(GD&TĐ) - Sáng ngày 02/02/2012, tại TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang đã diễn ra Hội nghị giao ban lần thứ II các Sở GD&ĐT vùng thi đua 6, các tỉnh khu vực ĐBSCL dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga.
Đây cũng là dịp khu vực tổng kết học kỳ I năm học và chuẩn bị cho các kỳ thi hết cấp, thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi vào ĐH, CĐ. Các đại biểu tập trung phản ánh việc đổi mới cơ bản, toàn diện về giáo dục; vấn đề quản lý giáo dục trên địa bàn tỉnh; đề xuất những giải pháp phát triển giáo dục vùng ĐBSCL, từ cơ sở vật chất đến chế độ chính sách.
Những tiến bộ đáng ghi nhận
Báo cáo kết quả học kỳ I năm học 2011-2012 cho thấy một bước tiến bộ đáng ghi nhận. Về qui mô trường lớp, toàn vùng có 6.559 trường MN, phổ thông và TTGDTX, tăng 59 trường học, trong đó tăng 50 trường MN. Số lượng học sinh cũng tăng, có 3.089.714 học sinh, trong đó MN 486.220 em, học sinh MN tăng 17.746, THCS tăng 11.036; TH và THPT giảm.
Về tình hình học sinh bỏ học trong học kỳ I, toàn vùng có 17.436 em, chiếm tỉ lệ 0,67%, giảm 0,16% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó bậc TH bỏ học 0,14%, THCS 1,07%, THPT 1,82%. Các tỉnh có tỉ lệ học sinh bỏ học giảm mạnh là Cà Mau, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long. Đặc biệt, trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm nay 12/12 tỉnh đã cử 650 học sinh tham gia.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga phát biểu tại Hội nghị |
Khu vực cũng xuất hiện nổi bật một số mô hình mới nâng cao chất lượng giáo dục. Trà Vinh tổ chức thi công nhận trình độ cấp I Ngữ văn Khmer cho 619 học sinh đạt yêu cầu và tổ chức cho Trường Dân tộc Nội trú dạy chương trình ngữ văn Khmer cho khối THCS cho 100 học sinh. Các tỉnh Kiên Giang, Trà Vinh, Long An, Bạc Liêu, Sóc Trăng đã tổ chức tổng kết công tác phổ cập GD tiểu học đúng độ tuổi và PCGD THCS. Riêng Long An sơ kết 1 năm thực hiện PC THPT.Tại tỉnh Đồng Tháp, một số trường học tổ chức dạy học phân hóa theo năng lực của học sinh theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình GD phổ thông. Có 5 tỉnh phê duyệt để án PCGD Mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2011-2015 là: Trà Vinh, Kiên Giang, Hậu Giang, Long An. Nhiều tỉnh tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề để nâng cao chất lượng giáo dục như: Long An với các chuyên đề “Chuyển đổi dạy học cả ngày” và “Mô hình dạy học tích cực”; An Giang thành lập Hội đồng bộ môn cấp tỉnh, huyện; Hậu Giang tổ chức bồi dưỡng “chuẩn hiệu trưởng”. Trà Vinh triển khai đến tất cả trường tiểu học mô hình “Lấy học sinh làm trung tâm”.
Về đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học, trong học kỳ I này, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia và kinh phí sự nghiệp, các Sở GD&ĐT quan tâm mua sắm thiết bị từ đầu năm học. Kiên Giang đầu tư 36 tỉ đồng, Hậu Giang 34 tỉ, An Giang 33 tỉ, Long An 26,4 tỉ, Bạc Liêu 20 tỉ, Đồng Tháp 16,6 tỉ...Về chương trình kiên cố hóa trường lớp, qua 4 năm thực hiện (2008-2011), Long An giải ngân đạt 98%, Đồng Tháp 68,28% (do thiếu vốn đối ứng), Trà Vinh 88% các tỉnh còn lại đang khát vốn.
Trong 6 tháng qua, các tỉnh cũng có những hội thảo giao lưu kinh nghiệm trong khu vực rất bổ ích: Hậu Giang hội thảo trao đổi kinh nghiệm về GDMN; Trà Vinh tổ chức hội thao vùng; Đồng Tháp hội thảo nâng cao công tác chủ nhiệm; Bến Tre hội thảo nâng cao chất lượng công tác chống bỏ học; Tiền Giang tổ chức chương trình “Đường đến vinh quang” cho học sinh THPT trên sóng truyền hình...
Còn đó những khó khăn
Thành tựu đạt được đáng phấn khởi, nhưng ngành GD đồng bằng SCL còn phải đối mặt với những thách thức từ thực tiễn. Cơ sở vật chất, trường lớp, trang thiết bị phục vụ giảng dạy còn thiếu và chưa đồng bộ. Chương trình kiên cố hóa trường lớp tuy giai đoạn I đầu tư khá lớn nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.
Đề án phổ cập GDMN 5 tuổi thiếu nguồn kinh phí thực hiện. Rất nhiều xã chưa có trường MN. Điển hình như Hậu Giang còn 9 xã chưa có trường Mẫu giáo.
Tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia ở khu vực rất thấp, chỉ 720 trường trên tổng số 6.559 trường. Trong đó tiểu học có 446 trường còn THPT chỉ có 23 trường.
Đại biểu Tiền Giang kiến nghị về đào tạo lại giáo viên dạy ngoại ngữ theo chương trình mới |
Các ý kiến của đại biểu tập trung phản ánh và kiến nghị những vấn đề như: tiếp tục chương trình kiên có hóa trường lớp giai đoạn tiếp sau. Việc quản lý giáo dục trên địa bàn theo Thông tư 47/BGD&ĐT khó khăn, do năng lực, kinh nghiệm chưa có. Vốn kiên cố hóa trường lớp tuy lớn nhưng xây dựng phòng học không nhiều, do đặc thù vùng có nền đất yếu, chi phí tăng gấp đôi so với vùng cao nguyên, vùng có thời tiết khắc nghiệt như lũ, lốc còn tốn kém hơn. Việc dạy ngoại ngữ ở bậc tiểu học các tỉnh đều triển khai, nhưng kiểm tra số giáo viên đủ chuẩn dạy chương trình mới rất ít, chưa có trường đào tạo lại giáo viên theo chuẩn mới.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bùi Văn Ga biểu dương những thành tích đã đạt được của ngành GD ĐBSCL. Thứ trưởng đề nghị ngành GD các tỉnh cần quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI về chiến lược đào tạo nguồn nhân lực thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Đổi mới GD toàn diện theo Nghị định 115/CP của Chính phủ; Trước mắt phải nâng cao chất lượng GD toàn diện, hạn chế học sinh bỏ học đến mức thấp nhất; Tập trung cho kỳ thi học kỳ, thi tốt nghiệp cuối cấp, tuyển sinh đầu cấp, đặc biệt là kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ sắp tới.
Quyết tâm thực hiện đề án phổ cập GDMN 5 tuổi; Đẩy mạnh giải ngân vốn kiên cố hóa trường lớp trong thời gian tới; Phải có kế hoạch phát triển trường chuẩn quốc gia gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
PV