Nâng cao chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ, luật và công tác tuyển sinh

GD&TĐ - Toạ đàm về giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ, đào tạo luật và công tác tuyển sinh được tổ chức chiều 29/9, tại Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại tọa đàm.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại tọa đàm.

Chương trình do Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức. Dự toạ đàm có Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn; các Phó Chủ nhiệm, Uỷ viên Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Quốc hội; đại diện các đơn vị vụ, cục thuộc Bộ GD&ĐT; đại diện một số cơ quan, đơn vị và chuyên gia.

Tăng đáng kể số cơ sở đào tạo luật

Theo báo cáo của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Quốc hội về đào tạo luật, sau hơn 45 năm phát triển, số lượng các cơ sở đào tạo luật tăng lên đáng kể. Ngày càng nhiều các cơ sở đào tạo tư thục tham gia vào đào tạo luật, trong đó có 28 cơ sở đào tạo luật tư thục trên tổng số 79 cơ sở đào tạo luật cả nước đào tạo đúng ngành (chiếm 35,4%).

Về quy mô đào tạo cử nhân luật, số liệu thống kê tại 31/12/2023, có 124.169/2.207.100 sinh viên (chiếm khoảng 5,6 tổng sinh viên toàn quốc). Số sinh viên học hệ đại học chính quy chiếm 62,2% so với tổng số sinh viên học cơ sở đào tạo cử nhân luật.

Về đào tạo sau đại học, theo số liệu năm học 2024-2025 có 39 cơ sở đào tạo luật trình độ thạc sĩ và 10 cơ sở đào tạo luật có đào tạo trình độ tiến sĩ. Hiện tại, chỉ cơ sở đào tạo công lập mới có ngành đào tạo trình độ tiến sĩ và đều là các trường có truyền thống về đào tạo luật.

Đối với đào tạo trình độ thạc sĩ sự tham gia của khối ngoài công lập ngày càng tăng. Theo thống kê đến 31/12/2023, có 19 cơ sở đào tạo luật ngoài công lập có đào tạo trình độ thạc sĩ (chiếm 48,7%) với quy mô 1.439 học viên, chiếm 17,4% quy mô học viên thạc sĩ luật của cả nước.

toa dam.jpg
Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại tọa đàm.

Từng bước hoàn thiện chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ

Đối với vấn đề đào tạo tiến sĩ, năm 2023, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ. Mục tiêu giám sát là đánh giá thực trạng công tác đào tạo trình độ tiến sĩ trong nước; xác định rõ nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế; đề xuất, kiến nghị các giải pháp bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ, đáp ứng yêu cầu xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong giai đoạn hiện nay.

Trên cơ sở báo cáo của các bộ, ngành trung ương và hơn 60 cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu được phép đào tạo trình độ tiến sĩ báo cáo tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ; tổ chức khảo sát thực tiễn tại 15 cơ sở ; tổ chức tọa đàm, xin ý kiến các chuyên gia; làm việc với Bộ GD&ĐT, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Ủy ban đã có Báo cáo số 2239/BC-UBVHGD15 ngày 12/3/2024 kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ.

Tính đến năm 2022, cả nước có 196 cơ sở đào tạo được phép đào tạo trình độ tiến sĩ, tăng 1,66 lần so với năm học 2014-2015 , trong đó có 157 cơ sở giáo dục đại học và 39 viện nghiên cứu, trường của tổ chức chính trị, lực lượng vũ trang và trường của bộ, ngành .

toa dam 2.jpg
Toàn cảnh tọa đàm.

Qua giám sát cho thấy, hệ thống chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ từng bước được hoàn thiện, đã quy định tương đối toàn diện, đầy đủ những vấn đề cốt lõi trong hoạt động đào tạo tiến sĩ, tiệm cận với chuẩn mực của khu vực và thế giới, phát huy quyền tự chủ, tăng cường trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch của các cơ sở đào tạo tiến sĩ.

Các cơ sở đào tạo nhìn chung tuân thủ nghiêm túc quy định hiện hành; chủ động xây dựng, điều chỉnh, ban hành các quy chế, quy định về đào tạo tiến sĩ phù hợp với điều kiện thực tiễn tại đơn vị. Đội ngũ giảng viên được quan tâm củng cố, phát triển; trình độ, năng lực ngày càng được nâng cao. Cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ bản đáp ứng yêu cầu; một số nơi được tập trung đầu tư, phát triển theo hướng hiện đại, đạt chuẩn quốc tế.

Quy mô đào tạo trình độ tiến sĩ tiếp tục phát triển. Cơ cấu, lĩnh vực đào tạo tiến sĩ ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu. Chất lượng, hiệu quả đào tạo trình độ tiến sĩ ngày càng được nâng lên.

Các cơ sở đào tạo tiến sĩ ở trong nước đã trực tiếp góp phần đào tạo, phát triển nguồn cán bộ khoa học, công nghệ cho đất nước, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên. Nhiều tiến sĩ được đào tạo trong nước đã và đang giữ vị trí quan trọng về đào tạo, nghiên cứu khoa học, quản lý kinh tế, xã hội. Nhiều kết quả nghiên cứu trong quá trình đào tạo tiến sĩ là những công trình có giá trị, đóng góp thiết thực, hiệu quả cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam còn một số hạn chế, tồn tại. Đó là, chính sách xây dựng và phát triển đội ngũ tiến sĩ chưa đầy đủ, hoàn thiện; chưa có chính sách để ưu tiên, khuyến khích, phát triển các lĩnh vực, ngành nghề quan trọng, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tốc độ tăng quy mô đào tạo tiến sĩ trong giai đoạn gần đây không ổn định, có những thời điểm giảm. Việc mở rộng quy mô đào tạo của một số cơ sở chưa tương xứng với năng lực và điều kiện bảo đảm chất lượng. Công tác tuyển sinh của một số ngành, lĩnh vực đặc thù, quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội gặp khó khăn.

toa dam 5.jpg
Các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện Bộ, ngành và các cơ sở giáo dục đại học trao đổi tại tọa đàm.

Tự chủ đại học tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong tuyển sinh

Đối với công tác tuyển sinh, báo cáo của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Quốc hội đánh giá: Luật Giáo dục đại học 2012 đã trao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục đại học tự xác định chỉ tiêu và chịu trách nhiệm trong công tác tuyển sinh trên cơ sở quy chế tuyển sinh do Bộ GD&ĐT ban hành.

Tự chủ đại học đã tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh trong tuyển sinh, thu hút sinh viên giỏi, tạo thuận lợi cho cơ sở giáo dục đại học chủ động trong việc xây dựng đề án, tổ chức thực hiện tuyển sinh phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tiễn.

Từ năm 2015 đến nay, nhất là từ sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2019 được ban hành và có hiệu lực, công tác tuyển sinh đã có nhiều đổi mới, hoàn thiện và dần đi vào ổn định. Kết quả tuyển sinh tăng trưởng ổn định qua từng năm. Phương thức tuyển sinh được đa dạng hóa.

Việc thực hiện chuyển đổi số trong toàn hệ thống và ở tất cả các khâu trong tuyển sinh đã tạo thuận lợi tối đa cho người học, thí sinh và người dân; đảm bảo khách quan, công bằng, tiết kiệm nguồn lực xã hội. Quy trình tuyển sinh được cải tiến, đảm bảo tính khoa học và hiệu quả.

Việc mở rộng quy mô, đa dạng hóa phương thức tuyển sinh giáo dục đại học trong những năm qua góp phần nâng cao cơ hội học tập, tăng cường tiếp cận đối với giáo dục đại học; tạo cơ hội để bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao của đất nước, nhất là cho các ngành công nghệ cao, ngành then chốt.

toa dam 3.jpg
Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thu Thủy phát biểu tại tọa đàm.

Cần gia tăng chuyên nghiệp, gia tăng đầu tư cho đào tạo tiến sĩ

Tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện Bộ, ngành và các cơ sở giáo dục đại học đã trao đổi đánh giá thực trạng, nêu các giải pháp cho 3 vấn đề của giáo dục nhận được sự quan tâm, bao gồm: giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ; giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo luật; giải pháp về tuyển sinh đại học, cao đẳng và tuyển sinh đầu cấp vào lớp 10 THPT.

Các ý kiến từ nhiều góc nhìn, góc độ khác nhau cho thấy, đã có những chuyển biến tích cực thời gian qua trong đào tạo tiến sĩ, khi số lượng, chất lượng nghiên cứu sinh tăng, chất lượng công bố quốc tế tăng, thông qua đào tạo nghiên cứu sinh xếp hạng đại học của Việt Nam cũng tăng đáng kể.

Tuy nhiên, từ phân tích các hạn chế, bất cập, các ý kiến cũng cho rằng, cần có giải pháp để “siết” chất lượng đào tạo tiến sĩ, đào tạo luật, đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trao đổi tại toạ đàm, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, các đề xuất được nêu tại toạ đàm trúng với những vấn đề cần tháo gỡ và hỗ trợ cho Bộ GD&ĐT trong việc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quản lý. Những băn khoăn, mong muốn, góp ý của các đại biểu, chuyên gia là nhằm hướng tới chất lượng.

toa dam 6.jpg
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại tọa đàm.

Trao đổi cụ thể về vấn đề đào tạo tiến sĩ và đào tạo luật từ góc độ những đóng góp cho sự phát triển của hệ thống đại học, của đất nước trong giai đoạn vừa qua và nguyên nhân của một số tồn tại, hạn chế, Bộ trưởng mong rằng, các đại biểu, chuyên gia sẽ có đánh giá toàn diện, công bằng hơn về 2 vấn đề này.

Theo Bộ trưởng, đội ngũ những người làm khoa học chưa bao giờ tiếp cận thế giới được như bây giờ. Đội ngũ tiến sĩ đã có đóng góp cho phát triển đất nước. Đội ngũ tiến sĩ tại các trường đại học có nhiều đóng góp cho chất lượng giáo dục, nếu không có đội ngũ ấy sẽ không chất lượng giáo dục đại học như hiện nay.

Cũng theo Bộ trưởng, giới hạn của trường đại học không vượt qua được giới hạn của trình độ nghiên cứu khoa học và nền kinh tế. Do đó, câu chuyện nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ là một quá trình, nâng dần cùng nâng cao nền khoa học công nghệ và tăng trưởng kinh tế.

“Nói như vậy không có nghĩa được phép thoả mãn với những việc đã làm. Còn nhiều việc cần phải làm”, Bộ trưởng nói, đồng thời cho rằng, cần gia tăng chuyên nghiệp, gia tăng đầu tư cho đào tạo tiến sĩ trong thời gian sắp tới. Trong đó khâu đầu tư “dứt khoát phải làm” là đầu tư, chăm sóc cho đội ngũ “người thầy”, ngay cả thể chế cũng phải giải phóng cho vấn đề này.

Kết luận toạ đàm, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đã trao đổi cụ thể một số giải pháp để tiếp tục bàn trong thời gian tới nhằm nâng cao chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ, chất lượng đào tạo luật và tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ