Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Ân – Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam khẳng định, một trong những công cụ để thực hiện nhiệm vụ quản lý, vận hành nhà trường là Ban Thanh tra nhân dân trường học. Những năm qua, Ban thanh tra nhân dân các trường học đã hoạt động tích cực, hiệu quả. Qua đó, đóng góp quan trọng vào sự ổn định và phát triển của mỗi nhà trường.
Tuy nhiên, một số Ban Thanh tra nhân dân trường học thực hiện còn chưa hết trách nhiệm, chưa tạo dấu ấn rõ nét và chưa đáp ứng kỳ vọng của người lao động (NLĐ). Mặt khác, có nơi còn chưa tham gia tích cực trong quá trình vận hành của nhà trường.
Nhấn mạnh, việc tăng cường năng lực cho cán bộ là nhiệm vụ quan trọng của các cấp công đoàn, Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam trao đổi: Trong bối cảnh đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT, cách thức, nội dung hoạt động công đoàn ở các trường học, các cơ sở giáo dục phải có cách tiếp cận mới, nhận thức đầy đủ và có kỹ năng tổ chức hoạt động phù hợp với yêu cầu đặt ra của người lao động - đội ngũ trí thức đang giảng dạy, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ ở các đơn vị.
Thực tế cho thấy, các trường đại học học chịu tác động trực tiếp từ các Luật và Bộ Luật mới có hiệu lực; trong đó có Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34). Trên tinh thần đó, sẽ có những tác động trực tiếp và gián tiếp tới việc làm, trách nhiệm cá nhân của mỗi cán bộ, nhà giáo, người lao động (CBNGNLĐ); đặc biệt là các quan hệ lao động mới được hình thành và điều chỉnh do những đòi hòi tất yếu của cơ chế quản lý, điều hành nhà trường và của quá trình tự chủ từng phần, dần tiến tới tự chủ toàn phần.
Theo đó, tổ chức công đoàn trong các nhà trường có vai trò quan trọng trong việc tham gia điều hòa, ổn định các quan hệ lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của CBNGNLĐ trong từng khâu của quá trình lao động nghề nghiệp.
Công đoàn trong các nhà trường là nơi mà CBNGNLĐ tin tưởng, giãi bày, chia sẻ, đề xuất những ý kiến, kiến nghị và bộc bạch tâm tư trước những thay đổi tất yếu của cơ chế quản lý, vị trí việc làm, quyền lợi cũng như trách nhiệm từ cá nhân tới nhóm lao động.
Trước yêu cầu đó, Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam nhấn mạnh, đội ngũ cán bộ công đoàn trong các nhà trường phải là những người thấu hiểu cặn kẽ về bản chất của các chủ trương, đường lối và quy định của pháp luật. Cụ thể là các chế độ chính sách tác động tới đời sống, việc làm của NLĐ trong cơ quan đơn vị.
Công đoàn cần đồng hành và sẵn sàng trao đổi, chia sẻ, thậm chí hướng dẫn NLĐ hiểu đúng chủ trương; tư đó tự nâng cao tinh thần, trách nhiệm trước sự ổn định và phát triển của nhà trường. Đặc biệt, với vai trò là thành viên đương nhiên của các hội đồng trường, Chủ tịch công đoàn cần tham gia trực tiếp vào quá trình quản lý trường học như: tham gia xây dựng chủ trương, đường hướng và chiến lược phát triển của nhà trường.
Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe 3 chuyên đề gồm: Một số điểm mới của Luật số 34 và việc giám sát, thanh tra, kiếm tra nội bộ; Kỹ năng tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân; Công đoàn với việc tổ chức hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân.
Ban chuyên đề này được Luật gia Nguyễn Huy Bằng - nguyên Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT và ông Ngô Quang Khánh - Phó trưởng Phòng Chính sách kinh tế xã hội (Ban Chính sách Kinh tế xã hội và Thi đua khen thường — Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Việt Nam) làm báo cáo viên.