Nâng cao năng lực phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em

GD&TĐ - Theo tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cảnh báo việc thiên tai có tính chất nghiêm trọng và xảy ra thường xuyên hơn tại Việt Nam do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu có thể khiến nhiều em nhỏ trở thành lao động trẻ em nếu không có những biện pháp phòng ngừa thích hợp.

Tham gia lao động sớm cản trở trẻ em thụ hưởng nền giáo dục phù hợp
Tham gia lao động sớm cản trở trẻ em thụ hưởng nền giáo dục phù hợp

Nguy cơ phải lao động sớm

Là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu, thiên tai tại Việt Nam ngày càng trở nghiêm trọng và khó dự đoán. Việt Nam đã hứng chịu hơn 20 thiên tai trong năm 2016 nói riêng, bao gồm hạn nặng, lũ lụt và xâm nhập mặn. Trong khi đó, gần 70% dân số Việt Nam sống ở nông thôn và hơn 40% lực lượng lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp, khiến họ dễ bị ảnh hưởng bởi các tác động mà thiên tai để lại về mặt lao động, việc làm và an sinh xã hội. Trong đó, trẻ em là một trong những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước những tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu.

Thiên tai gây ra tác động trực tiếp tới tính mạng, sức khỏe và tâm lý của trẻ em. Những khó khăn về kinh tế của gia đình có nguy cơ buộc trẻ em phải nghỉ học, tham gia các hoạt động kinh tế nhằm giúp đỡ gia đình vượt qua thách thức trong cuộc sống. Theo báo cáo của ILO, mỗi năm có gần 70 triệu trẻ em trên thế giới bị ảnh hưởng bởi thảm hoạ thiên tai, trong đó có một lượng đáng kể trẻ em tham gia lao động sống trong các khu vực chịu ảnh hưởng bởi xung đột và thiên tai.

Ông Dương Văn Hùng, chuyên gia về trẻ em cho rằng: Thảm họa thiên tai tác động mọi mặt đời sống người dân, đặc biệt là trẻ em - nhóm dễ bị tổn thương. Do tác động của thiên tai và biến đổi khí hâu, trẻ em phải đối mặt với các nguy cơ dẫn đến phải lao động sớm. Do ảnh hưởng của thiên tai, nhiều gia đình phải di dời đến nơi khác an toàn để làm ăn và trẻ em có nguy cơ mất cơ hội tiếp tục học hành; Nhiều trẻ di cư có nguy cơ bị bạo hành; do hoàn cảnh gia đình buộc trẻ em có nguy cơ lao động sớm.

Phòng ngừa và khắc phục

Phòng ngừa lao động trẻ em trong thảm hoạ thiên nhiên và biến đổi khí hậu đang là một vấn đề quan trọng, được đặt ra trong bối cảnh hiện nay. Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Nguyễn Trọng Đàm cho biết, Việt Nam đã có một khuôn khổ pháp lý và chiến lược để phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như các chính sách hỗ trợ trẻ em và gia đình trong tình trạng khẩn cấp do thiên tai. Chính phủ cũng giúp đỡ các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai khắc phục hậu quả. Việc bảo vệ trẻ em, phòng ngừa lao động trẻ em trong thiên tai đang đòi hỏi sự tham gia của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội.

Giám đốc ILO tại Việt Nam, ông Chang-Hee Lee kêu gọi hợp tác trên nhiều lĩnh vực chính sách ở các cấp khác nhau, bao gồm hỗ trợ tài chính, tập huấn chuẩn bị ứng phó, thành lập các nhóm hỗ trợ cộng đồng và các cơ chế kiểm tra điều kiện và an toàn lao động trong các chương trình phục hồi kinh tế. Ông Chang-Hee Lee đồng thời nhấn mạnh các giải pháp tập trung vào xác định các vấn đề cụ thể và các trường hợp lao động trẻ em để cải thiện sự phối hợp, giám sát và thu thập dữ liệu về bảo vệ trẻ em và lao động trẻ em.

Theo ước tính của ILO có khoảng 168 triệu lao động trẻ em. Do đó, lao động trẻ em đang được coi là vấn đề toàn cầu. Việc trẻ em phải lao động sớm ảnh hưởng đến sự phát triển hài hòa của trẻ, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội, nhất là chất lượng của nguồn nhân lực trong tương lai. Bên cạnh đó, việc tham gia lao động sớm còn cản trở trẻ em hướng tới sự phát triển về thể chất và tâm lý cũng như cản trở việc tiếp cận, thụ hưởng nền giáo dục phù hợp và cản trở việc chuẩn bị một tương lai tốt hơn cho chính các em.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ