Nam sinh sáng chế nước tưới hữu cơ

GD&TĐ - Với mong muốn người dân đô thị có thể tự trồng rau sạch tại nhà, Lương Xuân Đức (Viện Kỹ thuật hóa học, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) đã sáng chế nước tưới hữu cơ Humic.

Dự án nước tưới Humic của Xuân Ðức (áo sáng) đã đạt giải Nhì cuộc thi khởi nghiệp Trường Ðại học Bách khoa Hà Nội năm 2020. Ảnh: NVCC.
Dự án nước tưới Humic của Xuân Ðức (áo sáng) đã đạt giải Nhì cuộc thi khởi nghiệp Trường Ðại học Bách khoa Hà Nội năm 2020. Ảnh: NVCC.

Bài học từ thất bại đầu đời

Đam mê cây cảnh từ bé, lại nhận được sự hậu thuẫn của bố mẹ nên từ khi còn là cậu học sinh của Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Lương Xuân Đức đã có một cửa hàng bán cây cảnh và các sản phẩm liên quan.

Nhưng sau một thời gian, cây tại cửa hàng bị úa vàng và chết dần chết mòn. Dù đã sử dụng nhiều phân bón vô cơ, phân bón cao cấp để cố cứu vãn tình hình, nhưng cuối cùng Đức vẫn phải đóng cửa hàng.

Thất bại đầu đời đã thôi thúc Đức quyết tâm tìm ra sản phẩm tốt cho cây sống trong môi trường ít ánh sáng, ít đất. Đức tiến hành nghiên cứu tài liệu của nước ngoài và Việt Nam về Humic.

Từ những nghiên cứu đấy, Đức cải tiến thành phương thức sản xuất mới rẻ hơn, phù hợp. Bên cạnh đó, Đức cùng Nguyễn Thành Đạt (sinh viên Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội) lên ý tưởng cho một sản phẩm có thể giải quyết những vấn đề nan giải của cây trồng trong đô thị.

2 năm tập trung liên tục nghiên cứu, khoảnh khắc Đức biết bản thân đã thành công trong việc sáng chế nước tưới hữu cơ là trong một lần đi bán quất cảnh. Khi đó, do sử dụng quá nhiều nước tưới Humic nên cây quất chín biến thành cây quất xanh. Thoạt đầu Đức đặt ra câu hỏi, không lẽ sản phẩm của mình có thể “cải tử hoàn sinh”.

Nhưng sau khi nghiên cứu sâu hơn thì Đức biết rằng do trước giao quất cho người bán thì chủ vườn đã dùng chất kích thích giúp cây chín nhanh và chất Humic trong nước tưới giúp cây trở về đúng chu trình sinh học của nó.

Sản phẩm nước tưới Humic phù hợp cho cây trồng trong nhà và với các gia đình có nhu cầu trồng cây, rau xanh trên ban công, sân thượng. “Humic Lười là sản phẩm thú vị nhất của chúng tôi. Người dùng chỉ việc pha loãng sản phẩm với nước theo tỷ lệ 1:20 rồi tưới trực tiếp lên cây trồng là gần như đủ dinh dưỡng cho mọi loại cây.

Đối với nhóm cây đang chịu tổn thương như hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn, tổn thương khi di dời, ngộ độc… thì dùng Fresh Humic. Nó bao hàm toàn bộ những tính chất quý báu và hơn 70 khoáng chất để kích thích sự tự phục hồi của cây trồng.

Ngoài ra còn có sản phẩm mùn bã cải tạo đất trồng có thể thay thế phân bón lót, hoặc bổ sung trực tiếp cho vùng đất  bị chai lì, ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật...”, anh Nguyễn Thành Đạt thông tin.

Anh Phạm Đức Hậu (phường Định Công, quận Hoàng Mai) chia sẻ, trồng cây ở ban công hay trên sân thượng gặp nhiều khó khăn vì điều kiện hạn chế, nhưng từ khi sử dụng nước tưới Humic, cây hoa và rau phát triển tốt, giảm thời gian tưới và công chăm bón.

Xuân Đức thu hoạch rau sau thời gian chăm sóc bằng nước tưới hữu cơ. Ảnh: NVCC.

Xuân Đức thu hoạch rau sau thời gian chăm sóc bằng nước tưới hữu cơ. Ảnh: NVCC.

Nâng cấp thành dược, mỹ phẩm

Là một hợp chất hữu cơ được hình thành bởi sự phân hủy sinh học các chất thực vật chết, Humic được mệnh danh là “vàng đen trong nông nghiệp” đóng vai trò quan trọng quyết định độ màu mỡ của đất và dinh dưỡng cây trồng. Chất Humic có thể hình thành tự nhiên trong đất được canh tác hợp lý. Tuy nhiên, các biện pháp tạo ra Humic thông thường rất chậm và tốn nhiều chi phí. Giải pháp nhanh và thực tế nhất để cải thiện độ màu mỡ của đất là bổ sung Humic trực tiếp vào đất hoặc bón lá.

Trên thế giới chất Humic đã được biết từ thế kỉ trước, tuy nhiên tại Việt Nam thì còn khá mới. Vì vậy, các sản phẩm nhập ngoại về đề đắt, không phù hợp với kinh tế của người dân.

Việc Đức sáng chế ra nước tưới hữu cơ vừa giúp cây rau phát triển, cho ra sản phẩm chất lượng hơn, sạch hơn, vừa giúp người dân tiết kiệm chi phí chăm bón. “Người dùng chỉ việc pha loãng sản phẩm rồi tưới trực tiếp lên cây trồng là có thể đủ dinh dưỡng cho mọi loại cây”, Đức chia sẻ.

“Khởi nghiệp là một quá trình gian nan và Dự án “Nước tưới Humic cho nông nghiệp đô thị” triển khai trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên đã gặp không ít khó khăn. Thế nhưng, sau 6 tháng đầy nỗ lực, startup Humic Đức Thảo (số 54 phố Bà Triệu, quận Hà Đông) của chúng tôi đã được nhiều khách hàng biết đến và tin tưởng”, anh Lương Xuân Đức hào hứng.

Hiện tại, loại nước tưới hữu cơ của Đức đã được bán ra thị trường. Đức mong muốn thông qua sản phẩm này có thể mang lại giá trị cho cộng đồng, giúp người dân sống tại các đô thị cũng có thể tự trồng rau ngay tại nhà.

“Thị trường mà mình hướng đến là nông nghiệp đô thị, dành cho những người thích trồng rau sạch. Mình hy vọng sản phẩm của mình có thể giúp lan toả mô hình trồng rau tại nhà để bất kì người dân nào cũng có thể tự trồng rau để ăn”, Đức nói.

Ngoài ra, Đức cũng đã đặt ra mục tiêu trong suốt thời gian theo học tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ nghiên cứu tiếp về sản phẩm này và nâng cao nó lên thành sản phẩm dược phẩm, mĩ phẩm.

PGS.TS Hoàng Bích Thủy, phụ trách Phòng thí nghiệm sáng tạo và khởi nghiệp chuyển đổi (Viện Kỹ thuật Hóa học) đánh giá, ý tưởng về nước tưới Humic cho nông nghiệp đô thị có sáng tạo, tính khả thi rất cao. Sau cuộc thi này, các sinh viên được trang bị thêm kiến thức chuyên sâu và kỹ năng về khởi nghiệp để tự tin hơn với những dự án trong tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.