Mở rộng cửa đón sinh viên nước ngoài
Trong bối cảnh học phí tăng mạnh tại nhiều quốc gia đào tạo y khoa nổi tiếng tại châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ - Bangladesh trở thành sự lựa chọn hàng đầu của sinh viên tại các quốc gia Nam Á.
Các trường y công lập tại Banladesh dành hàng trăm chỉ tiêu, trong khi trường y dân lập dành tới khoảng 20 – 25% tổng chỉ tiêu đào tạo cho đối tượng sinh viên nước ngoài.
“Sinh viên nước ngoài ngày càng quan tâm tới các trường đại học, cao đẳng y khoa Bangladesh bởi chất lượng giáo dục khá tốt trong khi học phí thấp” – Tiến sĩ Alam Chowdhury, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y khoa Dhaka, cho biết.
Kumar Isar, một sinh viên đến từ Rajbiraj tại Nepal đã theo học tại Cao đẳng Cộng đồng Y Dhaka từ năm 2015, cho biết: “Các trường y tại Nepal không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu người học, nhưng tại Bangladesh, sinh viên Nepal có thể dễ dàng đăng kí bởi chỉ tiêu dồi dào. Bangladesh lại gần gũi về địa lí với Nepal, đó là một thuận lợi nữa”.
Azae Sha, một sinh viên Nepal khác đến từ Kathmandu hiện đang học tại Trường Y MH Samorita, chia sẻ: “Học y tại Ấn Độ tốn tới 100.000 USD, quá đắt đỏ. Trong khi chúng tôi có thể nhận được chất lượng đào tạo tương đương tại Bangladesh chỉ với 30.000 – 45.000 USD”.
Bởi những thuận lợi trên, riêng Nepal có 400 – 500 sinh viên sang Bangladesh học y.
Gần gũi văn hóa
Bangladesh cũng thu hút một số lớn sinh viên Ấn Độ từ Tây Bengal, Jammu và Kashmir, Kerala, Gujarat, Tamil Nadu, Uttar Pradesh, Maharashtra, Andhra Pradesh, Punjab, Karnataka, Tripura và Manipur.
Bangladesh đặc biệt được ưa chuộng với sinh viên sống tại Kashmir bởi Bangladesh là quốc gia có đa số là người Hồi giáo – theo Yasir Javed, sinh viên từ Jammu và Kashmir đang theo học tại Trường Cao đẳng Y Sher-e-Bangla.
“Văn hoá Bangladesh hoàn toàn tương tự với sinh viên Kashmir bởi truyền thống Hồi giáo. Chất lượng giáo dục cũng khá tốt và chi phí có thể chấp nhận được với gia đình có mức sống trung bình” – Yasir giải thích.
Tousif Khan, một sinh viên từ Kolkata đang theo học Trường Cao đẳng Y Uttara Modern nói rằng, sinh viên được đào tạo tại Bangladesh thường đứng đầu trong kì sát hạch của Hội đồng Y khoa Ấn Độ - kỳ thi dành cho sinh viên Ấn Độ hoàn thành chương trình y khoa ở nước ngoài.
“Nhiều sinh viên Ấn Độ muốn đến học các trường y tại Bangladesh vì không đòi hỏi điểm NEET – tiêu chí bắt buộc tại Ấn Độ bởi hạn chế chỉ tiêu trong khi quá đông người đăng kí. Mức học phí tại Ấn Độ cũng cao hơn” – Tousif Khan nói – “Phụ huynh Ấn Độ cũng muốn con cái học tại Bangladesh vì gần nhà”.
Bộ trưởng Giáo dục Bangladesh, Nurul Islam Nahid cho rằng, nước này trở thành điểm lựa chọn phổ biến của sinh viên nước ngoài bởi tiến bộ quan trọng về chuẩn giáo dục đại học.
“Ấn Độ thịnh vượng hơn chúng tôi nhưng không thể đáp ứng nhu cầu của dân số quá lớn, đó là lí do vì sao nhiều sinh viên Ấn Độ đến Bangladesh học đại học. Nepal, Bhutan, Sri Lanka và các nước láng giếng khác cũng tin tưởng vào chất lượng đào tạo của chúng tôi” – Bộ trưởng đánh giá và tin tưởng rằng nếu các cơ sở đào tạo y khoa tại Bangladesh tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng thì tương lai sẽ đón nhận số sinh viên nước ngoài tăng mạnh.