Tuy nhiên, vẫn còn bất cập trong công tác tuyển sinh, chất lượng luận án còn nhiều tranh cãi, học viên có xu hướng “né” trường khó nhằn…
Tuyển sinh khó khăn
Báo cáo thường niên năm 2023 cho thấy, quy mô đào tạo trình độ tiến sĩ của các trường thành viên Đại học Quốc gia TPHCM liên tục giảm trong giai đoạn 2019 - 2023. Cụ thể, năm 2019, quy mô là 1.178 người; đến năm 2023 chỉ còn 995. Tính đến ngày 30/11/2023, số lượng tuyển sinh mới sau đại học là 2.257 người, trong đó có 322 nghiên cứu sinh. Như vậy, so với năm 2023, số lượng tuyển sinh mới nghiên cứu sinh khá thấp.
Tình trạng tuyển sinh sau đại học của các trường thành viên Đại học Quốc gia TPHCM tụt dốc có từ nhiều năm trước; từ hơn 10 nghìn thí sinh của năm 2012, đến năm 2017 chỉ còn 2.912 thí sinh đăng ký dự thi, so với 3.683 chỉ tiêu.
Tuyển sinh trình độ tiến sĩ thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu cũng là thực tế đang diễn ra ở nhiều trường đại học. Tại Đại học Nha Trang, với 11 ngành đào tạo tiến sĩ, trong 5 năm từ 2019 - 2023 chỉ tuyển được 30 nghiên cứu sinh. Trong đó, nhiều ngành như: Kỹ thuật tàu thủy, Công nghệ chế biến thủy sản, Công nghệ thực phẩm… “trắng” học viên qua các năm.
Trong văn bản trả lời phản ánh của cử tri Đà Nẵng về “tình trạng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ nhiều về số lượng nhưng chất lượng chưa cao, ít có công trình khoa học đột phá, áp dụng trong đời sống xã hội” hồi tháng 2/2023, Bộ GD&ĐT nhìn nhận, chất lượng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của Việt Nam hiện chưa đồng đều giữa các trường.
Theo thống kê của Bộ, tuyển sinh đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ ở trong nước giảm đáng kể. Năm học 2019 - 2020, tổng chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo trình độ tiến sĩ do các cơ sở đào tạo xác định là 5.111, tuy nhiên toàn hệ thống chỉ tuyển được 1.274 nghiên cứu sinh (tương đương 24,93%). Năm học 2020 - 2021, chỉ tiêu đào tạo trình độ tiến sĩ là 5.056 và tuyển được 1.735 (34,32%).
PGS.TS Nguyễn Đình Quân - Trưởng phòng Thí nghiệm Nhiên liệu Sinh học & Biomass, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) cho biết, ngày càng ít người chịu làm nghiên cứu sinh bởi những nguyên nhân khác nhau. Ở khối kỹ thuật, công nghệ, nhiều người có năng lực nghiên cứu, làm nghiên cứu sinh lại chọn hướng đi du học. Chưa kể, lộ trình làm nghiên cứu sinh mất nhiều thời gian, tốn công sức nên không phải ai cũng có đủ điều kiện, kiên trì theo đuổi.
Một phó giáo sư tại trường đại học ở TPHCM bổ sung lý do khác: Điều kiện đầu vào và đầu ra của bậc tiến sĩ ngày càng cao, trong khi các nghiên cứu sinh phần lớn phải vừa đi làm, vừa đi học nên nhiều người không mặn mà. “Ngoài ra, nhiều người tốt nghiệp cử nhân, kỹ sư ở lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật cũng tìm được việc làm với thu nhập tốt nên không muốn học tiếp lên các bậc cao hơn”, chuyên gia này cho biết.
Mới đây, tại tọa đàm về Đề án 89 (nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2030), PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng, thời gian qua, đào tạo sau đại học, nhất là tiến sĩ, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước và khoa học công nghệ.
Ở các quốc gia trên thế giới, để trở thành một đại học nghiên cứu tầm cỡ, ít nhất về số lượng đào tạo tiến sĩ phải ngang bằng đào tạo cử nhân. Theo ông Quân, vài chục năm nữa, nếu giữ quy mô đào tạo nghiên cứu sinh như hiện nay, sẽ khó có thể vươn tầm thế giới. Bởi nghiên cứu sinh mới là những người thực sự làm nghiên cứu trong các trường đại học, “máy cái” sinh ra các công trình khoa học.
Tân tiến sĩ của Đại học Kinh tế (UEH) trong đợt trao bằng tháng 1/2024. Ảnh: UEH |
Chất lượng không đồng đều
Hiện, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ đã quy định khá đầy đủ các nội dung cần thiết, hoạt động từ mở ngành, xây dựng chương trình, tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo, cấp bằng. Mặc dù công tác đào tạo trình độ tiến sĩ những năm qua đạt nhiều thành tựu quan trọng, nhưng trên thực tế, tại các cơ sở đào tạo còn nhiều bất cập. Ví như, ngoài việc tuyển sinh khó khăn còn là vấn đề chất lượng của luận án tiến sĩ; quy mô ngành đào tạo còn khá nhỏ và mang tính phân tán…
Cách đây hai năm, dư luận xã hội xôn xao với luận án tiến sĩ “Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La” của nghiên cứu sinh thuộc Viện Khoa học Thể dục thể thao. Nhiều người cho rằng, nội dung đề tài không đủ tầm của luận án tiến sĩ. Không chỉ là chất lượng đề tài, hiện có xu hướng người học tìm cơ sở đào tạo “dễ thở” để làm nghiên cứu sinh.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, trong đó việc một số đơn vị chưa tuân thủ chặt chẽ quy chế đào tạo. Từ đó, dẫn đến tình trạng chất lượng nhiều công bố khoa học bắt buộc chưa cao, chỉ ở mức đối phó đủ điều kiện công trình. Ngoài ra, còn tồn tại tình trạng nể nang, dễ dãi khi thành lập hội đồng đánh giá luận văn, luận án, thông qua một số đề tài luận án tiến sĩ có phạm vi quá hẹp, không bảo đảm giá trị khoa học…
Theo báo cáo của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, tính đến năm 2022, toàn hệ thống có 196 cơ sở đào tạo được phép đào tạo trình độ tiến sĩ. Trong đó có 157 cơ sở giáo dục đại học và 39 viện nghiên cứu, trường của tổ chức chính trị, lực lượng vũ trang, trường của bộ, ngành. Tuy có nhiều cơ sở đào tạo tiến sĩ nhưng do không tập trung nguồn lực nên chất lượng đào tạo tiến sĩ không đồng đều.
Điều này cũng được Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chỉ ra khi lấy ý kiến về dự thảo Thông tư ban hành chuẩn cơ sở giáo dục đại học (Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT ban hành ngày 5/2/2024). Theo Thứ trưởng, số lượng nghiên cứu sinh của Việt Nam thấp so với thế giới nhưng lại phân tán ở nhiều cơ sở giáo dục đại học. Có những trường đào tạo đa lĩnh vực, đến 50 ngành trình độ đại học nhưng chỉ 2 - 3 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ.
Điều này vừa không mang lại nhiều hiệu quả, mà khó đảm bảo chất lượng. “Chất lượng chưa tốt, nguồn lực chưa đủ, đặc biệt không gắn với nghiên cứu nên chất lượng thấp, số lượng ít và không đáp ứng được yêu cầu”, Thứ trưởng nhận định.
Tính đến tháng 11/2022, quy mô đào tạo tiến sĩ của cả nước là 8.933 nghiên cứu sinh ở các lĩnh vực và ngành đào tạo. Trong khi đó, ở một số nước khác như Trung Quốc, chỉ riêng trong lĩnh vực kỹ thuật (engineering), số tuyển mới năm 2020 tại các trường đại học công lập là 195.850 nghiên cứu sinh. Ở Israel, năm học 2020 - 2021 có 11.855 nghiên cứu sinh.