Nâng chất phụ đạo

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chuẩn bị vào Hè cũng là lúc các trường phổ thông xây dựng kế hoạch tổ chức dạy phụ đạo miễn phí cho học sinh yếu, chưa hoàn thành chương trình.

Ảnh minh họa INT.
Ảnh minh họa INT.

Không chỉ hướng đến hai đối tượng này, năm nay, nhiều trường dự kiến mở rộng phụ đạo Hè cho cả học sinh trung bình. Đặc biệt, ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, nhà trường còn tổ chức bổ sung tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số lớp 1, lớp 2.

Nhờ làm tốt công tác phụ đạo trong Hè, học sinh không chỉ được trao thêm cơ hội để bổ sung lại kiến thức cơ bản bị hổng, làm tốt bài kiểm tra lại xét lên lớp, mà còn tạo nền tảng vững chắc, hình thành kỹ năng cao hơn, đem lại sự tự tin cho các em khi vào năm học mới.

Mang lại nhiều lợi ích cho học sinh nhưng thời gian qua, bên cạnh trường thực hiện hiệu quả công tác phụ đạo Hè, vẫn còn không ít đơn vị tổ chức chưa đạt như kỳ vọng, thậm chí có nơi còn khá hình thức. Khó khăn lớn nhất là khâu huy động học sinh, do nhận thức, thái độ của các em chưa tốt, phụ huynh thiếu sự quan tâm, phối hợp.

Một số thầy cô cho biết trường mình năm nào cũng xây dựng kế hoạch phụ đạo nhưng phần nhiều chỉ thực thi trên giấy. Giáo viên luôn rơi vào tình trạng lên lớp phải chờ trò, có hôm lớp vắng. Vậy là thay vì phụ đạo trực tiếp, nhiều giáo viên đành gửi đề cương cho học trò ôn tập, chỉ mong ngày thi lại… các em nhớ đi.

Chất lượng dạy phụ đạo cũng có những hạn chế. Khảo sát về thực trạng dạy phụ đạo học sinh yếu kém nói chung trên địa bàn huyện Thuận An, Bình Dương của nhóm tác giả Trần Văn Trung, Phan Lê Huy (Trường ĐH Thủ Dầu Một) cho thấy, do nhận thức thiếu đầy đủ tầm quan trọng của hoạt động này, cán bộ quản lý, giáo viên chưa cải tiến nội dung phù hợp để dạy, chưa sử dụng đa dạng phương pháp, hình thức phụ đạo cho học sinh yếu kém.

Đa số thầy cô quan tâm đến việc “Củng cố kiến thức; truyền đạt kiến thức trọng tâm, cơ bản”, trong khi ít thực hiện “bồi dưỡng cho học sinh về động cơ học tập đúng đắn, trong sáng; có tinh thần trách nhiệm; tính tự giác, chủ động trong học tập, kiên trì nhẫn nại, độc lập suy nghĩ và hành động”. Nhiều cán bộ quản lý, giáo viên sử dụng phương pháp “thuyết trình”, “luyện tập”, mà ít “đàm thoại” và “tác động riêng”, trong khi đối tượng dạy học có tính rất đặc thù.

Hoạt động phụ đạo học sinh yếu kém ở một số nơi chưa tốt có nhiều nguyên nhân như: Lãnh đạo các trường thực hiện được các biện pháp quản lý không phù hợp; Nhận thức và thái độ của một số cán bộ quản lý và giáo viên về hoạt động dạy học phụ đạo còn hạn chế; Việc phối hợp các lực lượng tham gia hoạt động dạy phụ đạo chưa đồng bộ, ít chú trọng tới lực lượng bên ngoài nhà trường. Đáng chú ý, kinh phí và thời gian hỗ trợ cho hoạt động phụ đạo học sinh yếu kém chưa kịp thời. Đa phần giáo viên tham gia phụ đạo trên tinh thần vì học sinh, chế độ đi kèm rất khiêm tốn.

Hoạt động dạy phụ đạo có tác dụng cải thiện kết quả học tập của học sinh yếu kém, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. Vì thế, nâng cao chất lượng phụ đạo là nhiệm vụ quan trọng, cần sự quan tâm thường xuyên, đầu tư thích đáng của mỗi nhà trường từ việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, cải tiến chương trình, nội dung, đổi mới phương pháp… cho đến tăng cường điều kiện vật chất, thiết bị dạy học và kinh phí phục vụ.

Đặc biệt với phụ đạo Hè, lưu ý đây là khoảng thời gian nghỉ ngơi, thư giãn theo chế độ của thầy và trò, vì thế cần có chính sách tốt để huy động, chăm lo, động viên giáo viên và học sinh tham gia dạy, học hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống TOS-1A hoạt động trong chiến dịch quân sự đặc biệt.

Vệ sĩ đặc biệt của pháo nhiệt áp TOS

GD&TĐ - Theo RIA, những hệ thống pháo nhiệt áp TOS Solntsepyok của Nga sẽ miễn nhiễm với các cuộc tấn công của UAV do được bảo vệ bởi hệ thống EW đặc biệt.