Thể chế hóa chủ trương “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”

GD&TĐ - Đó là nhận xét đầu tiên của bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội – khi trao đổi với báo chí về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD, được Chính phủ trình Quốc hội.

Thể chế hóa chủ trương “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”

Với tư cách là đại biểu Quốc hội và cũng là một cử tri, bà có nhận xét về Dự án Luật này?

Nhìn nhận khách quan rằng, Dự thảo Luật lần này được chuẩn bị công phu, chặt chẽ và có tính khả thi. Rất nhiều cử tri đã gửi gắm, kỳ vọng đến tôi rằng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục lần này sẽ khắc phục được tất cả những hạn chế, bất cập của Luật GD hiện hành và của ngành GD trong thời gian qua. Chẳng hạn, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD đã quan tâm sâu sắc hơn đến đào tạo nhân cách, lý tưởng cho HS.

Cử tri cũng kỳ vọng sửa đổi Luật GD lần này sẽ thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng: GD là quốc sách hàng đầu và thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29.

Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là triết lý GD. Theo đó, sản phẩm của GD sẽ đào tạo ra con người như thế nào, ý thức công dân ra sao, nhận thức về thế giới quan và ý thức công dân toàn cầu như thế nào.

Theo chương trình làm việc thì Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD được thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội và dự kiến sẽ thông qua vào kỳ họp sau. Vì vậy, vẫn còn rất nhiều thời gian để cử tri đóng góp ý kiến.

Một trong những nội dung được cử tri quan tâm đó là, Dự thảo Luật đề xuất thay thế quy định miễn học phí cho HS, SV sư phạm bằng quy định được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí. Sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành GD đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm. Vậy quan điểm của bà về đề xuất này như thế nào?

Trước đây HS, SV sư phạm được miễn 100% học phí. Bản thân tôi cũng từng là SV ngành Sư phạm, tôi thấy rằng sự hỗ trợ của Nhà nước là hết sức cần thiết, giúp cho SV thuận lợi hơn trong học tập. Song thực tế đã cho thấy, chính sách này chưa phải là tốt nhất và đã bộc lộ một số hạn chế. Chưa kể có tình trạng nhiều SV sư phạm sau khi ra trường lại không theo nghề. Vì thế, đề xuất trong Dự thảo Luật thay thế quy định miễn học phí cho HS, SV sư phạm bằng quy định được vay tín dụng là hợp lý và phù hợp với xu thế hội nhập.

Tuy nhiên, chúng ta luôn muốn nâng cao chất lượng đầu vào của ngành Sư phạm, nhưng lại không có ưu đãi về học phí. Liệu rằng có thu hút được người giỏi vào sư phạm?

Đây cũng là băn khoăn của nhiều cử tri. Tôi cho rằng, điều quan trọng ở đây là dự báo về nhu cầu của xã hội đối với ngành GD. Ví dụ, năm nay xã hội cần 1.000 giáo viên thì đào tạo 1.000 giáo viên hoặc có thể nhiều hơn một chút. Quan trọng là phải rà soát được những vị trí việc làm. Chúng ta biết rằng hệ thống GD ngoài công lập đang rất phát triển và vì vậy việc trả lương cho nhà giáo còn liên quan đến chất lượng giáo viên.

Vấn đề quan trọng nhất vẫn là chất lượng đào tạo của các trường. Người học được đào tạo tốt, ra trường có trình độ chuyên môn cao sẽ có vị trí việc làm tương xứng. Cùng với việc cung - cầu phù hợp, thì lúc đó việc thu hút SV vào sư phạm không phải là khó.

Vấn đề đặt ra là, liệu chúng ta có tạo đủ việc làm cho SV sư phạm hay không, thưa bà?

Tôi phải khẳng định lại rằng, quy định miễn học phí cho HS, SV sư phạm bằng quy định được vay tín dụng là ý tưởng tốt, đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của cử tri. Với vấn đề việc làm, tôi cho rằng đó là mong muốn, là định hướng của chúng ta. Còn việc thể chế hóa thì phải hướng dẫn bằng văn bản dưới luật và phải được khảo sát từ thực tiễn. Tuy nhiên việc tiếp tục triển khai như thế nào, thực hiện ra sao thì nó còn cả một vấn đề, cả một quá trình đòi hỏi sự trao đổi, thảo luận kỹ lưỡng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ