Các nguồn tài chính của trường ĐH
Nguồn tài chính của trường ĐH đến từ ba nguồn gồm: Hỗ trợ của chính phủ; tài trợ của các quỹ nghiên cứu của chính phủ; các nguồn khác từ chính phủ, tư nhân, quốc tế và nguồn thu do trường ĐH tạo ra. Những quy định về cắt giảm và thắt chặt quản lý tài chính của chính phủ vừa là động lực vừa là áp lực để các trường ĐH tìm kiếm nguồn thu mới nhằm đa dạng nguồn thu và giảm rủi ro do biến động nguồn thu gây ra.
Về khía cạnh bất động sản, ngoại trừ Brandenburg (Đức), Hesse (Đức), Hungary, Litva (Lithuania), North Rhine-Westphalia (Đức) và Thụy Điển, 22 quốc gia còn lại của Liên minh châu Âu đều cho phép trường ĐH tạo nguồn vốn từ việc sở hữu các bất động sản như đất đai và cơ sở vật chất, với các chính sách khá linh hoạt từ chính phủ vẫn về những quy định nhằm kiểm soát việc các trường ĐH chuyển nhượng các bất động sản trên.
Việc trường ĐH phụ thuộc quá nhiều vào một nguồn tài chính sẽ gây cản trở quá trình xây dựng và phát triển của trường ĐH tự chủ (self-reliant university), hay nói cách khác là hạn chế những nỗ lực tự thân theo hướng phát huy tính chủ động sáng tạo sử dụng nguồn lực trong và ngoài trường một cách năng động.
Đa dạng hóa nguồn thu tạo động lực để trường ĐH chủ động phát triển các chương trình đào tạo chất lượng gắn với thị trường, từ đó nâng cao tiềm năng thu học phí với sự chấp nhận của người học, thúc đẩy vay mượn từ các tổ chức tài chính đầu tư cho cơ sở vật chất và cung cấp các dịch vụ phù hợp với chuyên môn học thuật của trường ĐH và đặc biệt phát triển các dự án đổi mới sáng tạo gắn liền với các ngành kinh tế qua nghiên cứu và chuyển giao cho các doanh nghiệp.
Châu Âu nới lỏng học thuật, thiết kế học phí linh hoạt
Các chính sách đa dạng hóa nguồn thu nổi bật của chính phủ các quốc gia phát triển châu Âu áp dụng cho hệ thống ĐH bao gồm:
Chính sách tạo điều kiện cho ĐH phát triển theo bản sắc doanh nghiệp (corporate identity): Chính phủ tạo ra một khung chính sách để trường ĐH xác định mục tiêu hướng về cung cấp dịch vụ cho thị trường gắn với hoạt động cụ thể bên cạnh các mục tiêu học thuật.
Nếu không có khung chính sách khuyến khích trường ĐH hướng về thị trường và hoạt động theo bản sắc doanh nghiệp thì hệ thống này sẽ gặp nhiều khó khăn để triển khai các hoạt động khai thác thị trường theo thế mạnh học thuật và không đảm bảo chia sẻ lợi nhuận trong nội bộ vì nguồn thu không được đa dạng hóa từ việc đa dạng các mục tiêu và các hoạt động gắn với thị trường. Vì vậy, các chính sách của Nhà nước hướng đến việc khuyến khích trường ĐH phát triển các hoạt động bên ngoài khuôn khổ được quy định của trường ĐH và những chính sách này hiểu rằng, ĐH ngoài sứ mạng cung cấp học thuật còn cung cấp các dịch vụ gắn với thị trường bên ngoài.
Nới lỏng các quy định về hoạt động học thuật đối với trường ĐH: Nới lỏng các quy định về hoạt động học thuật là việc Nhà nước chỉ quy định khung các phương pháp kiểm định mới cho phép trường ĐH linh động hơn trong việc thiết kế giáo trình, giới thiệu các chủ đề học thuật theo yêu cầu của thị trường, mô đun hóa các loại bằng cấp chính quy theo cách mà các mô đun học có thể được áp dụng cho cả chương trình chính quy và chương trình được thiết kế theo yêu cầu của thị trường.
Thúc đẩy trường ĐH xây dựng hệ thống khuyến khích trong nội bộ: Giao cho trường ĐH tự chủ xây dựng chế độ khuyến khích cho các cá nhân có thành tích tốt hoặc xuất sắc về: Giảng dạy, nghiên cứu khoa học và dịch vụ đào tạo; tìm kiếm các nguồn lợi nhuận từ các hợp đồng nghiên cứu bên ngoài; đề xuất các giải pháp đổi mới sáng tạo được áp dụng vào trường ĐH.
Chính sách cho phép trường ĐH thiết kế học phí linh hoạt: Học phí vẫn là một trong những nguồn thu quan trọng đối với trường ĐH, nó càng trở nên quan trọng hơn khi chính phủ cắt giảm các nguồn ngân sách bao cấp trước đây hướng về người học. Các trường ĐH tự chủ sẽ được linh hoạt trong thiết kế khung học phí để tạo cơ hội tăng nguồn thu, đồng thời đối diện với sự cạnh tranh trong hệ thống ĐH và sau đó là áp lực phải quản trị tài chính một cách hiệu quả. Với ưu thế về năng lực cạnh tranh và nền tảng GD và nghiên cứu khoa học trên thị trường GD thế giới, các trường ĐH ở các quốc gia phát triển có nhiều cơ hội tăng nguồn thu từ SV quốc tế hơn so với SV trong nước.
Bức tranh khái quát về hành lang chính sách thu học phí ở 28 quốc gia trong EU với xu hướng chung là các quốc gia này áp dụng mức học phí cao đối với SV ngoài EU và SV quốc tế để bù đắp cho phần ngân sách thâm hụt do phải miễn học phí cho SV trong nước và trong EU. Cụ thể hơn, mức học phí cao ở EU chủ yếu áp dụng cho SV cử nhân và thạc sĩ; trong khi đó, SV tiến sĩ lại nhận được ưu đãi về học phí và đây có thể xem là công cụ để tạo ra sự hấp dẫn của các quốc gia EU thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và có năng lực nghiên cứu khoa học.
Đầu tư cho nghiên cứu khoa học được chủ động hơn khi nguồn thu tài chính bền vững |
Châu Á với chính sách thắt chặt và cắt giảm ngân sách tài trợ
Đi kèm với các chính sách cắt giảm nguồn tài trợ, chính phủ các quốc gia châu Á cũng nới lỏng các quy định về nguồn thu để tạo điều kiện cho trường ĐH tìm kiếm và đa dạng hóa nguồn thu. Tuy nhiên, chính phủ các quốc gia châu Á chưa thực sự mở rộng chính sách thu học phí cho trường ĐH mà vẫn còn những quy định khá chặt chẽ và thậm chí là áp dụng trần học phí. Nguyên nhân là chính phủ các quốc gia châu Á e ngại các trường ĐH vận hành hoạt động theo cơ chế thị trường với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận mà xa rời các mục tiêu phát triển hệ thống GD và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của nền kinh tế. Các trường ĐH Trung Quốc tìm kiếm các nguồn thu tư nhân từ cựu SV, tài trợ của xã hội, học phí và hợp đồng nghiên cứu khoa học.
Kết quả là trong giai đoạn 2000 - 2008, tỷ trọng của nguồn thu tư nhân trên tổng nguồn thu của các trường ĐH ở Trung Quốc tăng từ 34,8% lên thành 49,2%; phần còn lại của nguồn thu (50,8%) được tài trợ bởi chính phủ, trong đó có một phần từ chính quyền địa phương. Các trường ĐH tại Indonesia được tự do tìm kiếm các nguồn thu khác như học phí, hoạt động tư vấn, liên kết với doanh nghiệp (Varghese & Martin, 2013).
Đài Loan đã ban hành Qũy Sáng lập Phát triển ĐH (University Development Foundation Fund - UDFF) vào năm 1995 và có hiệu lực từ năm 1998. Theo hình thức này, các trường ĐH quốc gia chỉ được chính phủ cấp vốn bằng 80% nguồn thu hiện tại và không cần nộp nguồn thu về cho kho bạc. Các trường ĐH quốc gia có động lực để tìm kiếm đa dạng các nguồn thu, tối ưu hóa các khoản chi và từ đó nâng cao tự chủ tài chính. Bên cạnh đó, chính phủ cũng khuyến khích các trường ĐH quốc gia xây dựng đề án phát triển thành các công ty cổ phần công (public corporation), góp phần nâng cao tính tự chủ tài chính của các đơn vị này.
Với Nhật Bản, vào năm 2004, các trường ĐH quốc gia được chuyển đổi thành các công ty cổ phần ĐH quốc gia (national university corporations - NUCs). Theo đó, trường ĐH trở thành một pháp nhân độc lập và hoạt động quản lý tài chính của các trường này chuyển từ cơ chế kiểm soát chi tiêu dựa trên tiền mặt truyền thống (traditional cash-based expenditure control) thành cơ chế kiểm soát thu chi dựa trên việc tích lũy (accrual-based income and expense control). Cụ thể, học phí là nguồn thu của riêng trường ĐH, thay vì trước kia phải nộp về cho Nhà nước. Điều này có nghĩa là trường ĐH có quyền kiểm soát việc thu chi (Yamamoto, 2015).
Hoặc như ở Indonesia, dù trường ĐH có quyền quyết định mức học phí nhưng chính phủ vẫn quy định nguồn thu từ học phí không được cao hơn 30% tổng chi của trường ĐH. Đồng thời, chính phủ cũng quy định ít nhất 20% nguồn chi của trường ĐH phải dành cho SV nghèo.
(Nhóm nghiên cứu đề tài: Nghiên cứu đề xuất các giải pháp đẩy mạnh quốc tế hóa GD Việt Nam do GS.TS Nguyễn Trọng Hoài - Trường ĐH Kinh tế TPHCM - làm chủ nhiệm đề tài)
Bài 3: Bối cảnh tự chủ tài chính ở Việt Nam