(GD&TĐ) - Cơ quan hàng không vũ trụ quốc gia Hoa Kỳ đã công bố bức ảnh đầu tiên được chụp từ quỹ đạo của Sao Thủy phác họa bề mặt của hành tinh nhỏ nhất Hệ Mặt trời này.
Bức ảnh được tầu thăm dò Messenger chụp và gửi về. Tầu này được phóng lên từ năm 2004 và đã có những bức ảnh chụp từ xa về Sao Thủy từ năm 2008. Vào ngày 17 tháng 3 vừa qua, Messenger trở thành phi thuyền đầu tiên bay được vào quỹ đạo của Sao Thủy.
Với thành công này, các nhà khoa học đặt ra nhiều kì vọng sẽ khám phá được những bí ẩn của hành tinh này như tại sao hành tinh gần mặt trời nhất này lại cứng rắn ở bề mặt, những hố lởm chởm trên bề mặt của Sao Thủy được hình thành từ đâu? Nhân của hành tinh lớn đến cỡ nào?...
Tầu Messenger được trang bị hệ thống ghi nhận hình ảnh kép và đã chụp được 363 bức ảnh để gửi về Trái Đất. Theo dự kiến, số lượng ảnh mà tầu này chụp được sẽ lên đến 75.000 bức.
Hệ thống ghi nhận hình ảnh kép của tầu Messenger |
Trong một năm bay quanh hành tinh cấu tạo từ kim loại nặng này, Messenger có nhiệm vụ lập bản đồ bề mặt của sao Thủy và tìm kiếm dấu hiệu của nước trong các miệng hố nằm ở đầu cực bị khuất trong bóng tối, nghiên cứu bề mặt đá rắn, tầng khí quyển loãng và tầng nhân nóng chảy của sao Thủy.
Messenger được trang bị camera, quang phổ kế để xác định thành phần hoá chất, máy đo từ trường để thám sát trường từ và thiết bị đo độ cao để vẽ lại địa hình sao Thủy.
Thêm một chi tiết thú vị mà có thể bạn chưa biết, chữ Messenger được ghép lại từ MErcury Surface, Space ENvironment, GEochemistry và Ranging.
Linh Ngọc
(Theo Cnet)