõ, xử lý nghiêm tất cả các sai phạm trong thoái vốn Nhà nước tại các DNCPH, với tinh thần phối hợp chặt chẽ, hạn chế chồng chéo trong thanh tra, kiểm toán về tài sản Nhà nước.

Gần đây nhất, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về CPH DN Nhà nước, cũng đã đồng ý với kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường là:

Khi xác định giá trị đối với một số DN đặc thù, cơ quan tư vấn xác định để báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định xác định giá trị thương hiệu bao gồm cả các yếu tố lịch sử, bề dày truyền thống.

Về xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị DN CPH, đảm bảo hoàn thiện đầy đủ hồ sơ pháp lý về đất đai của trước khi CPH, khắc phục tình trạng sau khi chuyển sang công ty cổ phần mới có ý kiến của địa phương về hồ sơ pháp lý.

Phương án sử dụng đất của toàn bộ diện tích đất DNCPH đang quản lý, sử dụng phải bảo đảm phù hợp với quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà đất phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại địa phương, phù hợp với chiến lược phát triển DN.

Theo Thanhtra.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT

Thực phẩm ảnh hưởng tới trí nhớ

GD&TĐ - Chế độ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chiên rán, nhiều đường làm giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm.