Các giải pháp có thể kể tới như xây dựng chương trình đào tạo dự bị, tận dụng tối đa nguồn lực chuyên gia tại chỗ để tiết giảm chi phí...
Chương trình “dự bị” tiến sĩ
Theo thống kê từ ĐH Huế, sau khi Thông tư 08/2017 của Bộ GD&ĐT ban hành quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ có hiệu lực thì những năm sau đó, số người học giảm mạnh. Có năm chỉ có 15 – 20 nghiên cứu sinh vì đầu vào khó đáp ứng.
Để gỡ khó quy định đầu vào cho người học, từ năm 2020, ĐH Huế ban hành quy định tuyển sinh và đào tạo dự bị tiến sĩ. Chương trình này giúp bồi dưỡng, hỗ trợ các ứng viên đạt được yêu cầu trước khi dự tuyển nghiên cứu sinh theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT về trình độ ngoại ngữ, năng lực nghiên cứu, bài báo khoa học.
Theo đó, trong thời gian không quá 24 tháng, ứng viên được học dự thính chương trình đào tạo tiến sĩ, tham gia các chương trình đào tạo bồi dưỡng tiền tiến sĩ, phương pháp nghiên cứu khoa học, trực tiếp tham gia nghiên cứu khoa học và công bố các bài báo khoa học liên quan đến đề tài nghiên cứu.
Người học sẽ được giới thiệu về trường, khoa để gặp giảng viên hướng dẫn, trực tiếp tham gia công tác nghiên cứu, phát triển bài luận thành đề cương nghiên cứu và tiếp cận các nguồn tài liệu, sử dụng thư viện, trang thiết bị thí nghiệm phục vụ cho học tập, nghiên cứu khoa học; đặc biệt có thể định hướng, chọn lựa đề tài để sau này tiếp tục làm đề tài nghiên cứu cho nghiên cứu sinh.
Tuy dự bị tiến sĩ không phải là nghiên cứu sinh nhưng để đáp ứng chất lượng, người học phải trải qua quá trình xét tuyển. Ứng viên có bằng tốt nghiệp đại học ngành đúng, phù hợp loại giỏi trở lên hoặc bằng thạc sĩ ngành đúng, phù hợp hoặc ngành gần. Nếu bằng tốt nghiệp được cơ sở đào tạo nước ngoài cấp phải được thẩm định của Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT. Để được công nhận dự bị tiến sĩ, ứng viên phải thông qua tiểu ban chuyên môn xét tuyển dựa trên năng lực.
Tuy thời gian học dự bị không tính vào quá trình đào tạo tiến sĩ chính thức sau này nhưng có thể giúp người học hoàn thiện, bổ sung điều kiện còn thiếu để đăng ký dự tuyển nghiên cứu sinh.
PGS.TS Trương Thị Hồng Hải - Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, ĐH Huế cho biết: “Người học dự bị tiến sĩ được tham gia nhóm nghiên cứu và làm đề tài với các chuyên gia. Việc chuẩn bị sớm các điều kiện về ngoại ngữ, phương pháp nghiên cứu… giúp nghiên cứu sinh có thể rút ngắn thời gian làm tiến sĩ khi theo học chương trình chính thức”.
Giảng viên hướng dẫn và các cộng sự chúc mừng nghiên cứu sinh Sonexay Rasphone (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào) trong buổi bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Đại học Huế, ngành Sinh học. Ảnh: ĐH Huế |
Tiến sĩ - “làm” chứ không “học”
PGS.TS Nguyễn Hồng Hải - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng nhận xét: “Để đảm bảo chất lượng đào tạo, việc siết chặt đầu vào tuyển sinh đối với chương trình đào tạo là cần thiết. Gần như các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ chỉ khó khăn về tuyển sinh trong 2 năm đầu khi áp dụng Thông tư 08 vì người học chưa có thời gian chuẩn bị các điều kiện cần”.
Từ khoảng 2 - 3 năm trở lại đây, nguồn tuyển nghiên cứu sinh của Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng tăng trở lại, số học viên bảo vệ đúng hạn cũng tăng dần. Nghiên cứu sinh tại Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng được tham gia các nhóm nghiên cứu – giảng dạy cũng là một trong những thuận lợi để đáp ứng yêu cầu công bố bài báo quốc tế.
PGS.TS Võ Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng cho biết: “Nhà trường quy định các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp của giảng viên, yêu cầu công bố quốc tế ở tạp chí Q1, Q2 bắt buộc phải hỗ trợ nghiên cứu sinh và thạc sĩ.
Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng hiện có 14 nhóm nghiên cứu – giảng dạy (Teaching Research Team – TRT) phủ đều các lĩnh vực khoa học và nhất là đã liên kết các lĩnh vực khoa học với nhau. Số lượng công bố khoa học trên các tạp chí WoS/Scopus tăng từ 1,5 - 2 lần/năm. Tạp chí Khoa học, xã hội, nhân văn và Giáo dục của trường được đầu tư phát triển và gia nhập nhiều cơ sở dữ liệu quốc tế. Đây là những điều kiện để hỗ trợ tốt cho nghiên cứu sinh trong quá trình làm tiến sĩ”.
Chia sẻ về quá trình làm nghiên cứu sinh chuyên ngành Kế toán tại Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng, TS Lê Hà Như Thảo thông tin: “Trong chặng đường học tập, tôi gặp nhiều áp lực vì vừa học tập nghiên cứu vừa phải hoàn thành công việc ở đơn vị công tác cũng như việc gia đình.
Tuy nhiên, nhờ sự động viên, khích lệ, hỗ trợ của thầy cô đã giúp tôi có động lực hơn nữa để hoàn thành tốt nhất việc học và quyết tâm phấn đấu hoàn thành mục tiêu. Học viên sau đại học được sử dụng thư viện điện tử để tiếp cận nhiều cơ sở dữ liệu quốc tế, có phòng làm việc dành cho nghiên cứu sinh…”.
PGS.TS Lê Văn Huy - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng chia sẻ: “Trường quan tâm việc hỗ trợ người học phát triển chuyên môn, đặc biệt phương pháp nghiên cứu để đáp ứng yêu cầu đầu ra cho tiến sĩ. Trước đây, các đề tài liên quan đến giải pháp có thể chấp nhận được, nhưng hiện nay, hướng nghiên cứu buộc phải thay đổi, phải là công trình nghiên cứu, được công bố trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế.
Chính vì vậy, nhà trường hỗ trợ cho giảng viên hướng dẫn và cả nghiên cứu sinh tham dự các hội thảo khoa học liên quan đến chuyên môn. Nhà trường có quy chế khen thưởng cho giảng viên và nghiên cứu sinh khi có bài báo khoa học được xuất bản trên tạp chí quốc tế. Đặc biệt, mức học phí đào tạo tiến sĩ của nhà trường vẫn giữ nguyên và không chênh lệch nhiều so với đào tạo đại học chính quy”.