Nên tích hợp?

GD&TĐ - Theo dự kiến, cuối Kỳ họp thứ 6 này, Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Vậy nhưng đến thời điểm này, một trong những vấn đề đáng chú ý là có nên cho người lao động rút toàn bộ hay chỉ một phần bảo hiểm xã hội vẫn chưa có phương án tối ưu.

Hiện nay, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đưa ra hai phương án. Phương án 1 là nhóm tham gia trước khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực sẽ được rút bảo hiểm xã hội một lần. Nhóm đóng sau thời điểm này không được rút, trừ người đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; người ra nước ngoài định cư hoặc mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng.

Phương án 2 là sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm nhưng người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Với các phương án này, nhiều ý kiến đồng tình với phương án 1 nhưng như phân tích của một chuyên gia sẽ đồng nghĩa với việc có thể số người rút bảo hiểm một lần vẫn gia tăng, trong khi tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội tăng chậm dẫn tới mạng lưới an sinh mỏng, không bảo đảm như mong đợi.

Phương án 2 cũng có điểm chưa thuyết phục. Vậy nên theo vị chuyên gia này, nên tích hợp cả hai phương án trên theo hướng người tham gia trước thời điểm luật sửa đổi có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025) được rút 8% số đã đóng, còn lại tích lũy để hưởng lương hưu. Người tham gia từ sau năm 2025 không được rút một lần.

Thực tế, từ khi thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần lên tới khoảng 4,5 triệu người nhưng cũng có gần 1,3 triệu lượt người sau khi nhận một lần tiếp tục quay trở lại thị trường lao động và tham gia bảo hiểm xã hội.

Như vậy có thể thấy, nhu cầu rút bảo hiểm xã hội một lần và số người rút một phần, sau đó tham gia lại là thực tế. Cho nên, vấn đề đặt ra như quan điểm của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong là do phương án nào cũng có ưu điểm, nhược điểm nên cần đánh giá thật kỹ.

Trong báo cáo về một số ý kiến về việc tiếp thu, giải trình dự án luật, Thường trực Ủy ban Xã hội cũng cho rằng rút bảo hiểm xã hội là vấn đề phức tạp, nhạy cảm nên cần tiếp tục đánh giá tác động, cân nhắc kỹ lưỡng, bao quát nội dung sửa đổi, bổ sung quy định về vấn đề này.

Hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần là quan điểm hoàn toàn đúng đắn. Và xuyên suốt theo đó là mọi quy định đưa ra cũng nhằm hướng tới bảo vệ người lao động trong dài hạn chứ không phải chỉ trước mắt.

Cho nên, như ý kiến của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung thì trong lần sửa đổi luật này, vấn đề cốt lõi là tập trung chỉnh sửa, điều chỉnh những vấn đề bất cập, theo hướng phát triển bảo hiểm xã hội và tăng quyền lợi, không tập trung hạn chế quyền lợi người lao động.

Việc sửa đổi sẽ tập trung vào 5 nhóm giải pháp chính và 12 nội dung với mục tiêu cao nhất là hạn chế tối đa việc rút bảo hiểm xã hội một lần, đồng thời bảo đảm ổn định an sinh xã hội vì đây là một trong hai trụ cột căn bản nhất của an sinh xã hội...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ