Nepal: Tìm giải pháp chống trường “ma”

GD&TĐ - Là quốc gia nghèo, nguồn lực dành cho giáo dục eo hẹp, tuy nhiên nhiều trường học của Nepal chỉ tồn tại trên giấy khiến thất thoát khoản ngân sách vốn ít ỏi dành cho giáo dục. Nepal đang đề ra những biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng trường “ma” - trường học không có giáo viên…

Nepal: Tìm giải pháp chống trường “ma”

Khổ vì thầy bỏ lớp

Với địa hình đa phần là núi non, mỗi ngày hàng nghìn trẻ em Nepal phải vượt hành trình nguy hiểm tới trường. Các em phải vượt qua những con đường gập ghềnh khúc khuỷu, vượt qua những cây cầu treo mỏng manh làm từ sợi thừng…

Tuy nhiên, điều không may là khi tới được trường thì nhiều trường lại đóng cửa vì… giáo viên nghỉ dạy. Giáo viên nghỉ dạy và “trường ma” – loại trường học chỉ tồn tại trên giấy nhưng vẫn hút tiền từ ngân sách giáo dục – đang là vấn nạn với không chỉ Nepal mà cả ở nhiều nước đang phát triển.

Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho thấy, 19% giáo viên tại các nước đang phát triển chỉ có tên trên giấy tờ còn thực chất không lên lớp giảng dạy.

Tại Nepal, 305 trường “ma” bị đóng cửa năm 2014, trong đó có 250 trường tại thủ đô Kathmandu. Ví dụ hồi tháng 6, một trường học tại huyện nông thôn Bajura bị đóng cửa bởi giáo viên “mất tăm tích”, trường học này chỉ mở cửa 2 tháng trong năm trước đó. Theo cơ quan quản lí giáo dục huyện này thì địa hình quá hiểm trở để điều thanh tra viên tới kiểm tra tình hình hoạt động của trường.

Tìm giải pháp

Giáo dục luôn có ý nghĩa quan trọng đối với các quốc gia đang phát triển, nhưng với Nepal thì còn có ý nghĩa lớn hơn nhiều bởi cơ cấu dân số đặc biệt trẻ của nước này: Một trong 2 người Nepal dưới 25 tuổi.

Học vấn thấp dẫn tới lao động Nepal trong tương lai có thu nhập thấp và với cơ cấu số người trong độ tuổi lao động chiếm tỉ trọng lớn thì thiệt hại về kinh tế rất lớn.

Theo chuyên gia kinh tế Santa Magar, thu hẹp khoảng cách giáo dục có ý nghĩa quan trọng với kinh tế Nepal bởi kinh tế Nepal dựa nhiều vào kiều hối của lao động Nepal gửi về từ nước ngoài.

Khoảng 20% dân số Nepal là lao động nhập cư tại các quốc gia vùng Vịnh như Qatar và Ả-rập Xê-út, gửi về quê hương lượng kiều hối chiếm khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội. Nếu lao động có kĩ năng tốt hơn có thể tìm được công việc lương cao hơn và gửi về nhà lượng kiều hối lớn hơn.

Đối phó với trường ma và giáo viên nghỉ dạy là vấn đề nan giải. Gian lận đã trở thành vấn nạn. Theo điều tra của cơ quan chống tham nhũng năm 2015, sự cấu kết gian lận có hệ thống từ cơ quan quản lí giáo dục đến hiệu trưởng trong vấn đề lập bảng lương giáo viên giả.

Chính phủ Nepal đang khuyến khích học sinh và phụ huynh tố giác giáo viên nghỉ dạy nhưng tại những cộng đồng dân cư nhỏ và thưa thớt, rất khó thuyết phục dân làng liên kết lại.

Những công cụ truyền thống tỏ ra không hiệu quả chống nạn trường ma nhưng công nghệ mới có thể hỗ trợ hiệu quả. J-Pal, mạng lưới 145 giảng viên từ 49 trường đại học, đang nghiên cứu chế tạo thiết bị “điểm danh” giáo viên bằng hình ảnh.

Một giải pháp khác là gắn học bổng học sinh với kết quả thi. Điều này khuyến khích học sinh học tập và từ đó phụ huynh và học sinh tạo áp lực đòi hỏi giáo viên phải chuyên tâm giảng dạy hơn. Nepal cũng xem xét thưởng giáo viên theo kết quả học tập của học sinh để khuyến khích giáo viên tự nguyện cống hiến thay vì chỉ ép buộc.

Bộ trưởng Giáo dục Prasad Lamsal thừa nhận nạn “trường ma” sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới thế hệ lao động kế tiếp. “Nếu chúng ta có thể khai thác tiềm năng của thế hệ trẻ thì sẽ phát huy lợi thế địa lí nằm giữa 2 nền kinh tế tăng trưởng mạnh là Ấn Độ và Trung Quốc” - ông nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ