Vì sao chậm tiến độ sửa chữa, xây dựng trường lớp?

GD&TĐ -  Tình trạng thiếu phòng học, phải sử dụng phòng chức năng, ngăn sảnh chơi làm phòng học tại Đà Nẵng chưa thể chấm dứt...

Công trình xây mới của Trường Mầm non Bình Minh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đang thi công, dự kiến sẽ bàn giao và đưa vào sử dụng vào tháng 11/2023.
Công trình xây mới của Trường Mầm non Bình Minh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đang thi công, dự kiến sẽ bàn giao và đưa vào sử dụng vào tháng 11/2023.

Với những công trình trường học được đầu tư xây dựng mới, thường thì cuối năm học hoặc sau khai giảng, trường lớp vẫn ngổn ngang do không thể hoàn thành trong 3 tháng, và cũng có công trình, thầy trò phải “ngóng” từ năm này qua năm khác vì bị… “treo”.

Thuê mướn phòng học

Ngày bế giảng của Trường Mầm non Bình Minh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) và lễ ra trường của các bé mẫu giáo lớn đều phải mượn sảnh của Trường Tiểu học Võ Thị Sáu. Từ sau Tết Nguyên đán 2023, các hoạt động của nhà trường đều phải chia thành 2 địa điểm. Trong đó, khối lớp Nhỡ và lớp Lớn được tổ chức tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, những lớp còn lại và khối văn phòng, nhà bếp… thuê mượn lại trụ sở của một công ty.

Cô Lương Thị Thúy Quỳnh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Trong mỗi phòng đều có nhà vệ sinh khép kín nhưng diện tích hẹp nên giáo viên rất khó để thực hiện các hoạt động dạy – chơi cho trẻ. Nhiều hoạt động dạy – học, cô và trò buộc phải di chuyển sang công viên sát bên cạnh. Vì thế, các hoạt động này buộc phải tổ chức vào đầu giờ buổi sáng để tránh thời tiết nắng nóng. Khi trẻ di chuyển, nhà trường tăng cường người hỗ trợ để quản lý, quan sát nhằm đảm bảo an toàn”.

Trường chia làm 2 nơi dạy học nên đội ngũ nhà bếp thêm nhiều phần việc. Mỗi ngày có 6 lần phải di chuyển mang thức ăn sang khu vực học dành cho khối lớp Nhỡ và lớp Lớn. “Dù quãng đường không quá xa nhưng các cô phải bưng, bê lên tầng 3 - 4 chứ không có thang tời. Xe di chuyển đồ ăn cũng phải thay đổi, thiết kế thêm mái che để thức ăn không bị ướt nếu gặp phải trời mưa”, cô Quỳnh cho biết.

Tương tự, Trường Mầm non Tiên Sa cũng phải thuê mướn phòng để bàn giao mặt bằng xây dựng trường mới. Nằm ở địa bàn quận Hải Châu nhưng nhà trường phải thuê mặt bằng ở quận Thanh Khê, cách trường cũ khoảng 4km vì không tìm ra cơ sở phù hợp. Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ cũng phải mượn cơ sở vật chất của Nhà thiếu nhi Đà Nẵng, cách trường khá xa để tổ chức dạy – học vào những tháng cuối của năm học 2022 – 2023 để bàn giao mặt bằng xây dựng trường mới.

Trường học ở Đà Nẵng và các địa phương đều đối diện với áp lực thời gian khi xây dựng trường mới do chỉ có 3 tháng nghỉ hè. Với những công trình xây dựng trường học được đầu tư lớn thì không thể hoàn thành trong thời gian này. Muốn hoàn thành trước ngày khai giảng thì phải khởi công trước khi kết thúc năm học, cũng ảnh hưởng đến việc dạy học.

Chính vì vậy, các trường thường khởi công xây dựng sau khi kết thúc năm học nên tình trạng sau khai giảng vài tháng, nhiều công trình sửa chữa hoặc xây dựng mới vẫn ngổn ngang vật liệu xây dựng hầu như năm nào cũng tái diễn.

Nhiều hoạt động dạy – học của cô và trò Trường Mầm non Bình Minh phải tổ chức tại công viên bên cạnh địa điểm thuê mướn.

Nhiều hoạt động dạy – học của cô và trò Trường Mầm non Bình Minh phải tổ chức tại công viên bên cạnh địa điểm thuê mướn.

Nhiều dự án còn bỏ ngỏ

Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh (xã Bình Lãnh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) được đầu tư xây dựng mới với quy mô 12 phòng học, 7 phòng chức năng và một bếp ăn bán trú. Được khởi công vào cuối tháng 6/2021 và dự kiến đến tháng 1/2022 hoàn thành và đưa vào sử dụng. Thế nhưng, đến đầu năm 2022, công trình buộc phải dừng lại vì chủ thầu bị công an điều tra vì sai phạm trong công tác đấu thầu. Ở thời điểm đó, công trình được tô tường, lát gạch nền. Chỉ còn chờ sơn, lắp đặt cửa và thiết bị điện trong các phòng học nữa là hoàn thiện.

Ngoài Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh, huyện Thăng Bình còn có 2 trường học khác cũng rơi vào tình trạng tương tự là THCS Lê Quý Đôn và THCS Phan Châu Trinh. Như công trình xây dựng mới khối phòng học của Trường THCS Lê Quý Đôn có vốn đầu tư hơn 3,9 tỷ đồng đã hoàn thiện 90% cũng bị bỏ dở trong gần 2 năm qua. Các công trình trường học đều do Ban Quản lý dự án của huyện Thăng Bình làm chủ đầu tư, Công ty Cổ phần tư vấn và kỹ thuật xây dựng Đại Bình An thi công.

Để “gỡ khó” cho trường học trên, UBND huyện Thăng Bình đã giao cho Ban Quản lý dự án huyện hoàn tất thủ tục chấm dứt hợp đồng với đơn vị thi công. Huyện đề nghị chủ đầu tư tổ chức đấu thầu lại, chọn nhà thầu khác để hoàn tất phần còn lại của 3 công trình, sớm đưa vào khai thác, chấm dứt tình trạng thiếu phòng học như hiện nay.

Trong mùa Hè này, Đà Nẵng khẩn trương sửa chữa, nâng cấp trường học, cải thiện các điều kiện dạy – học. Như quận Hải Châu, năm 2023, một số trường học được sửa chữa như: Lát nền gạch, ốp tường, sơn mới, thay hệ thống cửa, hệ thống điện điều hòa ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu; cải tạo khối lớp học, nhà vệ sinh, bãi đỗ xe Trường THCS Sào Nam; khu vực đỗ xe Trường THCS Tây Sơn; cải tạo mái, thay gạch nền Trường Tiểu học Bạch Đằng…

Trên địa bàn quận Liên Chiểu có 11 công trình trường học được nâng cấp, sửa chữa nhỏ, bao gồm Trường THCS Nguyễn Chơn; Trường Tiểu học Trần Bình Trọng, Trường Mầm non Sơn Ca, cơ sở chính Trường Mầm non 1 - 6, Trường THCS Đàm Quang Trung, Trường THCS Nguyễn Thái Bình, Trường Tiểu học Trưng Nữ Vương, Trường Mầm non Tuổi Thơ, Trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên, Trường Mầm non Tuổi Ngọc, Trường THCS Ngô Thì Nhậm.

Một số trường học trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn cũng được đầu tư như cải tạo, sửa chữa Trường THCS Lê Lợi, Tiểu học Lê Lai, Tiểu học Mai Đăng Chơn, Tiểu học Tô Hiến Thành, Tiểu học Lê Văn Hiến, THCS Huỳnh Bá Chánh, THCS Trần Đại Nghĩa…

Những công trình sửa chữa nhỏ cơ bản đúng tiến độ. Tuy nhiên, nhiều dự án xây dựng mới các trường học ở Đà Nẵng vẫn chưa thể triển khai đúng theo kế hoạch. Vì vậy, tình trạng thiếu phòng học, phải sử dụng phòng chức năng, ngăn sảnh chơi làm phòng học chưa thể chấm dứt.

Một số vị trí đất quy hoạch xây dựng trường học trên địa bàn quận Liên Chiểu đang vướng các khâu giải tỏa đền bù, thu hồi đất như Trường Tiểu học Trung Nghĩa, Trường liên cấp I và II phường Hòa Khánh Bắc (cuối đường Bùi Chát)... Một số khu đất quy hoạch đất giáo dục nhưng chủ đầu tư chậm triển khai như dự án Khu đô thị Phước Lý, Khu đô thị thương mại và cao tầng Phương Trang, Khu đô thị Lakeside...

Theo kế hoạch tuyển sinh, năm học 2023 - 2024, Trường Tiểu học Duy Tân (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) có 8 lớp Một. Tuy nhiên, khả năng sẽ phát sinh thêm lớp vì theo danh sách điều tra mới nhất, số học sinh trong độ tuổi vào lớp Một tăng so với thời điểm làm kế hoạch. Hơn nữa, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mới, học sinh lớp Một đến lớp Bốn phải được học 2 buổi/ngày nên sẽ thiếu phòng học. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hỷ cho hay, tạm thời UBND quận cho nhà trường ngăn sảnh học thể dục để có thêm 3 phòng nhưng vẫn không đủ so với nhu cầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.