Xây dựng văn hóa học đường: Phù hợp bối cảnh, điều kiện nhà trường

GD&TĐ - Nhiều năm qua, xảy ra không ít vụ bạo lực, ứng xử không chuẩn mực trong môi trường học đường…

Học sinh Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (TP Lào Cai). Ảnh: TG
Học sinh Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (TP Lào Cai). Ảnh: TG

Các chuyên gia, đại biểu Quốc hội cho rằng, xây dựng văn hóa học đường là nhu cầu bức thiết, góp phần rèn nhân cách cho học sinh, đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục.

Rèn luyện nhân cách học sinh

GS.TS Thái Văn Thành - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An nhìn nhận: Những năm gần đây, chúng ta phải đối mặt với nhiều biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, lối sống trên bình diện xã hội nói chung, môi trường học đường nói riêng. Đâu đó, vẫn có một bộ phận học sinh ứng xử thiếu văn hóa, kém hiểu biết, gây ảnh hưởng đến tinh thần và môi trường văn hóa giáo dục tốt đẹp trong trường học.

Đối với học sinh, xuất hiện tình trạng nói xấu người khác, nói tục, chửi thề, bạo lực học đường… Có học sinh còn nhắn tin trên Facebook xúc phạm danh dự, uy tín của thầy, cô giáo và nhà trường… Sự việc trên khiến dư luận xã hội bất bình và lo lắng về ý thức, thái độ thiếu tôn trọng thầy, cô giáo của một bộ phận học trò hiện nay.

Từ thực tế, Đại biểu Thái Văn Thành cho rằng: Trước bối cảnh đổi mới giáo dục và cuộc cách mạng 4.0, việc xây dựng văn hóa học đường trong các cơ sở giáo dục, đào tạo là vấn đề cấp thiết, nhất là khi giáo dục đào tạo luôn được coi là quốc sách hàng đầu. Văn hóa học đường ảnh hưởng nhiều tới chất lượng và hiệu quả của quá trình giáo dục trong nhà trường theo hướng phát triển con người toàn diện.

Tham luận tại Hội thảo “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh nhấn mạnh: “Văn hóa học đường là môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ thành những con người phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm cao với đất nước, gia đình và bản thân. Xây dựng văn hóa học đường phải được coi là vấn đề trọng tâm trong mỗi cơ sở giáo dục.

Ở đó diễn ra quá trình tương tác giữa thầy, cô học trò; giữa thầy cô và giữa người học với nhau. Trong đó, thầy - trò phải có mối quan hệ thân thiện, cởi mở và tuân thủ nguyên tắc “tôn sư, trọng đạo”. Đồng thời, khuyến khích và phát huy tài năng sáng tạo của người học và người dạy. Xây dựng văn hóa học đường là xây dựng nền nếp, kỷ cương, dân chủ và các mối quan hệ tốt đẹp trong nhà trường theo các chuẩn mực chung của văn hóa và các quy định riêng của ngành Giáo dục”.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Trần Văn Thức - Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa trao đổi: Xây dựng văn hóa học đường là yếu tố then chốt để phát triển nhà trường. Văn hóa học đường lành mạnh, tích cực sẽ là yếu tố thuận lợi để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, phòng ngừa các hành vi lệch chuẩn, tạo động lực cho cả người dạy và người học. 

Phát triển văn hóa học đường góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Ảnh minh hoạ
Phát triển văn hóa học đường góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Ảnh minh hoạ

Lồng ghép với dạy học và giáo dục

Để làm tốt điều này, Đại biểu Trần Văn Thức cho rằng: Các nhà trường phải hoàn thiện văn bản về quy định, quy chế ở mức tốt nhất, phù hợp thực tiễn phát triển. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ quán lý, nhà giáo, người lao động, học sinh, sinh viên và gia đình về sự cần thiết của việc xây dựng văn hóa học đường trong giai đoạn hiện nay.

Cùng với đó, cần nâng cao năng lực giáo dục văn hóa ứng xử cho cán bộ quản lý, giáo viên và lực lượng giáo dục khác. Mặt khác, phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa lành mạnh, thân thiện cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên nhằm tạo sự chuyến biến căn bản về ứng xử văn hóa trong nhà trường. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nhằm hướng tới môi trường sư phạm lành mạnh, thân thiện, tích cực và hướng tới sự phát triển bền vững.

Trao đổi về kế hoạch xây dựng văn hóa học đường, Đại biểu Thái Văn Thành đề cập đến một số yêu cầu cần đáp ứng như: Hướng đến và thực hiện được mục tiêu bình đẳng văn hóa mới của nhà trường. Ngoài ra, cần bảo đảm tính hiệu quả, khả thi và phù hợp với thực tiễn của nhà trường.

Bên cạnh đó, hiệu trưởng cần làm cho giáo viên, học sinh hiểu rõ văn hóa ứng xử, văn hóa nhà trường, tầm nhìn, giá trị của nhà trường. Phổ biến nhu cầu thay đổi, viễn cảnh tương lai để mọi người cùng chia sẻ. Từ đó động viên tinh thần, tạo động lực cho đội ngũ cán bộ, giáo viên trong nhà trường có sự đồng thuận, hiểu rõ vai trò, vị trí, quyền lợi và trách nhiệm của mình trong việc nỗ lực tham gia xây dựng phát triển văn hóa mới cho nhà trường. Kế hoạch cần cụ thể, chi tiết tới từng người, phù hợp với các điều kiện, thời gian và nguồn lực khác để có thể thực thi được.

Văn hóa học đường cần xây dựng theo quy trình các bước như tìm hiểu môi trường và các yếu tố ảnh hưởng tới chiến lược phát triển. Xác định được giá trị cốt lõi và xây dựng tầm nhìn của nhà trường. Xác định được hệ thống nhiệm vụ, chương trình hành động, hoạt động xây dựng văn hóa học đường. Phải lựa chọn mô hình phát triển văn hóa phù hợp với thực tiễn nhà trường. Cuối cùng là lập kế hoạch phát triển văn hóa nhà trường.

Để thực hiện văn hóa học đường cũng cần có nguồn lực thích hợp. Hiệu trưởng cần bố trí nguồn kinh phí hợp lý và khai thác các nguồn lực khác phục vụ cho việc thực hiện kế hoạch phát triển văn hóa học đường. Để thực hiện giải pháp này hiệu quả, đòi hỏi hiệu trưởng phải có kỹ năng chỉ đạo xây dựng kế hoạch phát triển văn hóa học đường.

Theo Đại biểu Thái Văn Thành, để xây dựng được văn hóa trong trường học, cần có sự kết hợp liên bộ, liên ngành và toàn xã hội. Trong đó, vai trò quan trọng là ngành Giáo dục và Văn hóa cùng thực hiện mục tiêu chung là xây dựng con người Việt Nam. Do vậy, việc xây dựng văn hóa học đường trong bối cảnh hiện nay là yêu cầu bức thiết nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ