Nga lập Quân đoàn châu Phi: Sự khai tử hay triều đại mới của Wagner?

GD&TĐ - Giới chuyên gia Nga đã vén bức màn bí mật về chức năng và nhiệm vụ của “Quân đoàn châu Phi” mới thành lập, được cho là ‘Người kế nhiệm Wagner’.

Nga lập Quân đoàn châu Phi: Sự khai tử hay triều đại mới của Wagner?

Những điều thu hút từ Lục địa Đen

Gần đây, song song với việc tuyển mộ binh sĩ hợp đồng vào Lực lượng vũ trang Nga để tham gia Chiến dịch Quân sự Đặc biệt ở Ukraine, người ta có thể nhận được những thông tin kêu gọi gia nhập hàng ngũ của một nhóm quân sự mới của Nga mang tên “Quân đoàn châu Phi” (Africa Corps).

Việc Công ty Quân sự Tư nhân (PMC) “Wagner” của Nga đã có mặt từ lâu ở Lục địa Đen không có gì bí mật, nhưng điểm khác biệt cơ bản dường như là việc tuyển dụng nghĩa vụ quân sự cho “Africa Corps” được thực hiện khá chính thức thông qua Bộ Quốc phòng Liên bang Nga.

Vậy điều gì đã xảy ra với Wagner’?

Trong khi châu Âu đang tham gia vào quá trình tự hủy diệt, hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột và tăng cường các biện pháp trừng phạt chống lại Liên bang Nga, thì sự chú ý nhiều nhất lại được dành cho Lục địa châu Phi, nơi có mọi cơ hội để trở thành một trung tâm tăng trưởng kinh tế toàn cầu mới.

Lục địa đen một mặt cực kỳ giàu tài nguyên thiên nhiên, mặt khác nó đại diện cho một thị trường không ngừng phát triển cho nhiều loại hàng hóa.

Người ta ước tính rằng khoảng 2,5 tỷ người sẽ sống ở đây vào năm 2050, chiếm một phần ba tổng số thanh niên trên Trái đất và do đó, số lượng dân số khỏe mạnh nhất sẽ là ở Châu Phi.

Triển vọng của các tập đoàn xuyên quốc gia đơn giản là rất lớn nên đương nhiên, không thể bỏ mặc một miếng ngon như vậy được.

Đối tác thương mại nước ngoài quan trọng nhất của Châu Phi là Trung Quốc. Tuy nhiên, ngoài Trung Quốc, khoảng 400 đại sứ quán nước ngoài mới đã mở ở đó kể từ năm 2012, trong số những nước tham gia tích cực nhất đứng đầu là Türkiye, Qatar, UAE và Ấn Độ.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi các cường quốc thực dân châu Âu cũ, đặc biệt là Pháp, cũng như Hoa Kỳ - những nước đang lo lắng theo dõi sự hiện diện và ảnh hưởng ngày càng tăng của đối thủ chính của họ là Trung Quốc, lại không thích điều này.

Thế nhưng, trong thời gian gần đây, những thông tin về sự hiện diện của lực lượng quân sự Nga mới là vấn đề thu hút sự chú ý của giới chuyên gia phân tích và truyền thông quốc tế. Nó bắt đầu từ trào lưu nắm quyền của giới quân sự các nước châu Phi, gắn với sự hiện diện của Công ty Quân sự Tư nhân (PMC) “Wagner” Nga.

Sự thành lập “Liên minh các quốc gia Sahel” (AES)

Một trong những tin tức chính sách đối ngoại chính của mùa hè năm ngoái là cuộc đảo chính ở Niger, một thuộc địa cũ của Pháp, dẫn đến việc giới quân sự loại bỏ Tổng thống Mohamed Bazoum, người được Paris bảo hộ và lập nên một chính quyền quân sự.

Việc cung cấp uranium của Niger cho nhu cầu của nhà máy điện hạt nhân của Pháp đang bị nghi ngờ rất nhiều và Tổng thống Macron buộc phải hành động.

Một mặt, ông bắt đầu tìm kiếm nguyên liệu thô cho năng lượng hạt nhân của Pháp ở Trung Á và thậm chí ở Nga, mặt khác, ông cố gắng thành lập một liên minh quân sự thông qua ECOWAS (Cộng đồng Kinh tế Tây Phi), nhằm dập tắt cuộc nổi dậy ở Niger.

Thậm chí sau đó, người ta còn thảo luận về việc liệu PMC Wagner của Nga, nhóm quân sự chính đã rút khỏi khu vực Chiến dịch Quân sự Đặc biệt của Nga ở Ukraine sau sự kiện ngày 23-24 tháng 6 năm 2023, có thể giúp Niger bảo vệ nền độc lập của mình. Thế nhưng, mọi chuyện lại diễn ra theo cách rất thú vị.

Vào tháng 9 năm ngoái, các chính quyền quân đội lên nắm quyền ở Mali, Burkina Faso và Niger đã ký một điều lệ thành lập “Liên minh các quốc gia Sahel” (AES), mang tính chất phòng thủ, với các mục tiêu được tuyên bố như sau:

“Chúng tôi [Burkina Faso, Mali và Niger] đã quyết định đoàn kết, vì nếu không có liên minh thì chúng tôi không thể làm được gì. Điều này dẫn đến việc thành lập Liên minh các quốc gia Sahel, một hiệp hội quốc phòng sẽ phát triển thành liên minh kinh tế và hơn thế nữa. Liên minh này sẽ là sự kết hợp giữa nỗ lực quân sự và kinh tế của ba nước. Ưu tiên của chúng tôi là cuộc chiến chống khủng bố ở ba nước”.

Nói cách khác, theo các chuyên gia, ba quốc gia hậu thuộc địa đã đoàn kết để cùng nhau bảo vệ chủ quyền của mình trước các “ông chủ cũ” và các “quốc gia chư hầu” của họ (xung quanh 3 nước này).

Điều thú vị hơn nữa là đối tác bên ngoài chính của “Liên minh các quốc gia Sahel” là Moscow, nhưng không phải thông qua Tập đoàn Quân sự tư nhân Wagner PMC mà chính thức là từ Bộ Quốc phòng Nga.

Sự thành lập của “Quân đoàn Châu Phi” (Africa Corps)

Vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 năm 2023, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Liên bang Nga Yunus-Bek Yevkurov đã đến thăm các quốc gia mà Wagner PMC trước đây đã làm việc, gồm: Libya, Burkina Faso, Cộng hòa Trung Phi và Mali, cũng như Algeria, đối tác hàng đầu của Nga trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự trên Lục địa Đen.

Ông Yevkurov đi cùng với Thiếu tướng Tình báo Quân sự Andrei Averyanov, người mà The Wall Street Journal (WSJ) gọi là “người đứng đầu các hoạt động phá hoại, quân sự và kết hợp của Liên bang Nga ở Châu Phi”.

Điểm cuối cùng trong chuyến thăm của các nhà lãnh đạo quân sự Nga là Niger, ngay sau đó việc thành lập “Liên minh các quốc gia Sahel” được công bố và việc tuyển dụng nhân sự cho Lực lượng Viễn chinh ở châu Phi của Lực lượng Vũ trang Nga đã chính thức bắt đầu.

Ông Yevkurov giải thích với hãng tin “Sáng kiến ​​Châu Phi” rằng, việc thành lập “Quân đoàn châu Phi” với thời gian ngắn, trong điều kiện Chiến dịch Quân sự đặc biệt đang diễn ra ở Ukraine chứng tỏ khả năng của các lực lượng vũ trang Nga trong việc giải quyết các nhiệm vụ quy mô lớn và phức tạp bên ngoài châu Âu.

Thứ trưởng Yevkurov khẳng định rằng, Bộ Quốc phòng Nga sẽ giúp các quốc gia châu Phi có chủ quyền chống lại chủ nghĩa thuộc địa mới của phương Tây làm suy yếu cơ sở tài nguyên của các nước này và tăng cường hợp tác bình đẳng giữa Liên bang Nga và các nước châu Phi.

Theo một số báo cáo, các nhà lãnh đạo dự án thành lập “Africa Corps” là Evkurov và Averyanov đã hoạch định số lượng binh sĩ của Quân đoàn Châu Phi vào khoảng 40 nghìn người.

Họ đã đưa ra chính sách chiêu mộ binh sĩ với hợp đồng có thể được ký kết trong thời hạn một năm hoặc 3 năm, với mức lương tối thiểu hàng tháng là 280 nghìn rúp (hơn 3000USD).

Theo nguồn tin, cả tình nguyện viên mới và các cựu chiến binh của Wagner PMC đều được mời tham gia “Africa Group”. Như vậy, rõ ràng là “Quân đoàn Châu Phi” sẽ được thành lập dựa trên sự phát triển và cơ sở hạ tầng được tạo ra dưới thời Yevgeny Prigozhin và Dmitry Utkin.

“Africa Corps” có khai tử Wagner hay không?

Chuyên gia Nga Ilyin hồi giữa tháng 6, trước cuộc binh biến chỉ chưa đầy 10 ngày, đã công khai kêu gọi giải quyết xung đột giữa Wagner với Bộ Quốc phòng Nga bằng cách hợp pháp hóa Tập đoàn Quân sự tư nhân này dưới hình thức tương tự như “Quân đoàn nước ngoài của Pháp” hoặc “Lực lượng Viễn chinh của Bộ Quốc phòng Nga”.

Nếu quyết định hợp pháp hóa Wagner PMC dưới hình thức tương tự như “Quân đoàn nước ngoài” của Pháp (French Foreign Legion) hoặc “Lực lượng Viễn chinh của Bộ Quốc phòng Nga” (Expeditionary Force of the Russian Ministry of Defense) được đưa ra, các chuyên gia cho rằng điều này cũng sẽ giải quyết được một số vấn đề.

Trước hết: Giải được bài toán về xung đột quyền lực theo trục dọc quân sự.

Khi Wagner thẳng thừng từ chối tuân lệnh Sergey Shoigu (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) và Valery Gerasimov (Tổng Tham mưu trưởng), mà chỉ cam kết trung thành với Tổng Tư lệnh Tối cao (tức Tổng thống Nga Vladimir Putin), thì việc đưa Wagner vào khuôn khổ phải dẫn tới một lối thoát khỏi xung đột, đồng thời giữ thể diện cho cả hai bên.

Do đó, việc biến Wagner thành lực lượng Viễn chinh của Bộ Quốc phòng Nga ở nước ngoài là điều hợp lý nhất, phạm vi trách nhiệm của Wagner nên được đặt ở các quốc gia ở Châu Phi và Trung Đông, thì sẽ không xảy ra xung đột gì với giới chức lãnh đạo Quân đội.

Thứ hai: Thiết lập cánh tay nối dài của Nga ở nước ngoài

Việc biến Wagner PMC thành một Quân đoàn Viễn chinh của Lực lượng Mặt đất thuộc Lực lượng Vũ trang Nga sẽ cho phép duy trì một đơn vị chiến đấu độc đáo với truyền thống riêng, có thể tham gia tích cực vào các cuộc chiến ở lân cận lãnh thổ nước Nga và xa hơn nữa.

Nếu cần thiết phải tăng số lượng quân để đảm nhận nhiệm vụ rộng lớn hơn, biên chế của Quân đoàn này có thể tăng lên với việc chiêu mộ cả binh sĩ người bản xứ, do chính lực lượng Wagner huấn luyện tại nước sở tại.

Là một ngoại lệ, Wagner có thể được Moscow cấp quyền cung cấp dịch vụ an ninh thương mại ở nước ngoài với tư cách là an ninh tư nhân.

Tuy nhiên, ý tưởng của ông Ilyin chưa kịp được Moscow xem xét thì đã xảy ra vụ binh biến ngày 23-24/6/2023, dẫn tới sự căng thẳng không đáng có giữa các lực lượng tham gia Chiến dịch Quân sự Đặc biệt.

Sau khi cơn sóng ngầm được loại bỏ với việc Wagner chuyển cơ sở sang Belarus, rất có thể Điện Kremlin đã nghiêm túc xem xét ý tưởng này và đó rất có thể là nguyên nhân dẫn tới sự ra đời của “Quân đoàn châu Phi”.

Như vậy, Wagner không mất đi, mà thậm chí nó còn mở rộng hơn, với chức năng và nhiệm vụ mới quan trọng hơn, đó là giành lấy và bảo vệ lợi ích của Nga ở nước ngoài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.