Những điều kiện hấp dẫn người học
Về cơ bản, PGS.TS Mai Xuân Trường nhất trí với nội dung trong Dự thảo Luật GD sửa đổi. Riêng về chính sách học bổng (điều 38): quy định về cho vay tín dụng để thay thế miễn học phí cho SV, sau này SV không công tác trong ngành GD phải bồi hoàn kinh phí, PGS. TS. Mai Xuân Trường còn nhiều băn khoăn. Theo ông cách thức bồi hoàn, sau khi ra trường mà SV không xin được việc làm trong ngành phải bồi hoàn là những vấn đề rất khó cần phải quy định cụ thể…
Theo PGS.TS Mai Xuân Trường, sau khi ra trường SV không xin được việc làm phần nhiều trường hợp là nguyên nhân khách quan; các em thất nghiệp phải tìm việc khác và có nguy cơ phải bồi hoàn khoản vay tín dụng. Tuy nhiên đa số các em sau khi tốt nghiệp trường sư phạm đều muốn cống hiến cho ngành GD. Do vậy phải tính đến các phương án phân công công tác cho SV sư phạm sau khi tốt nghiệp với các trường hợp này. Vấn đề này lại liên quan đến quy định đặc thù về xác định biên chế và cơ chế tuyển dụng giáo viên cho SV tốt nghiệp các trường sư phạm vào các cơ sở GD công lập, liên quan đến Luật Viên chức.
Giữ nguyên việc miễn học phí
Từ phân tích trên, PGS.TS Mai Xuân Trường đề nghị làm rõ hơn một số nội dung quy định tại Điều 83 - về chính sách học bổng: Dự thảo quy định thay chế độ miễn học phí cho SV sư phạm bằng chính sách cho vay tín dụng nhằm tránh thất thoát do các SV sư phạm khi ra trường không công tác trong ngành sư phạm. Khi quy định điều này phải xem xét những góc độ sau:
Thứ nhất, khoản cho SV vay tín dụng bao gồm cả học phí và chi phí sinh hoạt, như vậy sẽ cao hơn so với khoản miễn học phí cho SV sư phạm (tính trên một SV). Hơn nữa, việc cho vay tín dụng không có biện pháp bảo đảm, khó quản lý để thu hồi lại, thủ tục phức tạp.
Thứ hai, SV học ngành sư phạm nhưng không công tác trong ngành sư phạm do các nguyên nhân khách quan nhiều hơn chủ quan.
Trong khi chính sách tiền lương ít khả thi vì phải điều chỉnh quỹ lương và các vấn đề tài chính vĩ mô liên quan thì vấn đề việc làm đang được người học quan tâm nhất khi lựa chọn ngành sư phạm. Muốn vậy phải có giải pháp đào tạo theo nhu cầu của các địa phương. Sau tốt nghiệp, các địa phương phải có phương án bố trí việc làm cho SV sư phạm; Đây là điều kiện tiên quyết để thu hút đầu vào. Tiếp đó là nếu bố trí việc làm mà SV không làm thì mới xem xét đến các trường hợp phải bồi hoàn khoản vay theo phương án cho vay tín dụng sư phạm…
Thứ ba, việc cho hưởng khoản vay tín dụng đối với SV học ngành sư phạm khi ra trường công tác trong ngành có công bằng đối với các trường hợp SV sư phạm không làm trong ngành nhưng vẫn đóng góp cho các cơ quan quản lý Nhà nước khác, hay các trường hợp không học ngành sư phạm nhưng vẫn làm trong ngành hay không. Chưa kể đến “ngành sư phạm” ở đây chưa được định nghĩa rõ rệt là như thế nào.
PGS.TS Mai Xuân Trường cho rằng dự thảo Luật GD (sửa đổi) nên giữ nguyên việc miễn học phí cho SV ngành sư phạm để có chế độ thu hút HS ở “đầu vào” và quan trọng hơn hết để đảm bảo thu hút SV ở “đầu ra”, cần cải thiện chính sách về tuyển dụng viên chức vào ngành sư phạm.
Về đề xuất chính sách để thu hút được SV giỏi vào ngành sư phạm thông qua cơ chế học bổng và biện pháp khác, theo PGS.TS Mai Xuân Trường: cho vay tín dụng đối với SV sư phạm đã là bài toán khó, nên sẽ không tạo được sức hút đối với SV giỏi nếu chỉ dựa vào chính sách học bổng. Để tạo sức hút phải có chính sách tiền lương và bố trí tạo việc làm cho SV sư phạm ra trường.