Bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu phổ biến trong giới trẻ
Thời niên thiếu và tuổi trẻ có thể là thời gian tươi đẹp đầy hứng khởi với nhiều sự kiện: chuyển trường, chuyển cấp, bạn bè mới, bước vào đại học, sống xa gia đình rồi có một công việc mới... nhưng cũng đi cùng với nhiều áp lực khi phải thích nghi liên tục với những thay đổi và đối diện với những thách thức trong cuộc sống.
Trong nhiều trường hợp, nếu những căng thẳng không được nhận thức và xử trí kịp thời có thể sẽ dẫn tới những rối loạn tâm thần. Đến 50% các bệnh lý về tâm thần khởi phát từ độ tuổi 14 như trầm cảm, rối loạn lo âu và rối loạn ăn uống nhưng không được phát hiện và can thiệp sớm.
Rối loạn sức khỏe tâm thần là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc sử dụng các chất gây nghiện (bao gồm cả rượu và ma túy) trong nhóm thanh thiếu niên, ngược lại việc lạm dụng ma túy làm xuất hiện hoặc trầm trọng thêm các rối loạn tâm thần.
Theo UNICEF, ước tính ít nhất 3 triệu thanh thiếu niên Việt Nam có các vấn đề về sức khỏe tâm lý, tâm thần. Chỉ có khoảng 20% trong số đó nhận được các hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết. Phần lớn sử dụng rượu, thuốc lá và ma túy để "tự chữa", xoa dịu tình trạng rối loạn tâm thần. Các chất kích thích này không những không giúp ích trong điều trị tâm thần mà còn làm tăng nguy cơ lạm dụng dẫn đến phụ thuộc và nghiện.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một nửa bệnh lý về tâm thần khởi phát ở độ tuổi 14. Trầm cảm là rối loạn tâm thần phổ biến thứ ba trong thanh thiếu niên. Tự sát là nguyên nhân tử vong thứ hai trong nhóm độ tuổi từ 15 đến 29. Tình trạng sử dụng rượu và ma túy của thanh thiếu niên là vấn đề nổi cộm tại nhiều quốc gia, dẫn đến các hành vi nguy cơ như quan hệ tình dục hoặc điều khiển phương tiện giao thông không an toàn.
Thấu hiểu và hỗ trợ
Chia sẻ tại hội thảo Sức khỏe tâm thần và sử dụng ma túy trong thanh niên: Thấu hiểu và hỗ trợ, chị Nguyễn Thuỳ Linh, Quản lý chương trình Trẻ em và Thanh niên của Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) đại diện Ban tổ chức cho biết: “Có rất nhiều lý do khiến thanh thiếu niên tìm đến ma túy như là cách để hoà nhập, cảm thấy dễ chịu, giải toả lo âu, căng thẳng, làm tốt hơn, thích thử cái mới…”.
Bác sĩ Nguyễn Song Chí Trung, Trung tâm Chuyển giao công nghệ điều trị nghiện và HIV (VHATTC), Đại học Y Dược TP HCM, cho biết có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc sử dụng ma túy ở thanh thiếu niên. Thông thường là sức ép của việc khẳng định bản thân, rủ rê từ bạn bè, bị bạo hành, bị lạm dụng, bố mẹ ly hôn, cuộc sống quá cơ cực...
Hầu hết thanh thiếu niên sử dụng ma túy ban đầu chỉ với mục đích thử nghiệm, sau đó lạm dụng và nghiện. "Do buồn và áp lực cuộc sống nên em tìm đến cần sa để giải muộn phiền. Bây giờ cứ buồn chuyện gì là em lại hút mới thoải mái. Em ước gì gia đình em không giàu có, bố mẹ em không cãi vã nhau, có lẽ em đã không như bây giờ", một bạn trẻ chia sẻ.
Cũng theo bác sĩ Trung, sự kỳ thị và phân biệt đối xử đã hạn chế người sử dụng ma túy có nhu cầu chia sẻ, tìm kiếm sự giúp đỡ và hỗ trợ. Đến 66% người được hỏi nói rằng họ lo sợ phản ứng của mọi người nếu biết mình sửdụng ma túy, gần 54% cảm thấy cần thiết phải che giấu tình trạng nghiện của mình.
"Họ càng bị cô lập thì việc chẩn đoán rối loạn tâm thần càng muộn, điều trị bị trì hoãn khiến cho tổn thương ở não bộ khó hồi phục và mất thời gian hơn rất nhiều", bác sĩ Trung cho biết.