Nét đẹp rạng rỡ của cô gái khuyết tật lọt vào chung kết “Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết”

GD&TĐ - Gương mặt rất tươi với nụ cười luôn thường trực trên môi, vượt lên số phận, lạc quan nhìn về phía trước, cô gái Bùi Thị Phương (Vĩnh Phúc) đã trở thành 1 trong 9 thí sinh lọt vào Vòng chung kết Liên hoan “Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết năm 2019”.

Bùi Thị Phương là 1 trong 9 thí sinh lọt vào Vòng chung kết Liên hoan “Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết năm 2019”.
Bùi Thị Phương là 1 trong 9 thí sinh lọt vào Vòng chung kết Liên hoan “Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết năm 2019”.

Nỗi sợ hãi mùa đông

Là người khuyết tật vận động nhưng Phương chưa bao giờ nghĩ mình là người “có vấn đề về hình thể”. Sinh ra vốn là một cô bé bình thường, nhưng cơn sốt cao lúc ba tháng tuổi đã khiến chân phải của Phương teo đi, giảm vận động.

Dần dần, chân phát triển không lành lặn bình thường, khiến dáng đi của Phương khập khiễng. Biết bao buồn tủi mặc cảm, cô đơn, những mong muốn, ước mơ của cô gái trẻ bị thu hẹp lại, cuộc sống như tối sầm trước mắt.

Những ngày tháng đó, Phương sợ nhất là mùa đông bởi mỗi đợt giá rét, một bên chân lạnh cóng, tê dại run run, cả chân thâm tím vì lạnh tới mức không giữ nổi đôi dép trên chân khiến ai nấy nhìn thấy cũng xót xa.

Vì quá yếu không thể bước đi nếu một tay không chống vào gối, thế là một bên tay phải của Phương phải luôn giữ đầu gối để di chuyển khiến cô rất bất tiện cho mọi sinh hoạt.

Từ đó, cô hạn chế đi lại nhưng càng vậy, ước mơ cho một cuộc sống tươi sáng phía trước cứ thôi thúc cô phải mạnh mẽ hơn.

Số phận thiệt thòi hơn so với chị, em trong gia đình nhưng Phương được sống trong sự yêu thương, chăm sóc tạo điều kiện của bố mẹ, anh chị em, người thân... đó cũng là điểm tựa vững chắc để cô bước đi trên con đường mà mình cần phải đi qua.

Cùng sự động viên, chia sẻ đồng cảm của thầy cô, bạn bè... cô gái trẻ dần vượt qua mặc cảm. Và mọi thứ không phải là con đường cùng như cô đã nghĩ. Trong thời gian còn học phổ thông, chương trình phẫu thuật chỉnh hình cho những người khuyết tật được triển khai, Phương đã có tên trong sanh sách được làm phẫu thuật.

Qua hai lần chỉnh hình, vượt qua đau đớn, Phương đã tập luyện không ngừng với mong muốn phục hồi chức năng cho đôi chân.

Bước ngoặt cuộc đời 

Sung sướng đến rơi nước mắt và vỡ òa trong hạnh phúc là lần đầu tiên Phương biết đi xe đạp vì chân đã khỏe hơn so với lúc chưa phẫu thuật chỉnh hình.

Cố gắng mỗi ngày trên chiếc xe, đóng các cánh cửa lại để tập xe trong nhà, để nếu đổ sẽ có tường và cửa đỡ. Không biết bao nhiêu lần, cánh tay cô xước chảy dài vệt máu nhưng Phương không bỏ cuộc.

Chính dấu mốc đó khiến Phương vững tin đi học, đến trường cùng các bạn. Sau khi tốt nghiệp, Phương theo học Trung cấp Dược Vĩnh Phúc và học liên thông lên trình độ Cao đẳng.

Phương chia sẻ: “Sau khi ra trường, em đã đi làm, có điều kiện giao lưu học hỏi, tự tin, suy nghĩ tích cực hơn. Đặc biệt, em luôn học hỏi các tấm gương khuyết tật vượt khó.

Dù ở dạng khuyết tật nào, không may mắn đến đâu nhưng họ đã và đang vươn lên để khẳng định bản thân mình đóng góp phần nhỏ bé của mình hòa nhập vào xã hội và cộng động như một người bình thường.

Em cũng muốn mình trở thành người tuy khập khiễng về hình thể nhưng trưởng thành và có tri thức”.

Hiện, công việc của Phương là dược sỹ bán hàng thuốc và có thể kiếm tiền nuôi sống bản thân khiến gia đình rất tự hào về cô con gái nhỏ.

Đối với Phương, thật sự may mắn khi cô cảm thấy mình đã chọn đúng nghề bởi có thể tự chăm sóc sức khỏe cho chính bản thân mình, cho những người thân trong gia đình, góp phần nhỏ bé vào việc chăm sóc và bảo về sức khỏe trong cộng đồng. Hơn nữa, công việc này cũng phù hợp với sức khỏe hiện tại của cô.

Cô gái Bùi Thị Phương là 1 trong số những thí sinh tham dự Liên hoan “Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết năm 2019”. Cô cùng 8 thí sinh khác lọt vào vòng chung kết sẽ diễn ra tới đây.

Với cô gái chớm 30 tuổi thì "mình vẫn còn là người thực sự may mắn và hạnh phúc". Có lẽ nhờ tinh thần lạc quan ấy, mà ai cũng luôn nhìn thấy nụ cười nở trên môi cô. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.