(GD&TĐ)- Đình Chu Quyến là di tích có từ thế kỉ thứ 17, di tích này không chỉ nổi tiếng về dáng vẻ đồ sộ mà còn nổi tiếng về lối kiến trúc tài hoa của ông cha ta, tiêu biểu cho phong cách kiến trúc đền đài của Đồng bằng Bắc Bộ. Năm 2010 Dự án trùng tu Đình Chu Quyến đã vinh dự được nhận giải thưởng lớn về bảo tồn di sản kiến trúc do Hiệp Hội Kiến trúc sư quốc tế (UIA) trao tặng.
Đây là sự kiện lớn của ngành Văn hóa thể thao và Du lịch trong năm qua bởi nó đánh dấu một bước trưởng thành vượt bậc của công tác trùng tu, gìn giữ các di sản văn hóa của dân tộc.
Dự án trùng tu đình Chu Quyến do Viện Bảo tồn di tích - Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch thực hiện. Đình Chu Quyến (còn gọi là đình Chàng) thuộc xã Chu Minh (Ba Vì-Hà Nội) là một trong 14 ngôi đình cổ của huyện Ba Vì. Dự án được thực hiện với mục đích là trùng tu, khôi phục và giữ lại nguyên trạng vẻ đẹp kiến trúc của ngôi đình cổ, quy mô lớn nhất xứ Đoài.
Ngôi đình này có nhiều nét độc đáo về kiến trúc và chạm khắc trang trí. Đình có niên đại nửa cuối thế kỷ 17. Mặt bằng của đình hình chữ nhật, dài 30 mét, rộng 17 mét, có ba gian hai chái. Bộ khung nhà có sáu hàng cột lim lớn chịu lực, mái nhà thấp, bốn góc đao cong vút lên, riêng cột cái có chu vi 2,45 mét. Sàn đình bằng gỗ, cao, cách mặt đất 0,8 mét, chia làm ba cấp để người ngồi theo ngôi thứ khi họp bàn việc làng trong thời trước. Hệ thống lan can bao quanh sàn đình.
Đình rộng, mái thấp, sàn cao, xung quanh thoáng đãng, tạo cảm giác cho mọi người tham quan: đứng chỗ nào cũng thấy những khối gỗ to mập nặng nề như lơ lửng ngay trên đầu. Để xóa bỏ cảm giác khó chịu đó, những nghệ nhân dựng đình đã “hóa thân” cho các khối gỗ thành các tác phẩm tạo hình: hoa lá, mây trời, rồng, phượng, các con thú và các cảnh hoạt động của con người như làm ruộng, táng mả vào hàm rồng, người uống rượu, người cưỡi hổ, người cưỡi ngựa, người dắt voi… Đình được trùng tu trên cơ sở sử dụng kỹ thuật tân tiến nhưng không xa rời yếu tố gốc, vẫn thể hiện nét đẹp của một ngôi đình cổ xưa.
|
Sân đình rêu phong, cổ kính. Ảnh, gdtd.vn |
|
Ngôi đình có diện tích lên đến 510 mét vuông. Ảnh, gdtd.vn |
|
Do có mái lớn, thấp, các nghệ nhân thường biến các góc mái đình thành đầu đao cong vút lên tạo dáng thanh thoát. Ảnh, gdtd.vn |
|
Ảnh, gdtd.vn |
|
Hàng cột ở gian trái. Ảnh, gdtd.vn |
|
Có thể thấy rõ các vật liệu trùng tu còn màu tươi mới và các chi tiết được giữ lại đã nhuốm màu của thời gian. Ảnh, gdtd.vn |
|
Gian giữa của ngôi đình. Ảnh, gdtd.vn |
|
Những cột cái của đình Chu Quyến lớn đến 2,45 mét chu vi nên ca dao còn có câu "to như cột đình Chàng". Ảnh, gdtd.vn |
|
Đầu các xà lớn được trạm trổ công phu. Ảnh, gdtd.vn |
|
Các xà nhỏ được đặt tượng cách điệu. Ảnh, gdtd.vn |
|
Trang trí thêm các hoa văn là biến thể của các quan niệm dân gian, trong ảnh, mô tả quan niệm táng mả hàm rồng để cả làng phát đạt. Ảnh, gdtd.vn |
|
Bằng sự khéo léo và công phu, các nghệ nhân xây dựng nên ngôi đình từ thế kỉ thứ 17 đã biến khối kiến trúc bằng gỗ đồ sộ nặng nề thành một công trình nghệ thuật. Ảnh, gdtd.vn |
|
Trải qua nhiều thế kỉ, các cột bằng cây trò vảy, trò chỉ... của ngôi đình bị mọt, rỗng. Nay dự án đã thay mới nhưng vẫn đảm bảo tính nguyên bản của di tích này. Ảnh, gdtd.vn |
|
Với sàn rộng nên ngôi đình là nơi bọn trẻ trong làng nô đùa thỏa thích. Ảnh, gdtd.vn |
|
"Ra đình ngả nón trông đình, đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu" - câu ca dao về tình yêu nói lên đình đền đã đi vào tâm thức của người Việt từ xa xưa. Ảnh, gdtd.vn |
Bá Hải