Nạn phí ngầm trong trường học Trung Quốc

GD&TĐ - Trung Quốc miễn học phí cho 9 năm GD phổ cập kể từ năm 2008 và học sinh chỉ phải đóng một số tiền khiêm tốn cho mỗi học kì (khoảng 50 USD với bậc tiểu học). 

Nạn phí ngầm trong trường học Trung Quốc

Tuy nhiên thực tế, phụ huynh Trung Quốc phải chi ra số tiền lớn hơn rất nhiều cho các khoản từ học ngoại khóa đến thương mại hóa đủ loại dịch vụ, kể cả nước uống…

Thu nhập 10 năm chỉ đủ nuôi 1 con đi học

Một trường nghề tại Trung Quốc áp đặt “định mức” lượng nước mỗi sinh viên được sử dụng – lập luận là để tăng nhận thức học viên về giá trị của nước. Học viên được cấp một thẻ quẹt với “hạn mức” 3 tấn nước – và phải quẹt thẻ để có nước giật bồn cầu, tắm và giặt. Nếu vượt quá hạn mức phải nộp thêm tiền.

Tin tức trên đã gây phản ứng tức giận trong hàng ngàn cư dân mạng xã hội Weibo, Trung Quốc. “Có thể sẽ có nhiều học viên không giật nước bồn cầu” – một cư dân mạng mỉa mai cảnh báo. “Hãy tưởng tượng 6 người xếp hàng quẹt thẻ để có nước rửa mặt vào buổi sáng… Có lẽ giờ học phải lùi muộn lại cho “thủ tục” này” – một ý kiến khác. “Một mặt họ giương chiêu bài tiết kiệm trong sử dụng nước, một mặt họ thu phí quá định mức – việc này khó chấp nhận” – một cư dân mạng chỉ trích.

Theo khảo sát của trang web Sohu, Trung Quốc, phụ huynh chi 250.000 tệ (37.430 USD) tới gần 500.000 tệ (74.860 USD) cho việc giáo dục và nuôi nấng trẻ. Ngân hàng Thế giới ước tính thu nhập bình quân đầu người hàng năm tại Trung Quốc khoảng 7.925 USD (52.940 tệ) năm 2016. Nói cách khác, phụ huynh phải chi số tiền tương đương từ 5 đến 10 năm thu nhập hàng năm cho việc học hành của một đứa trẻ.

Nan giải

Năm 2003, trước sự kêu ca của phụ huynh, Bộ Giáo dục Trung Quốc coi các khoản thu như học ngoài giờ chính khóa, mua báo, đồng phục học sinh và văn phòng phẩm – là trái quy định. Tuy nhiên thực tế lạm thu vẫn tràn lan và các trường bao biện coi đó là “tự nguyện”.

Các khoản thu từ rất lớn đến lặt vặt. Nếu một đứa trẻ muốn vào học trường trái tuyến, phí phải nộp có thể là 10.000 tệ (1.497 USD) cho 3 năm. Nếu một đứa trẻ muốn ngủ trưa, phụ huynh có thể phải nộp 1 tệ (0,15 USD)/ngày, 2,5 tệ/ngày nếu muốn ngủ trên giường.

Tại một trường THCS tại tỉnh Hồ Nam, học sinh phải nộp tiền cho dịch vụ rửa bát, mà trường này coi là “tự nguyện” và được Phòng GD chấp thuận. Trường THCS số 2 hạt Anyang County, một trường nội trú cấp tỉnh, thu 75 tệ của mỗi học sinh nội trú và áp đặt với cả học sinh ngoại trú. Trường này không phải là trường hợp duy nhất. Tháng 9/2012, Trường THCS số 5 Wuan, tỉnh Hà Bắc, bị chỉ trích thu phí rửa chén bát kể cả nếu các em có ăn bằng chén bát riêng. Trường này đã phải trả lại khoản thu trên sau khi vụ việc bị đưa ra công luận.

Một trường tiểu học tại tỉnh Sơn Tây thu 243 tệ cho giấy chứng nhận tốt nghiệp, công in, ảnh tốt nghiệp lồng khung và các khoản linh tinh khác. Tổng số tiền thu với 700 học sinh là 170.000 tệ (25.452 USD).

Phụ huynh Trung Quốc dường như bất lực trước những khoản thu tuỳ tiện. Cô Liu, giảng viên một trường đại học tại tỉnh Cát Lâm, cho biết, ban đầu kiên quyết từ chối đóng tiền cho lớp học văn hóa “tự nguyện” ngoài giờ học chính khóa nhưng cuối cùng phải “quy hàng” vì biết rằng giáo viên chỉ chữa bài tập về nhà trong giờ học ngoại khóa. “Có hơn 50 đứa trẻ trong lớp và khi hầu hết những trẻ khác giơ tay xin lên bảng chữa bài tập vào ngày hôm sau – còn con bạn thì không – lúc đó bạn sẽ cảm thấy mình đã hành động sai” – Liu chua chát nói.

Cơ quan Kiểm toán Nhà nước Trung Quốc ước tính cơ quan quản lí giáo dục và trường học tại 19 thành phố thu 502 triệu tệ (75 triệu USD) từ 2006 đến 2007 qua phí tuyển sinh trái tuyến, học ngoài giờ chính khóa cùng với các khoản thu khác vi phạm quy định nhà nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.