Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Đào tạo ngành Luật được quan tâm đặc biệt

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chiều 21/9, tại Trường Đại học Luật TPHCM diễn ra lễ công bố và trao quyết định công nhận Hiệu trưởng với TS Lê Trường Sơn.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn (phải) trao quyết định công nhận hiệu trưởng cho TS Lê Trường Sơn. Ảnh: Mạnh Tùng
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn (phải) trao quyết định công nhận hiệu trưởng cho TS Lê Trường Sơn. Ảnh: Mạnh Tùng

Buổi lễ công bố và quyết định công nhận Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.

Ông Lê Trường Sơn sinh năm 1971, tốt nghiệp Cử nhân Luật năm 1994 tại Phân hiệu Đại học Luật TPHCM (nay là Trường Đại học Luật TPHCM).

Từ năm 1995, ông Lê Trường Sơn bắt đầu công tác tại Trường Đại học Luật TPHCM, kinh qua nhiều công tác, chức vụ quản lý các đơn vị trực thuộc trường.

Trong giai đoạn 4/2013 - 4/2023, ông Lê Trường Sơn giữ chức Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM. Từ tháng 5/2023, ông được giao Phó Hiệu trưởng phụ trách trường từ tháng 5/2023.

Theo Trường Đại học Luật TPHCM, trong suốt thời gian gần 30 năm công tác tại trường, ông Lê Trường Sơn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, nhận được sự tín nhiệm cao của Đảng ủy, Hội đồng trường, viên chức và người lao động.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu giao nhiệm vụ. Ảnh: Mạnh Tùng

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu giao nhiệm vụ. Ảnh: Mạnh Tùng

Ngành Luật được Đảng, Nhà nước và Chính phủ rất quan tâm

Chúc mừng TS Lê Trường Sơn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu, giao nhiệm vụ với ông Lê Trường Sơn và tập thể lãnh đạo Trường Đại học Luật TPHCM.

Theo Bộ trưởng, cùng với ngành Y Dược và Sư phạm, ngành Luật có tầm quan trọng và tác động lớn đến đời sống chính trị, xã hội, kinh tế. Đảng, Nhà nước đặc biệt lưu ý ngành giáo dục và đào tạo có sự quan tâm, kiểm soát, hỗ trợ và phát triển 3 ngành trên.

Đặc biệt, ngành Luật được Đảng, Nhà nước và Chính phủ rất quan tâm.

Bộ trưởng nêu một số dẫn chứng: Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; lấy sự vững mạnh về hệ thống pháp luật, hoàn thiện và phát triển thể chế là những giải pháp mang tính đột phá.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án tổng thể xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật TPHCM thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật.

Cách đây ít ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt một đề án quan trọng, làm cơ sở cho các mục tiêu, giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo ngành Luật.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chụp ảnh lưu niệm cùng tập thể lãnh đạo, cán bộ quản lý của Trường Đại học Luật TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chụp ảnh lưu niệm cùng tập thể lãnh đạo, cán bộ quản lý của Trường Đại học Luật TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng

“Trường Đại học Luật TPHCM đang đứng trước yêu cầu, sứ mệnh về đào tạo và nghiên cứu rất lớn. Khó khăn nhiều cũng có thuận lợi. Chúng ta đang đứng trước yêu cầu phát triển, đáp ứng được yêu cầu của thời đại, sự quan tâm và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Chính phủ”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng mong tập thể lãnh đạo Trường Đại học Luật TPHCM phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất một lòng.

“Sự đoàn kết chỉ có được khi chúng ta quan tâm, chia sẻ với nhau. Sự công bằng trong quyền lợi, sự công khai minh bạch là gốc của đoàn kết”, Bộ trưởng nói.

Nhà trường cần gia tăng số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên. Hiện trong số khoảng 280 giảng viên của trường, tỷ lệ có trình độ tiến sĩ là 29%.

Theo Bộ trưởng, con số này là khá so với các trường đào tạo ngành Luật khác, nhưng với yêu cầu phát triển thì cần phải gia tăng đội ngũ, trong đó có việc tăng tỷ lệ giảng viên trình độ Tiến sĩ. Việc này cũng nhằm mở rộng quy mô ngành nghề, nâng cao chất lượng đào tạo.

Ngoài ra, nhà trường cần rà soát các chương trình đào tạo để đổi mới chương trình, đổi mới nội dung; gắn hoạt động đào tạo với các vấn đề thực tiễn cuộc sống, tư vấn chính sách.

Trường cũng cần rà soát quy chế hoạt động, đảm bảo cho từng giảng viên, nhà khoa học tham gia được nhiều nhất vào quá trình hoạch định chính sách, các quyết định mang tính chuyên môn của nhà trường.

Về cơ sở vật chất, Bộ trưởng đề nghị Trường Đại học Luật TPHCM tháo gỡ các nút thắt đầu tư, các vướng mắc để đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở mới.

Thực hiện thành công chiến lược phát triển trường

Phát biểu nhận nhiệm vụ, TS Lê Trường Sơn cho biết, sẽ tiếp tục kế thừa các thành quả đã đạt được của các thế hệ lãnh đạo trường trước đó; cùng với tập thể lãnh đạo trường liên tục đổi mới, sáng tạo, quyết tâm thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển Trường Đại học Luật TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

TS Lê Trường Sơn phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Mạnh Tùng

TS Lê Trường Sơn phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Mạnh Tùng

Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng Trường Đại học Luật TPHCM thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật; trung tâm nghiên cứu và truyền bá pháp lý hàng đầu trong các cơ sở đào tạo pháp luật của Việt Nam.

Trường sẽ có vai trò dẫn dắt trong hệ thống các cơ sở đào tạo luật của cả nước, có uy tín trong khu vực Đông Nam Á và thế giới.

Ông Lê Trường Sơn nêu ra 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.

Trong đó đáng chú ý là nhà trường sẽ phát triển đội ngũ giảng viên, đặc biệt là đội ngũ có trình độ Tiến sĩ trở lên. Trường cũng sẽ xây dựng cơ chế, chính sách tài chính hợp lý, đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ