Nên ăn gì trong Tết Thanh Minh?

GD&TĐ - Ngày Tết Thanh minh, bên cạnh việc thăm mồ mả tổ tiên, người Việt còn chú trọng đến ẩm thực dưỡng sinh, vận động nâng cao tinh thần, sức khỏe.

Nên ăn gì trong Tết Thanh Minh?

Tết Thanh Minh 2023 nhằm vào thứ Tư ngày 5/4 dương lịch, sau khi kết thúc tiết Xuân phân và kéo dài đến ngày 20/4. Vào dịp này, người dân tổ chức thăm mồ mả tổ tiên, quét dọn lau chùi cho sạch sẽ, lâu dần trở thành một phong tục. Lễ tiết Thanh Minh ngày nay không còn như xưa, mà là sự giao thoa hòa trộn của các lễ tết khác.

Phong tục ngày Tết Thanh minh

Lễ Tảo mộ

Con cháu tới mộ phần của ông bà tổ tiên dọn dẹp cây cỏ sạch sẽ, tu sửa, đắp lại một phần. Những ngôi mộ xây thì sửa sang, sơn lại, lau rửa sạch sẽ và thắp hương, lễ bái để tưởng nhớ công ơn của tiền nhân.

Hội đạp thanh

Thanh nghĩa là màu xanh. Người ta đi chơi, vãn cảnh, du xuân, dẫm lên cỏ (màu xanh, cỏ non) để mong nhận được may mắn, hơi xuân, sức khỏe, nhiệt huyết, sự trỗi dậy, vươn cao, khí tốt... Hội này giờ đây ít người tham dự, vì cuộc sống trong thời đại công nghiệp rất nhiều người bận rộn.

Người ta thường du xuân, thăm hỏi bạn bè từ tết Nguyên đán nên sau tết mọi người bắt tay vào công việc. Thậm chí, ngày xưa có hội đạp thanh, giờ đây ở một số nơi trong đô thị lớn, việc dẫm lên cỏ bị xem là hành động thiếu văn hóa, không có ý thức bảo vệ môi trường. Nên vì thế phong tục này giờ chỉ còn lưu truyền ở một số nơi.

Trồng cây

Trước và sau Thanh Minh, sức sống của cây cũng mãnh liệt, vì thế từ xưa đến nay người ta có thói quen trồng cây vào mùa xuân. Nhiều người còn gọi tiết Thanh minh là tết trồng cây. Phong tục này được lưu truyền đến tận ngày nay.

Dưỡng sinh và ẩm thực trong tiết Thanh Minh

Tiết Thanh Minh khí trời ấm áp, không quá lạnh, chưa quá nóng, rất thích hợp cho việc dưỡng sinh, vận động nâng cao tinh thần và sức khỏe.

Người xưa đã đúc rút rằng, tiết Thanh Minh dưỡng sinh lấy ẩm thực làm chính, vận động làm phụ nên chỉ vận động nhẹ nhàng. Sáng sớm rời giường hoặc tối muộn trước khi ngủ nên tiến hành một vài động tác giãn gân cốt, mở rộng thân mình.

Nên chạy bộ

Mùa xuân nên chạy bộ đều đặn hàng ngày vì cơ thể không ngừng co rút, hô hấp sâu, sự trao đổi chất tràn đầy, cả thân thể khỏe mạnh và nhiều sức sống. Hơn nữa, chạy bộ trong tiết Thanh Minh còn kích thích hưng phấn của đại não, hạ nhiệt cơ thể, điều tiết công năng các bộ phận nên tay chân lưu loát, tinh thần sảng khoái.

Nên chạy chậm, im lặng khi vận động, không nên chạy quá nhanh hay lúc nhanh lúc chậm, sẽ ảnh hưởng tới sự co bóp của tim và mở rộng của phổi.

Nên đi bộ

Đây là hình thức vận động dưỡng sinh đơn giản, tốn ít sức lại hiệu quả, tất cả mọi người đều có thể áp dụng. Đi bộ đường dài, đi chậm, thở đều và tĩnh tâm vừa rèn luyện sức bền của chân, kích thích tuần hoàn máu và giãn gân cốt. Bắt đầu bằng một quãng đường vừa phải, rồi hàng ngày tăng thêm độ dài để cơ thể dần thích nghi.

Ngoài ra, các hoạt động như thả diều, tập thể dục hay tập Thái Cực quyền cũng có tác dụng tương tự, có thể lựa chọn để áp dụng.

Nên cười và giữ tâm thái tích cực

Khá bất ngờ nhưng cười cũng được xếp vào một dạng vận động bổ ích cho thân thể trong tiết Thanh Minh.

Đối với người càng lớn tuổi, thì việc cười càng nhiều thì càng có lợi và càng giúp tuần hoàn máu não. Không chỉ giúp tinh thần thoải mái, sảng khoái mà cười còn giãn các cơ mặt và cơ hàm, phòng chống co rút, biến chứng tai biến.

Ẩm thực dưỡng sinh

Nên ăn: Thực phẩm mát, thực vật dưỡng gan bổ phổi như rau chân vịt, củ từ, rau hẹ, ngân nhĩ, nấm hương, quýt, chuối tiêu, cá, Ngưu Bàng (vị thuốc Đông y).

Món ăn dưỡng sinh: đậu phụ khô xào rau cần, cà rốt xào thịt, cá hấp, cháo bát bảo.

Không nên: Thịt gà, măng (tính nóng, có thể gia tăng viêm phổi và cao huyết áp), thực vật cay, độc, lạnh, cá biển, thịt dê, tôm biển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.