Xung quanh việc bảo đảm trường, lớp cho năm học 2023 - 2024 cũng như khắc phục những khó khăn, Báo Giáo dục và Thời đại có cuộc trao đổi với ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang.
Đầu tư theo hướng chuẩn hóa
- GD-ĐT vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Đặc biệt, mạng lưới trường, lớp mầm non còn phân tán, nhiều địa phương còn nhiều điểm trường, đặc biệt là ở những vùng có nhiều kênh rạch, cồn, bãi ngang... Tiền Giang đã khắc phục tình trạng này thế nào thưa ông?
- Tỉnh hiện có 4.134 phòng học/4.097 lớp, với tỷ lệ bình quân 1,01 phòng học/lớp; trong đó, 2.767 phòng học trên cấp 4; 1.313 phòng học cấp 4; 46 phòng học tạm và 8 phòng học mượn. Toàn tỉnh có 6/11 địa phương có đủ số lượng phòng học để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho 100% học sinh từ khối 1 đến khối 5, đạt tỷ lệ 54,5%.
Tỉnh đã dành nguồn kinh phí rất lớn đầu tư cho lĩnh vực giáo dục. Hằng năm, sở GD&ĐT đều tham mưu UBND tỉnh lập dự toán kinh phí mua sắm trang thiết bị dạy học các khối lớp thực hiện Chương trình GDPT năm 2018 theo quy định của Bộ GD&ĐT. 100% các trường tiểu học được trang bị đầy đủ thiết bị dạy học tối thiểu dành cho khối lớp 1 với tổng kinh phí 117 tỷ đồng.
Với các nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn của địa phương và nguồn vốn huy động khác, tỉnh đã trang bị 313 phòng máy vi tính, với số lượng 7.428 máy vi tính, 313 máy in và các thiết bị nối mạng cho phòng máy; 2.409 máy chiếu kết nối với máy vi tính được lắp đặt cố định tại phòng học, phòng học bộ môn cho trường mầm non, phổ thông. Từ năm 2015 đến 2022, ngành Giáo dục đã chi tổng kinh phí 28.957 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 73 tỷ đồng, ngân sách địa phương 28.884 tỷ đồng); trong đó chi thường xuyên 20.563 tỷ đồng; chi đầu tư 5.596 tỷ đồng.
Về thiết bị dạy học, tính hết năm học, toàn tỉnh ở bậc tiểu học hiện có 343.664 bộ thiết bị dạy học, tiếp tục bổ sung thêm 59.786 bộ thiết bị; bậc THCS có 556.321 bộ thiết bị dạy học, đang bổ sung bổ sung 105.968 bộ thiết bị và bậc THPT có 27.650 bộ thiết bị dạy học và đang trong giai đoạn bổ sung 3.232 bộ thiết bị.
- Chuẩn bị năm học 2023 - 2024, tỉnh Tiền Giang lên kế hoạch xây dựng, sửa chữa trường lớp cụ thể như thế nào?
- Cơ sở vật chất, trang thiết bị đóng vai trò quan trọng trong hoạt động dạy và học. Đặc biệt, triển khai Chương trình GDPT 2018, trường lớp và trang thiết bị góp phần không nhỏ. Để bảo đảm trường, lớp cho năm học 2023 - 2024, việc chỉnh trang khuôn viên, sửa chữa, xây mới trường lớp, mua sắm thêm các trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy và học tập được các đơn vị lên kế hoạch triển khai.
Năm học 2023 - 2024, ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang tiếp tục tập trung đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục theo hướng chuẩn hóa, kiên cố hóa, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Hiện toàn tỉnh có 517 cơ sở giáo dục từ bậc học mầm non đến THPT, với 8.164 phòng học; trong đó có 7.403 phòng học kiên cố (chiếm tỷ lệ 90,7% tổng số phòng học). Để chuẩn bị cho năm học mới, toàn tỉnh thực hiện đầu tư xây mới các phòng học và sửa chữa nhiều hạng mục như cổng trường, hàng rào, nhà vệ sinh; rà soát mua sắm trang thiết bị tối thiểu phục vụ Chương trình GDPT năm 2018.
Ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang. |
Tăng cường công tác xã hội hóa
- Trong quá trình xây dựng, sửa chữa trường lớp và đầu tư trang thiết bị, ông có thể cho biết, ngành Giáo dục Tiền Giang gặp những khó khăn, vướng mắc gì?
- Công tác xây dựng, sửa chữa trường lớp và đầu tư trang thiết bị, ngành Giáo dục tỉnh gặp những khó khăn như: Một số địa phương vẫn còn nhiều phòng học xuống cấp, chưa được xây dựng mới, nhiều điểm trường do thiếu phòng học nên không có điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; một số trường còn thiếu diện tích đất, thiếu phòng chức năng, phòng hành chính quản trị, bàn, ghế cũ, hư hỏng…
Cơ sở vật chất của ngành Giáo dục dù đã được bổ sung đáng kể nhưng chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu dạy và học. Hiện nay, các trường mầm non đã được xây dựng mới, khang trang nhưng còn thiếu giáo viên nên chưa thể mở rộng quy mô trường lớp cũng như tổ chức bán trú cho trẻ. Việc huy động trẻ dưới 5 tuổi ra lớp có nơi còn thấp; các địa phương thực hiện công tác phát triển số lượng trẻ ra lớp chưa đạt chỉ tiêu. Thực tế trên dẫn đến việc xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia còn gặp nhiều khó khăn...
- Tiền Giang sẽ đưa ra những giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn trên, thưa ông?
- Để giải quyết những khó khăn, trong mỗi năm học, các đơn vị sẽ lập báo cáo, xem xét ưu tiên đầu tư đối với những trường học khó khăn về cơ sở vật chất để đầu tư trước. Song song đó, địa phương cũng tăng cường công tác xã hội hóa, vận động các cá nhân, tập thể, doanh nghiệp, tổ chức xã hội ủng hộ, đóng góp để xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học đồng bộ với lộ trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Đồng thời tiến hành rà soát hệ thống trường lớp, xây dựng kế hoạch duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học đối với trường thực hiện dạy 2 buổi/ngày; tiếp tục thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên...
- Xin cảm ơn ông!
Để đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018, ngành Giáo dục Tiền Giang đã cùng các địa phương tiến hành rà soát, tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là vấn đề thiếu phòng học học 2 buổi/ngày, phòng chức năng, phòng bộ môn. Theo đó, trong giai đoạn 2021 - 2025, tổng mức đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường lớp ở bậc mầm non là 53 công trình với trên 1.000 tỷ đồng; bậc tiểu học 64 công trình, trị giá hơn 1.064 tỷ đồng; THCS là 48 công trình 1.007 tỷ đồng; bậc THPT 20 công trình 441 tỷ đồng.