Đào tạo tiến sĩ: Đầu tư sớm và xa

GD&TĐ - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gợi mở, cần có giải pháp khuyến khích người giỏi, tài năng làm nghiên cứu sinh...

Nghiên cứu sinh tại Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: NTCC
Nghiên cứu sinh tại Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: NTCC

Tại cuộc họp về đào tạo trình độ tiến sĩ ngày 12/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gợi mở, cần có giải pháp khuyến khích người giỏi, tài năng làm nghiên cứu sinh; đồng thời phải có chiến lược rõ ràng và đầu tư từ sớm, xa.

PGS.TS Trần Đình Phong - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội: Nuôi dưỡng đam mê nghiên cứu

Thực trạng đào tạo sau đại học, trong đó có trình độ tiến sĩ đang gặp nhiều khó khăn, trong khi đây là hoạt động chuẩn bị nguồn nhân lực trình độ cao, cần cho giai đoạn phát triển tiếp theo của đất nước. Thực tế, những sinh viên giỏi có nhiều cơ hội tiếp cận học bổng để đi đào tạo sau đại học tại nước ngoài.

Đơn cử, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) thường xuyên tiếp đón các đoàn giáo sư từ trường đối tác tới gặp gỡ, giới thiệu học bổng thu hút sinh viên giỏi. Theo đó, nhiều em nhận được học bổng du học sớm trước khi tốt nghiệp đại học.

PGS.TS Trần Đình Phong.

PGS.TS Trần Đình Phong.

Hiện, tiếp cận trong đào tạo tiến sĩ của chúng ta chưa theo kịp thông lệ quốc tế. Ví dụ, nghiên cứu sinh nên đi làm tiến sĩ hơn là học tiến sĩ. Phải coi nghiên cứu sinh là nhà nghiên cứu trẻ, đào tạo để có thể trở thành nhà nghiên cứu độc lập sau khi tốt nghiệp.

Muốn vậy, nghiên cứu sinh phải tham gia, trở thành thành viên chính thức, làm việc toàn thời gian trong tập thể nghiên cứu.

Tập thể nghiên cứu phải có môi trường học thuật, cơ sở vật chất, kinh phí để triển khai các đề tài. Ngoài ra, nghiên cứu sinh phải có học bổng hoặc sinh hoạt phí, đủ để chi trả cho sinh hoạt tối thiểu của mình để tập trung nghiên cứu. Nghiên cứu sinh không thể nuôi dưỡng đam mê nghiên cứu, duy trì sự tập trung nếu phải tự lo trang trải kinh phí nghiên cứu và cuộc sống.

Tại USTH, chúng tôi quan niệm nghiên cứu sinh là bộ phận quan trọng của tập thể nghiên cứu. Một mặt chúng tôi xây dựng cơ chế tài trợ cho nhóm nghiên cứu, đề tài cấp cơ sở và khuyến khích tập thể nghiên cứu tuyển nghiên cứu sinh. Mặt khác, sử dụng kinh phí được cấp để trang trải hoàn toàn kinh phí nghiên cứu của nghiên cứu sinh cũng như hỗ trợ sinh hoạt phí.

Từ 2 năm nay, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội cấp sinh hoạt phí hằng tháng khoảng 5 triệu nếu nghiên cứu sinh đăng ký tham gia nhiệm vụ trợ giảng. Các nghiên cứu sinh còn có nhiều cơ hội nhận hỗ trợ kinh phí đi thực tập ngắn hạn (3 tháng) tại Pháp, báo cáo tại hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế. Nghiên cứu sinh có kết quả nghiên cứu tốt được nhận học bổng khuyến khích học tập hằng năm của trường.

Ngoài cung cấp điều kiện vật chất tốt nhất trong khả năng cho nghiên cứu sinh, đơn vị còn cố gắng xây dựng môi trường học thuật theo các chuẩn mực quốc tế. Ví dụ, trường khuyến khích hình thức đồng hướng dẫn, đồng cấp bằng tiến sĩ.

Lễ trao bằng thạc sĩ, tiến sĩ của Học viện Khoa học và Công nghệ (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Ảnh: HVCC

Lễ trao bằng thạc sĩ, tiến sĩ của Học viện Khoa học và Công nghệ (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Ảnh: HVCC

Theo đó, nghiên cứu sinh được hướng dẫn bởi tập thể gồm 1 giảng viên Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội và 1 nhà khoa học Pháp; thực hiện nửa thời gian nghiên cứu tại trường và nửa ở cơ sở đào tạo phía đối tác Pháp. Luận án tiến sĩ sẽ bảo vệ trước hội đồng chấm luận án quốc tế do 2 trường đề xuất. Tốt nghiệp, nghiên cứu sinh nhận 2 bằng tiến sĩ: 1 của USTH và 1 của trường đối tác.

Chúng tôi hy vọng, thời gian tới các cơ quan chức năng, doanh nghiệp nhận thức sâu sắc hơn nữa tầm quan trọng của hoạt động đào tạo sau đại học nói chung và đào tạo tiến sĩ nói riêng, từ đó có chương trình đầu tư, tài trợ phù hợp.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đầu tư tài trợ nghiên cứu sinh thực hiện những nghiên cứu mà doanh nghiệp quan tâm là hình thức hiệu quả. Điều này giúp nhà trường kết nối với doanh nghiệp, người học được thực chiến; đặc biệt giúp doanh nghiệp tận dụng nguồn chất xám và tài nguyên cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu đã được Nhà nước đầu tư vào các trường.

Thực tế, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu và phát triển công nghệ thường tốn kém mà không phải doanh nghiệp nào, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể thực hiện. Chúng tôi mong Nhà nước có chương trình đầu tư cho tập thể nghiên cứu, chương trình học bổng quốc gia dành cho nghiên cứu sinh tiến sĩ.

Song song với chương trình học bổng Nhà nước tuyển chọn nghiên cứu sinh đi đào tạo tại nước ngoài, nên có các chương trình học bổng dành tuyển chọn nghiên cứu sinh tới đào tạo tại cơ sở uy tín trong nước. Một chương trình học bổng đủ lớn không chỉ giúp tăng chất lượng đào tạo nghiên cứu sinh trong nước, mà còn là hình thức đầu tư gián tiếp cho các tập thể nghiên cứu, cơ sở đào tạo trong nước phát triển năng lực khoa học công nghệ.

PGS.TS Trương Đại Lượng - Trưởng phòng Đào tạo, Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế (Trường ĐH Văn hóa): Quy hoạch lại mạng lưới cơ sở đào tạo

PGS.TS Trương Đại Lượng.

PGS.TS Trương Đại Lượng.

Để nâng cao chất lượng đào tạo nghiên cứu sinh, cần sự quan tâm chỉ đạo của Nhà nước về chính sách đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực và các đề tài nghiên cứu.

Cơ sở đào tạo nên quy định nghiên cứu sinh bắt buộc tham gia giảng dạy hoặc trợ giảng một lượng tiết nhất định trong chương trình đào tạo cử nhân của trường. Gắn sinh hoạt khoa học của nghiên cứu sinh với hoạt động khoa học và giảng dạy của khoa chuyên ngành. Quy định này hiện được triển khai chưa đồng đều giữa các cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ.

Một số cơ sở đào tạo phân công cho khoa sau đại học quản lý nghiên cứu sinh cả hoạt động học thuật và hành chính. Trong suốt quá trình đào tạo, nghiên cứu sinh không có sự liên hệ nào với các nhà khoa học chuyên ngành mà chủ yếu làm việc với giảng viên hướng dẫn, thậm chí một số giảng viên hướng dẫn được mời từ cơ sở khác.

Liên quan đến cơ chế Nhà nước đặt hàng đào tạo, tôi cho rằng, để thực hiện chủ trương này cần quy hoạch lại mạng lưới cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ, để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải manh mún.

Ông Lê Tuấn Tứ (đại biểu Quốc hội các khóa XIII, XIV): Trau dồi năng lực để trở thành nhà khoa học chân chính

Ông Lê Tuấn Tứ.

Ông Lê Tuấn Tứ.

Theo tôi, Nhà nước cần có chiến lược cấp kinh phí cho những đề tài luận án tiến sĩ nằm trong nhiệm vụ nghiên cứu trọng điểm của trường đại học.

Mức cấp ở mức hợp lý để đảm bảo nghiên cứu sinh thực hiện được ý tưởng khoa học, xây dựng các thí nghiệm nghiên cứu, thu kết quả với hàm lượng khoa học tốt cho công bố quốc tế.

Phía cơ sở đào tạo, nên xem nghiên cứu sinh là những cán bộ làm khoa học, đóng góp cho sự phát triển của đơn vị. Muốn vậy, các cơ sở đào tạo cần có chiến lược đầu tư trực tiếp cho nghiên cứu sinh như: Cấp học bổng, trả lương/thù lao từ hoạt động nghiên cứu, tham gia trợ giảng, hướng dẫn sinh viên, để đảm bảo cuộc sống tối thiểu của bản thân và yên tâm với công việc nghiên cứu.

Nghiên cứu sinh được tham gia thực hiện đề tài nghiên cứu của người hướng dẫn. Hỗ trợ cho nghiên cứu sinh chủ trì thực hiện đề tài nghiên cứu cấp cơ sở. Xây dựng các định hướng, chương trình nghiên cứu có tính dài hạn để các ứng viên có thể tìm hiểu trước, làm việc với thầy và nhóm nghiên cứu để xây dựng ý tưởng, đề xuất đề tài và kế hoạch nghiên cứu cụ thể. Các doanh nghiệp cần quan tâm, hỗ trợ cho nghiên cứu sinh và đầu tư trang thiết bị cho trường.

Về phía người học, luôn thể hiện quyết tâm cao, nhiệt huyết trên con đường khám phá, tìm tòi tri thức mới. Nghiên cứu sinh phải có sự chuẩn bị kỹ càng đề tài luận án, nhận thức đúng về việc làm nghiên cứu sinh. Trên hết cần trau dồi năng lực nghiên cứu để trở thành nhà khoa học chân chính.

GS.TS Vũ Đình Lãm - Giám đốc Học viện Khoa học công nghệ Việt Nam: Gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học và kết nối khởi nghiệp

GS.TS Vũ Đình Lãm.

GS.TS Vũ Đình Lãm.

Tôi cho rằng, cần triển khai các giải pháp hỗ trợ năng lực nghiên cứu và trình độ chuyên môn, ngoại ngữ cho các nghiên cứu sinh dự bị; tăng nguồn học bổng hỗ trợ nghiên cứu sinh; đồng thời xây dựng giải pháp tư vấn, hỗ trợ ứng viên dự tuyển nghiên cứu sinh chuẩn bị các điều kiện đầu vào trước khi đăng ký.

Có thể mở chương trình tiền tiến sĩ (dự bị tiến sĩ - pre-doctor) cho các học viên chưa đủ tiêu chuẩn về ngoại ngữ và/hoặc năng lực nghiên cứu. Có thể nói, chương trình này rất hiệu quả, một số cơ sở giáo dục trong nước đã triển khai, điển hình là Học viện Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam.

Ngoài ra, cần khai thác tốt hợp tác quốc tế, liên kết với đối tác nước ngoài có uy tín để nghiên cứu sinh có cơ hội thực tập, trao đổi, trải nghiệm hoặc được đào tạo ngắn hạn tại nước ngoài. Hoặc là phát triển hình thức đào tạo song bằng, tức là liên kết đào tạo với một trường đại học ở nước ngoài (nghiên cứu sinh sẽ có cơ hội thực hiện một phần công trình của luận án ở nước ngoài trong nửa thời gian đào tạo).

Để nâng cao chất lượng nghiên cứu sinh, các cơ sở đào tạo cần xây dựng chương trình đào tạo mới đặc sắc, đáp ứng yêu cầu nhân lực của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thúc đẩy mạnh mẽ bài giảng trực tuyến của giảng viên trong nước và quốc tế. Các chương trình đào tạo được cơ cấu lại linh hoạt để hội nhập quốc tế, tạo điều kiện cho việc trao đổi và công nhận tín chỉ với cơ sở giáo dục đại học có uy tín trong và ngoài nước, cũng như thuận lợi cho việc thu hút học viên cao học, nghiên cứu sinh người nước ngoài.

Đặc biệt, cần gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học và kết nối khởi nghiệp. Đầu tư xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh và thực hiện đào tạo sau đại học thông qua nhóm nghiên cứu để tiếp cận hướng nghiên cứu hiện đại, từng bước hội nhập với trình độ thế giới. Đồng thời, chương trình đào tạo cần tăng cường thực hành, thực tập, thực tế trong quá trình đào tạo, gắn học với hành, lý luận với thực tiễn.

Bộ GD&ĐT tiếp tục thực hiện và chỉ đạo các cơ sở đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ đẩy mạnh hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong; hoạt động kiểm định chương trình đào tạo tiến sĩ theo tiêu chuẩn các tổ chức uy tín thế giới cũng cần quan tâm.

Để chất lượng đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam sánh ngang các nước trong khu vực và thế giới, cần được đầu tư phù hợp. Ở các nước tiên tiến, chi phí đào tạo tiến sĩ rất cao như: Mỹ và các nước châu Âu khoảng 35.000 USD/năm, Nhật Bản và Hàn Quốc khoảng 20.000 - 25.000 USD/năm.

Trong khi ở Việt Nam, kinh phí đào tạo tiến sĩ khoảng 35 - 40 triệu đồng/năm. Với nguồn kinh phí như vậy, các cơ sở đào tạo khó triển khai hoạt động giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu sinh làm luận án chất lượng cao.

Một số cơ sở đào tạo ở Việt Nam đã xây dựng Chương trình đào tạo tiến sĩ chất lượng cao (tiêu chuẩn quốc tế), hoặc nghiên cứu sinh tham gia vào các đề tài/dự án của thầy hướng dẫn. Thông qua chương trình này, nghiên cứu sinh không phải đóng học phí, đồng thời có thể nhận hỗ trợ kinh phí cho hoạt động nghiên cứu phục vụ luận án.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.