Ngại ngần chọn thi môn mới

GD&TĐ - Theo phương án thi được Bộ GD&ĐT phê duyệt, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 thí sinh sẽ thi 4 môn.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Trong đó có 2 môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 bao gồm Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Đây cũng là kỳ thi đầu tiên môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ được đưa vào hệ thống các môn thi tốt nghiệp.

Đến nay, các trường THPT đã hoàn thành việc khảo sát thăm dò nguyện vọng của học sinh để tổ chức dạy học hướng đến kỳ thi. Nhiều địa phương còn có sáng kiến mở lớp học “chạy”, thực hiện ở buổi 2 với 2 môn tự chọn để hỗ trợ học sinh.

Tình hình khảo sát nguyện vọng và tổ chức lớp học “chạy” ở một số nơi cho thấy số đông học sinh không chọn môn học mới để thi tốt nghiệp. Tại TPHCM, hầu hết học sinh chọn những môn thi truyền thống, nhiều nhất là nhóm môn Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học; rất ít em chọn thi 3 môn mới, đặc biệt là Tin học và Công nghệ.

Đơn cử Trường THPT Tây Thạnh (quận Tân Phú) có 900 học sinh thì chỉ có 13 em chọn Tin học, 2 em chọn Công nghệ; Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức) có 621 học sinh, chỉ có 1 em chọn thi Công nghệ, 2 em chọn thi Tin học. Đặc biệt có trường không có học sinh chọn thi Tin học và Công nghệ, như Trường THPT Dương Văn Thì (TP Thủ Đức). Do số lượng học sinh chọn quá ít nên một số trường không thể tổ chức lớp học “chạy” 2 môn này.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến việc học sinh không mặn mà chọn Tin học và Công nghệ để thi tốt nghiệp. Thực tế triển khai Chương trình GDPT 2018 với hai môn học này còn những thách thức về đội ngũ cũng như trang thiết bị dạy học. Học sinh các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội, nhà trường có cơ sở vật chất, trang thiết bị đầy đủ thì nhiều thuận lợi, nhưng khu vực nông thôn, vùng sâu, xa lại gặp không ít khó khăn.

Cả thầy và trò chưa có tiền lệ học và ôn thi từ những kỳ thi trước, nhà trường cũng rất khó trong việc tuyên truyền, hướng dẫn. Tình trạng này khiến nhiều học sinh e ngại, chưa dám đăng ký học và thi tốt nghiệp môn Tin học và Công nghệ.

Bên cạnh đó, các trường đại học còn chậm công bố dự kiến phương án tuyển sinh năm 2025. Một số trường đã công bố phương án thì chưa điều chỉnh bổ sung các tổ hợp môn có sự tham gia của những môn học mới. Phụ huynh, học sinh thường có tâm lý an toàn, thi/tuyển sinh thế nào thì chọn học thế ấy.

Không phải ngẫu nhiên mà Tin học và Công nghệ được đưa vào Chương trình GDPT 2018 và nằm trong nhóm môn tự chọn thi tốt nghiệp THPT. Là những môn học liên quan trực tiếp đến lĩnh vực STEM, Tin học và Công nghệ là nền tảng để phân luồng hướng nghiệp vào nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ cao.

Đưa Tin học và Công nghệ vào các tổ hợp môn xét tuyển đại học sẽ đặc biệt khuyến khích học sinh lựa chọn và đầu tư vào các môn học này, tạo điều kiện phát triển lực lượng lao động có kỹ năng công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong nước và quốc tế.

Dự kiến trong thời gian tới, xét tuyển dựa trên tổ hợp môn theo học bạ và điểm thi tốt nghiệp vẫn là những phương thức tuyển sinh phổ biến. Để Tin học và Công nghệ được học sinh chọn lựa học tập, thi cử và hướng nghiệp, cùng với việc các trường đại học cần sớm bổ sung tổ hợp môn phù hợp, cần có chính sách nâng cao chất lượng dạy học hai môn này, đảm bảo sự công bằng trong học tập và thi cử giữa học sinh các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau.

Có như vậy những môn học mới, là nét đặc sắc của Chương trình GDPT 2018 mới phát huy được hiệu quả, góp phần đáp ứng nhu cầu nhân lực nền kinh tế trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ