Nạn xâm hại tình dục trẻ em: Những giọt nước mắt

GD&TĐ - Trong buổi lễ báo cáo thành quả đạt được sau khi tham gia khóa học ngắn hạn Học bổng Chính phủ Australia “Hành trình hỗ trợ phụ nữ trong lãnh đạo” (Aus4Skills), học viên nào cũng rạng rỡ trình bày về dự án cá nhân của mình. Duy chỉ có chị Phạm Thị Thuận - Phó trưởng phòng GD Trung học,  Sở GD&ĐT Sơn La - mở đầu bài thuyết trình bằng những giọt nước mắt: Năm 13 tuổi, tôi từng bị quấy rối tình dục…

Chị Phạm Thị Thuận trao đổi với nhóm HS nòng cốt	Ảnh nhân vật cung cấp
Chị Phạm Thị Thuận trao đổi với nhóm HS nòng cốt Ảnh nhân vật cung cấp

30 năm sau mới nhận ra

Chị Phạm Thị Thuận là người dân tộc Thái, bị quấy rối tình dục năm 13 tuổi. Không dám nói với ai, kể cả bố mẹ, thầy cô nên đến bây giờ mọi người vẫn không hề biết con gái, học trò mình từng bị quấy rối tình dục.

Nỗi sợ hãi đeo đẳng theo chị Thuận suốt những năm tháng học phổ thông và ĐH. Cho đến khi theo học khóa học do ĐH Flinders (Australia) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu giới và Lãnh đạo nữ thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức, chị mới vỡ lẽ hóa ra mình từng là nạn nhân của hành vi quấy rối tình dục. “Nếu không gặp vụ việc đó, có lẽ bây giờ tôi đã là con người khác, tự tin, bạo dạn, giao tiếp tốt hơn. Nhưng vì ám ảnh tuổi thơ, tôi đã thu mình lại trong vỏ ốc cô đơn, không muốn giãi bày, chia sẻ với ai”, chị Thuận tâm sự.

Công tác trong ngành GD, nhìn lại, quá trình truyền thông về tình trạng quấy rối tình dục trẻ em ở địa bàn tỉnh, chị Thuận nhận thấy hiệu quả còn thấp do GV lúng túng không biết cách làm. Bên cạnh đó, một số GV chưa nhận thức trách nhiệm của người thầy là trang bị cho HS kiến thức, kỹ năng phòng chống quấy rối, xâm hại tình dục.

“Hiện HS dân tộc Mông, dân tộc Thái ở các trường DTNT tỉnh Sơn La chiếm 70% số HS toàn trường. Các em là những HS nhút nhát – giống như tôi năm nào – không dám chia sẻ, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến quấy rối tình dục. Tôi muốn các em không rơi vào hoàn cảnh như tôi, 30 năm sau mới nhận ra mình bị quấy rối”, chị Phạm Thị Thuận nói về lý do triển khai dự án cá nhân sau khóa học tại Việt Nam và Australia.

Thuyết phục, đào tạo, truyền thông

Dự án của chị Phạm Thị Thuận tập trung “Giảm thiểu nguy cơ trẻ em nữ dân tộc Mông, Thái độ tuổi THCS bị xâm hại tình dục trong trường phổ thông DTNT tỉnh Sơn La thông qua tổ chức các hoạt động ngoại khóa”. Giai đoạn đầu, chị Thuận đã thuyết phục BGĐ Sở GD&ĐT Sơn La đồng ý cho chị thực hiện dự án, đồng thời được BGĐ Sở cấp kinh phí để in ấn tài liệu tuyên truyền. Trường PT DTNT THCS & THPT huyện Mường La là trường thí điểm để chị Thuận tổ chức hoạt động truyền thông này. Nhóm nòng cốt gồm 15 HS dân tộc Mông, dân tộc Thái từ lớp 6 - lớp 9, trong đó có một số em nam nhiệt tình tham gia “dự án cô Thuận”!

Tại buổi truyền thông, chị Thuận chia sẻ về chủ đề Chống xâm hại tình dục cho HS THCS. Các thành phần tham gia ngoài HS có 56 CB, GV gồm 35 GV nam đến từ 28 trường THCS, nội trú, bán trú của 12 huyện trên địa bàn tỉnh Sơn La. Điều đặc biệt là khi phát hành giấy mời cho khoảng 44 GV, sau con số này lên 56 GV do Phòng GD&ĐT huyện gọi điện xin thêm “suất” cho các trường vì nội dung này rất quan trọng!

Hành động kịp thời, đúng thời điểm

GV và HS được trải nghiệm, thảo luận, trao đổi, đặt câu hỏi khiến cho buổi truyền thông thêm sôi nổi. Sau buổi truyền thông, chị Thuận và thành viên đến từ Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên tiếp cận với HS và đội ngũ GV tham dự buổi truyền thông để lấy ý kiến đóng góp cho bộ tài liệu mà sau này sẽ sử dụng lâu dài cho các hoạt động tiếp theo sao cho phù hợp với đặc thù văn hóa, vùng miền.

Đối tượng yếu thế là nữ cán bộ, GV, HS nữ DTTS cần phải được quan tâm. Bản thân tôi giờ có thể lên tiếng bảo vệ quyền lợi cho những đối tượng này và khi tham mưu chính sách, tôi biết mình cần phải làm gì. Tôi thấy thực sự cần thiết phải đưa nội dung bình đẳng giới vào GD, kể cả hoạt động chính khóa lẫn ngoại khóa .
Chị Phạm Thị Thuận

Với dự án này, điều chị Phạm Thị Thuận tâm đắc nhất đó chính là vận động chính sách, giúpcác nhà trường nhận thức đây là việc phải làm và để giảm thiểu nguy cơ HS bị xâm hại tình dục cần triển khai thế nào cho hiệu quả, từ đó nâng cao nhận thức cho lãnh đạo các cấp của tỉnh và lãnh đạo các nhà trường. Nhóm HS nòng cốt tham gia dự án có khả năng tiếp tục truyền thông cho các HS khác của nhà trường và sẵn sàng truyền thông cho các bạn ở nơi mình sinh sống. Chị Thuận cố gắng bảo đảm tính bền vững cho dự án khi phối hợp với các đồng nghiệp, bạn bè để phát triển một số hoạt động sau dự án này. “Tôi tự hào khi mình là một người DTTS, năng lực của tôi đến thời điểm này được ghi nhận. Tôi rất phấn khởi khi giúp HS DTTS nhận thức được quyền của mình, tự tin, biết lên tiếng bảo vệ bản thân” - chị Thuận tự tin bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.