Chúng ta vẫn ao ước về cách dịch chuyển tức thời với những “thần tượng” từ tấm bé: Son Goku từ bộ truyện Bảy Viên Ngọc Rồng, lớn hơn một chút lại thèm thuồng phép blink và teleport từ WarCraft, to đầu thêm vài năm lại muốn có công nghệ tia dịch chuyển của Star Trek. Và chính cái lúc to đầu đó, lúc này đây, ta mới chợt nhận ra không có phép màu nào tồn tại cả. Vì thế, muốn có được “dịch chuyển tức thời” thì ta phải nhờ cậy tới các nhà khoa học.
Chúng ta đã có tin vui, chưa đủ để ăn mừng nhưng ít nhiều vẫn là tin vui: một chương trình nghiên cứu được hỗ trợ bởi điện Kremlin, đang tiến hành biến giấc mơ dịch chuyển tức thời thành hiện thực. Và họ mong muốn sẽ dựng lên một thiết bị như vậy vào năm 2035.
“Ngày nay, chuyện đó nghe có vẻ bất ngờ và tuyệt diệu, nhưng thực ra đã có một thử nghiệm thành công ở Stanford rồi, nhưng chỉ mới thành công ở mức phân tử”, theo lời của Alexander Galitsky, một nhà nghiên cứu Nga. “Rất nhiều thành tựu công nghệ ngày nay đã được điện ảnh 20 năm về trước ‘thiết kế’ rồi”.
2,1 nghìn tỷ USD là số tiền đã được người Nga đổ vào việc nghiên cứu, phát triển ngành điều khiển học từ nay tới năm 2035, bao gồm việc phát triển một chương trình ngôn ngữ lập trình, công nghệ an ninh trong liên lạc, tính toán lượng tử và thiết lập liên kết giữa máy tính và não bộ con người.
Mục tiêu về một máy dịch chuyển cũng không xa vời đến thế. Năm 2014, các nhà khoa học tại Đại học Công nghệ Delft tại Hà Lan đã lần đầu tiên trình diễn được công nghệ dịch chuyển: họ đã dịch chuyển được thông tin mã hóa trong một hạt hạ nguyên tử , khoảng cách dịch chuyển là 3 mét với sự tin cậy lên tới 100%.
Các nhà khoa học cho rằng với những bước tiến trong tính toán lượng tử và công nghệ liên kết não bộ với máy tính, thì việc con người có thể “teleport” sẽ khả thi trong vòng vài thập kỷ tới.
Tổng thống Vladimir Putin đã có những lời khen ngợi lĩnh vực công nghệ thông tin của Nga, khi ông gặp một nhóm những lập trình viên từ Đại học St Petersburg trong một buổi gặp gỡ, nhóm này đã giành được một giải lập trình quốc tế trong năm 2016.
Nước Nga không thiếu những cộng đồng lập trình tài năng, kể cả những khu vực phần mềm tuy nhỏ nhưng rất mạnh, cung cấp cho cộng đồng nhiều sản phẩm thành công, như hai công ty Yandex và Kaspersky Labs.
Nhiều chính phủ phương Tây cũng tin rằng nước Nga đã tập hợp những tài năng tin học mới lại thành một trong những hệ thống hacker và những người lính internet mạnh mẽ nhất thế giới.