Nan giải bài toán sửa chữa, xây dựng trường lớp

GD&TĐ - Cơ sở vật chất, trang thiết bị là yếu tố bảo đảm chất lượng vô cùng quan trọng trong hoạt động dạy và học.

Khu vực sân của Trường THCS Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) vừa là địa điểm học thể chất, vừa là chỗ học sinh vui chơi.
Khu vực sân của Trường THCS Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) vừa là địa điểm học thể chất, vừa là chỗ học sinh vui chơi.

Nhưng đâu đó, ở cả thành thị lẫn nông thôn, miền núi, câu chuyện về thiếu hay trường xuống cấp, sĩ số lớp học quá tải; thầy trò học chay, dạy chay do thiếu thiết bị vẫn diễn ra, từ năm này qua năm khác.

Nhiều khó khăn

Dù được công nhận trường chuẩn quốc gia mức độ 2, cơ bản có đủ điều kiện để thực hiện tốt công tác dạy học, nhưng theo cô Trần Thị Bích Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hạ Hòa (Hạ Hòa, Phú Thọ), do xây dựng khá lâu nên đa số khối phòng học của trường đang xuống cấp (nền lớp học, mái nhà, hệ thống cửa…).

Hệ thống sân chơi, bãi tập đủ diện tích, sạch sẽ an toàn nhưng còn thiếu các đồ dùng, đồ chơi. Chương trình GDPT 2018 yêu cầu có thêm một số phòng học bộ môn, như phòng Khoa học - Công nghệ, nhưng do thiếu kinh phí và chưa được đầu tư của Nhà nước, trường phải ghép các phòng này với phòng chức năng khác.

Nằm ở địa bàn vùng khó, Trường Tiểu học Lâm Xa (huyện Bá Thước, Thanh Hóa) cũng chưa đủ phòng học. Hệ thống phòng chức năng, nhà hiệu bộ gần như không có; trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập... còn thiếu nhiều và xuống cấp chưa đáp ứng được yêu cầu dạy học theo chương trình mới.

“Bá Thước là huyện miền núi nghèo, nhìn chung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của 3 cấp học còn nhiều khó khăn và thiếu trầm trọng như phòng học, phòng bộ môn, thư viện, nhà vệ sinh giáo viên, học sinh; phòng tin học..., ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục. Phòng GD&ĐT vừa tổ chức cuộc họp để 72 trường của 3 bậc học báo cáo nhu cầu cấp bách về tu sửa và xây mới cơ sở vật chất phục vụ năm học 2023 - 2024”, thầy Nguyễn Văn Long chia sẻ.

Chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Long, tính tổng 2 điểm trường, nhà trường có 12 lớp thì có đến 9 phòng học kiên cố đã bị xuống cấp độ 3 và còn 3 phòng học tạm. Riêng điểm trường lẻ có 1 lớp phải mượn phòng học của Trường Mầm non Lâm Xa.

Cơ sở vật chất trường học cũng là một khó khăn của giáo viên huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Ông Phạm Viết Phúc, quyền Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn cho biết, việc sáp nhập/xóa các điểm trường lẻ và đưa học sinh về học tại điểm chính ở một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Nhà ăn, nhà ở học sinh, các công trình phục vụ cho học sinh bán trú… chưa đáp ứng đủ với nhu cầu sinh hoạt. Việc khai thác, sử dụng thiết bị dạy học chưa thực sự hiệu quả, chưa chủ động trong việc bảo quản thường xuyên thiết bị, đồ dùng dạy học.

Do đưa học sinh khối lớp 3, 4, 5 về điểm trường chính để đảm bảo việc dạy học các môn học, hoạt động giáo dục theo Chương trình GDPT 2018 nên cơ sở vật chất tại các điểm trường thừa, thiếu cục bộ (thừa phòng học ở các điểm lẻ, thiếu phòng học điểm trường chính). Tỷ lệ phòng học kiên cố và bán kiên cố trong toàn huyện mới chỉ đạt 1,13 lớp/phòng; cơ sở vật chất ở các trường để phục vụ cho công tác bán trú còn thiếu thốn (thiếu phòng ở, nhà vệ sinh, nhà ăn…).

Không chỉ địa bàn khó khăn, vùng thuận lợi cũng có cái khó riêng về cơ sở vật chất trường lớp học. Như Đồng bằng Sông Hồng, nơi giáo dục đào tạo đứng đầu cả nước, kết cấu hạ tầng các cấp học được quan tâm đầu tư. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, do tốc độ tăng dân số cơ học nhanh tại các thành phố lớn, khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất đã gây áp lực không nhỏ lên hệ thống giáo dục.

Khu vực đông dân cư, khu đô thị mới ở một số địa phương vẫn còn thiếu trường, lớp dẫn đến tình trạng sĩ số học sinh/lớp cao hơn so với quy định và bình quân cả nước. Một số cơ sở giáo dục còn thiếu phòng học, chưa đáp ứng được quy mô trường, lớp, học sinh hiện có. Vẫn có hiện tượng thiếu phòng học cục bộ tại khu vực có mật độ dân cư cao, khu công nghiệp, khu chế xuất. Đặc biệt, vẫn còn 1.384 phòng học nhờ, mượn (chiếm 1,46%), tập trung chủ yếu tại cấp học mầm non và tiểu học.

Hình ảnh phòng học tại khu lẻ Trường Tiểu học Lâm Xa (huyện Bá Thước, Thanh Hóa). Ảnh: NTCC

Hình ảnh phòng học tại khu lẻ Trường Tiểu học Lâm Xa (huyện Bá Thước, Thanh Hóa). Ảnh: NTCC

Thiếu trang thiết bị dạy học

Thiết bị dạy học góp phần quan trọng trong đổi mới căn bản phương pháp dạy học; tăng cường hoạt động tự chủ, sáng tạo, giúp học sinh chủ động, tích cực tiếp cận và lĩnh hội tri thức khoa học theo yêu cầu của chương trình nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, trang thiết bị dạy học thiếu thốn cũng là thực trạng chung của nhiều cơ sở giáo dục trên cả nước.

Cô Trần Thị Bích Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hạ Hòa chia sẻ, Thông tư số 37/2021/BGDĐT của Bộ GD&ĐT ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cấp tiểu học đã quy định rất rõ danh mục thiết bị dạy học cho các lớp. Tuy nhiên, thiết bị sẵn có mặc dù hằng năm có bổ sung, song do sử dụng trong thời gian dài nên hư hỏng, thiếu đồng bộ.

Mặt khác, kinh phí Nhà nước để đầu tư mua sắm thiết bị dạy học rất hạn chế. Do vậy, so với yêu cầu tối thiểu được quy định tại Thông tư 37, nhà trường còn thiếu nhiều, đặc biệt là thiết bị dạy học hiện đại, có giá trị cao như bảng tương tác, bộ âm thanh đa năng, máy chiếu…

Tại huyện Kỳ Sơn, Nghệ An, quyền Trưởng phòng GD&ĐT Phạm Viết Phúc thông tin: Cơ sở vật chất để triển khai dạy học môn Ngoại ngữ, Tin học ở các trường gặp khó khăn do phòng học ngoại ngữ, tin học chưa đầy đủ, một số trường còn bố trí học chung với phòng học văn hóa. Trang thiết bị như máy tính, bảng tương tác còn thiếu thốn.

Trang thiết bị, phương tiện dạy học, thiết bị thí nghiệm... còn thiếu, không đồng bộ do điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, địa phương chưa thể đáp ứng kịp thời. Nhiều điểm trường chưa có điện lưới quốc gia, chưa phủ sóng mạng Internet gây khó khăn cho giáo viên trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.

Trên bình diện chung, Trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng tỷ lệ thiết bị dạy học tối thiểu đáp ứng nhu cầu dạy học còn thấp, trung bình chỉ đáp ứng 49,7%. Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT (số liệu giai đoạn 2011 - 2022), về trang thiết bị dạy học vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, cấp mầm non đáp ứng 49,1%, cấp tiểu học đáp ứng 48,4%, cấp THCS đáp ứng 49,7%, cấp THPT đáp ứng 51,6%.

Vùng thuận lợi như Đồng bằng sông Hồng cũng tồn tại tình trạng thiếu nhiều trang thiết bị dạy học. Báo cáo của Bộ GD&ĐT, cấp tiểu học, vẫn có 5/11 tỉnh, thành phố có tỷ lệ thiết bị dạy học tối thiểu thấp hơn bình quân cả nước, đó là: Nam Định (35,5%), Hà Nội (50%), Quảng Ninh (51,4%), Vĩnh Phúc (52,5%), Ninh Bình (54,9%). Cấp THCS có 4/11 tỉnh, thành phố có tỷ lệ thiết bị dạy học tối thiểu thấp hơn bình quân cả nước, cụ thể: Quảng Ninh (43,7%), Hà Nội (52,2%), Thái Bình (53,6%), Hưng Yên (54,2%). Cấp THPT, 5/11 tỉnh, thành phố có tỷ lệ thiết bị dạy học tối thiểu thấp hơn bình quân cả nước; trong đó: Nam Định (33%), Hà Nam (39,8%), Hưng Yên (45,1%), Vĩnh Phúc (52,7%), Hải Dương (54,9%).

Tỷ lệ học sinh/trường các cấp học năm học 2020 - 2021. Nguồn: Tổng hợp từ niên giám thống kê và CSDL ngành

Tỷ lệ học sinh/trường các cấp học năm học 2020 - 2021. Nguồn: Tổng hợp từ niên giám thống kê và CSDL ngành

Áp lực sĩ số

Dù điều kiện kinh tế, giáo dục phát triển hàng đầu cả nước, nhưng mật độ dân số cao trở thành áp lực lớn với giáo dục - đào tạo các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng. Giai đoạn 2011 - 2022, sĩ số học sinh/lớp của vùng này cao hơn so với bình quân cả nước.

Trong đó, sĩ số học sinh/lớp cấp tiểu học và THCS đứng thứ hai trong các vùng kinh tế - xã hội (chỉ sau vùng Đông Nam Bộ) và cao hơn bình quân cả nước lần lượt là 4,56 và 1,23. Sĩ số học sinh/lớp cấp THPT cao hơn 1,38 so với bình quân cả nước và đứng đầu cả nước. Sĩ số học sinh trên lớp đông là một cản trở không nhỏ đối với quyết tâm nâng cao chất lượng dạy học, đặc biệt dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Tiêu biểu, nhiều trường trong nội thành Hà Nội có sĩ số từ 50 học sinh/lớp, thậm chí có nơi 60 học sinh/lớp, vượt xa số lượng quy định trong điều lệ (trường tiểu học: 35 học sinh/lớp; THCS 45 học sinh/lớp). Những quận căng thẳng về sĩ số nhất phải kể đến Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông, Ba Đình...

Tới năm học 2022 - 2023, tình trạng quá tải trường lớp cục bộ vẫn diễn ra ở nhiều địa bàn tại Hà Nội, đặc biệt là những quận huyện có tốc độ đô thị hóa mạnh, tập trung nhiều chung cư cao tầng. Câu chuyện sĩ số chính là bài toán nan giải nhiều năm nay mà giáo dục Thủ đô chưa khắc phục được.

Tương tự, Đông Nam Bộ là vùng có tỷ lệ học sinh/trường và sĩ số học sinh/lớp cao nhất cả nước; đặc biệt tỷ lệ học/trường cấp THCS cao gấp 2 lần so với trung bình cả nước. Dù kết cấu hạ tầng các cấp học đã được quan tâm đầu tư; tuy nhiên, do tốc độ tăng dân số cơ học nhanh tại thành phố lớn, khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất đã gây áp lực không nhỏ lên hệ thống giáo dục.

Khu vực đông dân cư, khu đô thị mới ở một số địa phương vẫn còn thiếu trường, lớp dẫn đến tình trạng sĩ số học sinh/lớp cao. Cụ thể, theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, cấp tiểu học, vùng này có 943,15 học sinh/trường (cao hơn trung bình toàn quốc là 355,95); 37,02 học sinh/lớp (cao hơn 5,71 so với bình quân cả nước).

Cấp THCS có 1158,14 học sinh/trường (cao gấp hơn 2 lần so trung bình toàn quốc là 553,40); 40,4 học sinh/lớp (cao hơn 2,98 so với bình quân cả nước). Cấp THPT là 1079,93 học sinh/trường (cao hơn trung bình toàn quốc là 133,46); 39,15/lớp (cao hơn 0,71 so với bình quân cả nước).

Có nhiều khu công nghiệp, tỷ lệ tăng dân số cơ học cao, Bình Dương là địa phương chịu áp lực khá lớn về sĩ số học sinh, trong đó TP Dĩ An là một trong những điểm nóng. Thông tin từ Phó Trưởng phòng GD&ĐT TP Dĩ An, ông Nguyễn Văn Minh, dù đã bớt căng thẳng hơn những năm trước do nhiều công nhân không có việc làm chuyển về quê, nhưng hiện đa số các trường tiểu học, THCS trên địa bàn đều vượt quá sĩ số so với quy định trong Điều lệ.

Cụ thể, với tiểu học, nhiều trường có sĩ số từ 40 - 45 học sinh /lớp, cá biệt có trường, lớp lên tới 46 - 47 học sinh/lớp. THCS, sĩ số học sinh trên lớp khoảng 50. Trường có quy mô lớn nhất trên địa bàn là Tiểu học Tân Bình với trên 70 lớp. Do sĩ số học sinh đông, cơ sở vật chất không đáp ứng được nhu cầu học 2 buổi/ngày.

“Hiện TP Dĩ An có 3 - 4 trường tiểu học không bảo đảm toàn bộ học sinh được học 2 buổi/ngày. Trước khó khăn này, phòng GD&ĐT tham mưu UBND tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và 1 trường tiểu học mới khánh thành; 1 trường tiểu học giữa năm sau hoàn thành và 1 trường THCS đang xây dựng”, ông Nguyễn Văn Minh chia sẻ.

Từ năm học 2022 - 2023, Tin học và Ngoại ngữ là 2 môn bắt buộc từ lớp 3 theo Chương trình GDPT 2018. Tuy nhiên, đối với phòng học bộ môn Tin học ở nhiều địa phương, số lượng máy tính mới chỉ ở mức cơ bản, đa phần là cấu hình thấp, được trang bị từ lâu, không đồng bộ, hạn chế trong việc cài đặt các phần mềm mới để đáp ứng nhu cầu dạy học. Đối với phòng học bộ môn Ngoại ngữ, số lượng thiết bị chuyên dùng còn hạn chế, chủ yếu là thiết bị cầm tay, đơn chiếc phục vụ cho việc giảng dạy của giáo viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ