Xã hội hóa sức dân sửa chữa, xây dựng trường lớp

GD&TĐ - Ngoài góp công sức chỉnh trang lại khuôn viên, phụ huynh học sinh còn hỗ trợ hoa, cây xanh… để trường học trở nên xanh - sạch - đẹp hơn.

Nhờ sự góp sức của phụ huynh, phòng học của Trường Tiểu học Sơn Lang sạch đẹp, nhiều màu sắc.
Nhờ sự góp sức của phụ huynh, phòng học của Trường Tiểu học Sơn Lang sạch đẹp, nhiều màu sắc.

Ngoài góp công sức chỉnh trang lại khuôn viên, phụ huynh học sinh còn hỗ trợ hoa, cây xanh… để trường học trở nên xanh - sạch - đẹp hơn.

Phụ huynh góp tranh tre, nứa lá

Sa Thầy là huyện miền núi, biên giới của tỉnh Kon Tum giáp ranh với Campuchia. Người dân nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số Jrai, Xê Đăng (nhóm Hà Lăng)… sống dựa vào sản xuất nông nghiệp. Mặc dù tất bật với công việc đồng áng, thế nhưng bà con lại rất quan tâm đến việc học của con em mình. Ở vùng khó, chẳng có điều kiện hỗ trợ kinh phí nhưng mỗi khi nhà trường thông báo sửa sang, trang trí lại trường lớp, phụ huynh lại gác công việc, sẵn sàng đến giúp sức.

Anh A Ti (thôn Lung Leng, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy) có 6 người con, trong đó có 3 cháu đang theo học tại Trường Tiểu học Lê Văn Tám và Trường PTDTBT THCS Hai Bà Trưng. Nhà chỉ có ít nương rẫy, hai vợ chồng làm quanh năm cũng chẳng đủ lo cho mấy miệng ăn và con cái đến lớp. Để các con có điều kiện học tập, vợ chồng anh A Ti phải nhờ sự hỗ trợ của các sơ ở nhà thờ.

“Cuộc sống của gia đình còn nhiều khó khăn nên đôi lúc tôi muốn hỗ trợ nhà trường nhưng chẳng đủ điều kiện. Không góp tiền nhưng mỗi khi nhà trường cần tôi luôn sẵn sàng gác lại công việc, giúp thầy, cô sửa sang lại khuôn viên. Tôi thấy việc phụ huynh góp sức rất thiết thực và ý nghĩa, giúp cho trường, lớp đẹp hơn. Trường có đẹp, sạch sẽ và khang trang, các con mới yêu thích và hạnh phúc khi đến học chữ”, anh A Ti chia sẻ.

Những ngày hè, tranh thủ thời gian rảnh rỗi, anh A Ti còn đi tìm, bứng các gốc hoa bằng lăng về trồng để điểm tô thêm màu sắc cho trường học. Nhà đọc sách ngoài trời được làm bằng tranh tre của Trường PTDTBT THCS Hai Bà Trưng vừa mới hoàn thành cũng nhờ bàn tay anh A Ti và nhiều phụ huynh khác hỗ trợ. Giờ đây, học sinh có không gian đọc sách mát mẻ và gần gũi với thiên nhiên. “Trước kia hai vợ chồng chẳng được đi học đến nơi đến chốn. Do đó, giờ có khó khăn đến mấy gia đình cũng cố gắng làm lụng để lo cho các con đi học”, anh A Ti bộc bạch.

Thầy Võ Hoàng Sơn, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Hai Bà Trưng cho hay, toàn trường có 405 học sinh, trong đó 70% là người dân tộc thiểu số. Cuộc sống của các em đa phần khó khăn nên nhà trường thường xuyên kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp đỡ. Với phụ huynh, xã hội hoá là vận động góp sức để chỉnh trang lại trường lớp.

Năm học 2022 - 2023, 40 phụ huynh đã chung tay giúp nhà trường sơn lại toàn bộ dãy 12 phòng học, cổng trường trong 4 ngày. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng chặt tranh, tre… làm căn nhà đọc sách để các em có không gian thoáng mát, thân thiện. Mỗi người một việc, đàn ông đảm nhiệm chặt tre, chẻ nứa để làm khung nhà, còn phụ nữ thì đan mái, chuẩn bị dụng cụ… Nhân dịp 20 năm thành lập trường vừa qua, cựu học sinh cũng tặng 20 ghế đá và 1 bộ bàn để các em nhỏ có chỗ ngồi thư giãn, đọc sách.

“Thay vì đóng góp tiền, mọi người chung tay góp sức. Nhờ vậy nhà trường giảm một phần chi phí thuê nhân công, phụ huynh bớt áp lực về kinh tế. Cũng nhờ sự hỗ trợ của phụ huynh nên trường lớp ngày càng xanh - sạch - đẹp, giúp các em có điều kiện, không gian học tập tốt”, thầy Sơn nói.

Ghế đá, nhà đọc sách được phụ huynh và cựu học sinh tặng cho Trường PTDTBT THCS Hai Bà Trưng.

Ghế đá, nhà đọc sách được phụ huynh và cựu học sinh tặng cho Trường PTDTBT THCS Hai Bà Trưng.

Điểm thêm sắc màu cho trường lớp

Năm nào cũng vậy, phụ huynh Trường Tiểu học Sơn Lang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) luôn đồng hành cùng giáo viên tổ chức các hoạt động ngoại khoá cho học sinh và chỉnh trang lại trường lớp. Để khuôn viên trở nên sạch đẹp hơn, Trường Tiểu học Sơn Lang đã trích kinh phí xây dựng vườn hoa. Hay tin, hàng chục phụ huynh mang cuốc, xẻng, bay… giúp nhà trường xây dựng. Phụ huynh nữ thì quét dọn khuôn viên trường, nhổ cỏ, mang phân bón và trồng hoa đủ màu sắc để vườn cây của trường đa dạng, sặc sỡ hơn.

Cô Huỳnh Thị Bích Liên, Trường Tiểu học Sơn Lang chia sẻ, trường chủ yếu là giáo viên nữ lại tất bật với công việc giảng dạy. Bên cạnh đó, nhiều em ngại ra trường nên buổi sáng giáo viên lên lớp, chiều lại vào làng hay đến tận nhà để vận động và đưa học sinh đi học. Do đó, việc phụ huynh đồng hành, cùng giáo viên chỉnh trang lại trường lớp rất thiết thực và ý nghĩa.

“Hằng năm, mỗi khi lớp hay nhà trường thông báo kế hoạch sửa sang lại trường học, mọi người đều nhiệt tình tham gia. Cũng nhờ phụ huynh góp sức, lớp và trường học ngày càng sạch đẹp. Đáp lại tình cảm của bà con, chúng tôi luôn cố gắng, nỗ lực để chăm sóc, dạy dỗ các em với tinh thần trách nhiệm cao nhất”, cô Liên nói.

Cũng nhờ sự góp sức của phụ huynh nên Trường Mầm non 30 - 4 (xã Chơ Long, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) ngày càng khang trang và nhiều sắc màu. Thời gian rảnh rỗi, phụ huynh cùng giáo viên trong trường tranh thủ dọn dẹp, trồng thêm hoa để ngôi trường sặc sỡ nhằm thu hút trẻ ra lớp.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kông Chro cho hay, trong những năm qua, bên cạnh công trình xây dựng kiên cố, phụ huynh luôn đồng hành cùng các trường học chỉnh trang lại trường lớp. Ở một số trường học trên địa bàn huyện, phụ huynh cùng trường học trồng thêm cây xanh, cải tạo các bồn hoa. Bên cạnh đó, phụ huynh còn góp tranh, tre làm thư viện, không gian xanh… để học sinh đọc sách, vui chơi.

“Năm học 2022 - 2023, cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh của hai Trường Mầm non 30-4 và Trường Tiểu học & THCS Chơ Glong đã chung tay góp sức trồng cây xanh, làm hệ thống nước sinh hoạt cho 2 phòng học. Bên cạnh đó, tiếp tục cải tạo môi trường, làm hàng rào, xây dựng cảnh quan môi trường đối với các phòng học ở làng Tpôn. Nhờ sự chung tay của phụ huynh mà các trường ngày một khang trang, tạo không gian gần gũi, thu hút học sinh ra lớp”, ông Phong bày tỏ.

Cô Nguyễn Thị Thuần, Hiệu trưởng Trường Mầm non 30 - 4 tâm sự, 100% học sinh của trường là người dân tộc thiểu số. Sinh sống ở vùng khó nên các em thiệt thòi hơn những nơi khác. Để trẻ thích đến trường, giáo viên cùng phụ huynh cắt, dán đồ dùng, đồ chơi phục vụ cho việc học. Không những vậy, phụ huynh cũng hỗ trợ nhà trường chỉnh trang lại trường lớp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.