Phụ đạo trong hè: Vất vả đi tìm trò

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thời gian dài chịu tác động của dịch Covid-19 nên kết thúc năm học 2021 - 2022, số lượng học sinh gặp khó khăn trong học tập, chưa hoàn thành chương trình lớp học tăng.

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Bản Bua, Mường Ảng (Điện Biên). Ảnh minh họa
Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Bản Bua, Mường Ảng (Điện Biên). Ảnh minh họa

Nhà trường, thầy cô, bởi vậy cũng vất vả hơn trong tổ chức phụ đạo, bổ trợ kiến thức - hoạt động miễn phí cho học sinh trong hè.

Vận động học sinh là khó khăn nhất

Năm nay, số lượng học sinh cần bổ trợ kiến thức của Trường Tiểu học và THCS Ea Trol (Sông Hinh, Phú Yên) tăng khoảng 50% so với năm trước. Chia sẻ của thầy Phó Hiệu trưởng Lê Xuân Thiều, riêng khối THCS, cuối năm học nhà trường có 26 em gặp khó khăn về kiến thức và phải bổ trợ trong hè. Sở dĩ số lượng tăng nhiều như vậy là bởi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thời gian học sinh được học trực tiếp tại trường không nhiều.

Cùng với đó, một bộ phận học sinh phải lao động sớm để phụ giúp gia đình do kinh tế khó khăn. Ngoài ra, một số em bị mất kiến thức từ lớp dưới nên trong quá trình học không theo kịp nội dung chương trình. Chưa kể, đa số cha mẹ học sinh này thiếu sự quan tâm đến việc học tại nhà, chủ yếu giao phó cho thầy cô giáo.

“Nhà trường đã xây dựng kế hoạch phụ đạo, bổ trợ kiến thức trong hè với thời gian khoảng 1 tháng (từ 1/8 đến 28/8). Giáo viên chủ nhiệm có nhiệm vụ động viên học sinh về trường để học. Thầy cô bộ môn sẽ trực tiếp giảng dạy, hỗ trợ các em theo phân công của nhà trường.

Các bộ môn nhà trường tổ chức hỗ trợ và giảng dạy là Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý; trong đó tăng cường thời lượng cho ba bộ môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh. Nhìn chung, các thầy cô rất vất vả trong việc giảng dạy hỗ trợ miễn phí cho học trò. Tuy nhiên, cái khó lớn nhất là tỷ lệ học sinh về trường để tham gia học khá thấp” - thầy Lê Xuân Thiều chia sẻ.

Trường THCS Hoàng Diệu (huyện EaKar, Đắk Lắk) đóng trên địa bàn vùng 3, học sinh dân tộc thiểu số chiếm trên 80%. Thầy Hiệu trưởng Phạm Đức Tân cho biết: Hàng năm nhà trường đều xây dựng kế hoạch phụ đạo, bổ trợ kiến thức cho học sinh trong dịp hè. Mặc dù thầy cô nhiệt tình, trách nhiệm, nhưng số trò tham gia học rất ít. Trường đã phối hợp với ban ngành, đoàn thể để tuyên truyền, vận động, nhưng do đặc thù địa phương nên hiệu quả đạt được chưa cao. “Hè năm 2022, nhà trường cũng có kế hoạch, nhưng chắc đầu tháng 8 mới tập hợp học sinh để triển khai ôn tập bổ trợ kiến thức trước khi bước vào năm học mới” - thầy Phạm Đức Tân chia sẻ.

Cũng đóng trên địa bàn huyện EaKar, Đắk Lắk, Trường Trường Tiểu học Lê Lợi (buôn M’Hăng, xã Cư Huê) năm nay có 11 học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp học. Theo cô Hiệu trưởng Lương Thị Hồng, số này chủ yếu rơi vào lớp 1, 2 do thời gian dài không thể đến trường vì dịch bệnh, gia đình các em lại khó khăn không có phương tiện học trực tuyến. Tương tự như nhiều trường vùng khó khác, thầy cô không quản vất vả, dành thời gian nghỉ hè để đến trường dạy phụ đạo miễn phí cho trò, nhưng việc vận động được học sinh đến lớp không dễ dàng.

“Nhà trường đã trao đổi với phụ huynh để phối hợp cùng giáo viên trong bồi dưỡng kiến thức cho học sinh. Dự kiến thời gian phụ đạo trong tháng 7, tháng 8. Việc dạy không chỉ miễn phí mà nhiều khi thầy cô phải bỏ tiền mua kẹo, bánh để “dụ” học sinh đến lớp” - cô Lương Thị Hồng cho hay.

Khuyến khích thành lập nhóm học tập, đôi bạn học tập

Ở địa phương miền núi, hoạt động bổ trợ kiến thức cho học sinh là việc làm quen thuộc của nhiều thầy cô, trường học tại tỉnh Hòa Bình mỗi dịp hè. Một số trường làm tốt hoạt động này được bà Bùi Thị Kim Tuyến, Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình chia sẻ thuộc TP Hòa Bình như: Trường Tiểu học và THCS Hòa Bình, Trường Tiểu học Hữu Nghị, Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, Trường Tiểu học Dân Hạ… Đơn cử, Trường Tiểu học và THCS Hòa Bình đã tiến hành ôn tập miễn phí cho học sinh chưa hoàn thành chương trình ngay sau kiểm tra cuối năm. Trong tháng 6, các trường có kế hoạch và kết hợp dạy bổ trợ kiến thức online, sau đó sẽ dạy trực tiếp trong tháng 7, tháng 8.

“Sở GD&ĐT Hòa Bình yêu cầu các nhà trường căn cứ vào điều kiện thực tế để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, bổ sung kiến thức cho học sinh chưa hoàn thành chương trình môn học, lớp học trong hè. Cùng với đó, các trường tổ chức hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống, mở cửa thư viện trường học; tăng cường tiếng Việt cho học sinh vùng dân tộc thiểu số, đáp ứng nhu cầu của học sinh và trên tinh thần tự nguyện của cha mẹ học sinh. Những hoạt động này cần báo cáo phòng GD&ĐT trước ngày 20/8 - bà Bùi Thị Kim Tuyến cho hay.

Tổ chức các lớp ôn tập, rèn luyện trong hè, lớp giáo dục kỹ năng sống, câu lạc bộ văn hóa, thể thao cho học sinh trong nhà trường là nội dung được hướng dẫn trong văn bản về tổ chức hoạt động hè năm 2022 của Phòng GD&ĐT huyện EaKar, Đắk Lắk. Chia sẻ từ Trưởng phòng Nguyễn Thanh Dương, các nhà trường tổ chức hình thức phụ đạo, ôn tập văn hóa hè miễn phí cho học sinh có học lực yếu, kém. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với gia đình, địa phương, giúp đỡ trẻ có hạnh kiểm yếu rèn luyện tốt trong hè. Khuyến khích học sinh thành lập các nhóm học tập, đôi bạn học tập để cùng kèm cặp, hướng dẫn, giúp đỡ bạn có học lực và hạnh kiểm yếu, kém cùng vươn lên…

Tại Vĩnh Long, đối với việc tổ chức các hoạt động hè, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trịnh Văn Ngoãn thông tin: Sở GD&ĐT đã có văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục căn cứ tình hình thực tiễn của đơn vị xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp. Trong đó chú trọng công tác bồi dưỡng kiến thức văn hóa cho học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; tổ chức các tổ, nhóm học tập, câu lạc bộ (có phân công cán bộ, giáo viên quản lý, hỗ trợ); triển khai công tác bồi dưỡng học sinh giỏi và hoạt động chuyên môn, giáo dục lồng ghép khác. Nhà trường đồng thời khai thác có hiệu quả hệ thống sân chơi, bãi tập, nhà đa năng vào mục đích hỗ trợ, tổ chức tập luyện hoạt động văn, thể, mỹ cho học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ