Nga-Ukraine sau 6 tháng xung đột: Hơn 5.500 dân thường thiệt mạng, gần 7.700 người bị thương

GD&TĐ -24/8 là đúng 6 tháng kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Cuộc tấn công bất ngờ tưởng như sẽ diễn ra chóng vánh, nhưng đến nay vẫn chưa thấy hồi kết.

6 tháng chiến sự đã khiến khoảng 13 triệu người Ukraine phải di tản, trong đó một nửa ra nước ngoài, chủ yếu sang châu Âu. Nhiều thành phố của Ukraine bị phá hủy, hoạt động sản xuất của Ukraine bị đình trệ. Nga phải chịu hàng nghìn lệnh trừng phạt. Quan hệ giữa Nga với phương Tây trở nên tồi tệ chưa từng thấy.

Liên Hợp Quốc ước tính 6 tháng chiến sự đã khiến hơn 5.500 dân thường thiệt mạng, gần 7.700 người bị thương, nhưng con số thực tế có thể cao hơn đáng kể. Số binh sĩ hai bên thương vong không thể xác định bởi không bên nào công bố con số thật, nhưng cũng lên tới hàng nghìn, thậm chí hơn nữa.

Sau 6 tháng, từ chỗ chỉ có ảnh hưởng với một số khu vực ly khai ở vùng Donbass phía Nam Ukraine, giờ đây Nga kiểm soát hơn 1/5 lãnh thổ nước láng giềng và gần hết vùng Donbass, trong đó có việc tiêu diệt hoàn toàn thủ phủ Mariupol của tiểu đoàn Azov cực hữu mà Nga coi là thủ phạm đàn áp người nói tiếng Nga ở Ukraine.

Phương Tây cho rằng Nga sẽ thực hiện chiến thuật đánh nhanh thắng nhanh ở Ukraine mặc dù Nga không hề tuyên bố điều đó. Trên thực tế, cuộc chiến đã kéo dài tới 6 tháng và chưa thấy hồi kết.

Ban đầu Nga đã tiến nhanh về Kiev, sớm kiểm soát một số thành phố của Ukraine, nhưng họ đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt không lường trước từ phía Ukraine.

Quốc gia này còn được sự hậu thuẫn to lớn từ EU và Mỹ: Các nước châu Âu và Mỹ đã nhanh chóng hình thành được mặt trận đoàn kết chống lại Nga, khiến Nga vừa bị cấm vận kinh tế, vừa bị cản trở và thiệt hại trên chiến trường, làm chậm bước tiến của họ.

Giai đoạn hai của cuộc chiến với mục tiêu của Nga là kiểm soát hoàn toàn vùng Donbass dường như cũng bị sa lầy. Sau 6 tháng, khó mà nói đến thắng thua hoàn toàn với bất kỳ bên nào.

Tuy nhiên, cuộc chiến đã đem lại những thay đổi căn bản với Nga, Ukraine, với Mỹ, châu Âu và với cả thế giới. Ở châu Âu, Ukraine nhận thấy rõ NATO không sẵn sàng kết nạp họ nhưng EU đã vội vã dành cho Ukraine quy chế thành viên. Thụy Điển, Phần Lan từ bỏ quy chế trung lập và xin gia nhập NATO, cho dù điều này không đe dọa đến lợi ích của Nga như Ukraine.

Song có thể nói Nga đã ngăn chặn được việc NATO mở rộng đến Ukraine bởi rõ ràng NATO cũng không muốn mâu thuẫn hai bên lên tới cực điểm, khi Nga đã tuyên bố sẵn sàng sử dụng đến vũ khí hạt nhân nếu cần.

Cuộc chiến giữa Nga - Ukraine cũng không bó hẹp giữa hai nước này nữa, mà là sự đối đầu giữa Nga với Mỹ và các nước châu Âu. Các nước này đổ tiền của, vũ khí viện trợ cho Ukraine và đó chính là nguồn lực để khiến Ukraine kìm chân được Nga trên chiến trường. Phương Tây muốn sử dụng Ukraine như mặt trận để chống Nga đến chừng nào có thể và vì thế ngày kết thúc cuộc chiến càng khó mà dự đoán.

Thế đối chọi không chỉ trên chiến trường, mà còn trong cục diện chính trị. Nội bộ các nước châu Âu bị chia rẽ đáng kể. Trong khi Tổng thống Putin được người dân Nga ủng hộ mạnh mẽ trong công cuộc khôi phục vị thế của Nga, thì ở một vài nước châu Âu đã có những chính phủ sụp đổ, những nhà lãnh đạo phải ra đi.

Giá khí đốt tăng, giá sinh hoạt tăng, lạm phát tăng khiến sự ủng hộ của người dân với các chính phủ châu Âu suy yếu, và vì thế sự hậu thuẫn của phương Tây với Ukraine không còn được mạnh mẽ như giai đoạn ban đầu.

Sự đối đầu với phương Tây đẩy Nga đến chỗ thân thiết với Trung Quốc hơn, ngoài ra là với Ấn Độ, Iran, Brazil. Khi không bán dầu được cho phương Tây thì Nga tìm kiếm thị trường mới ở Trung Quốc, Ấn Độ, dù với giá rẻ hơn nhưng họ vẫn có nguồn thu ngoại tệ ổn định và hình thành sự hợp tác mới với các cường quốc lớn của châu Á, Trung Đông.

Một cục diện thế giới mới được dự đoán, dù chưa thể định hình nhưng rõ ràng gây nhiều lo ngại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ